Ngành Giáo dục Tây Bắc, Tây Nguyên nỗ lực vượt khó để thích ứng
Năm 2021 ngành GD-ĐT các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
GD&TĐ - Năm 2021 ngành GD-ĐT các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Việc dạy, học ở nhiều thời điểm phải gián đoạn. Tuy vậy, các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn để thích ứng với thực tế và sẵn sàng vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội trong năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên: Khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn đến ngành GD-ĐT Điện Biên. Đặc biệt là 2 đợt dịch lớn bùng phát vào tháng 4, 11/2021, nhiều cơ sở giáo dục được trưng tập làm khu cách ly tập trung, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành là F0, F1 phải đi cách ly tập trung... ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Việc tổ chức hoạt động giáo dục mầm non theo hình thức trực tuyến không thể thực hiện nên ảnh hưởng nhiều đến nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt theo độ tuổi của trẻ. Việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1 gặp nhiều khó khăn.
Đối với học sinh phổ thông (nhất là lớp 1), học sinh ở vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn, hình thức học trực tuyến còn gặp nhiều thách thức, khó triển khai hoặc triển khai đạt hiệu quả chưa cao đã tác động lớn đến chất lượng học tập. Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở vật chất (đường truyền, trang thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến...) không đáp ứng. Nhiều gia đình thuộc hộ nghèo không đủ điều kiện mua sắm trang thiết bị học tập cho con em; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số giáo viên còn hạn chế; việc giám sát, hỗ trợ con em học trực tuyến của cha mẹ học sinh còn rào cản do bận công việc hàng ngày.
Trước bối cảnh trên, chúng tôi xác định, từ nay cho đến hết năm học, toàn ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn trường học, vừa khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Theo đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không chủ quan, lơ là; tăng cường kiểm soát người ra vào cơ quan, đơn vị thông qua việc quét mã QR…; phối hợp với ngành y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho cán bộ, giáo viên, học sinh…
Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Căn cứ hướng dẫn nhiệm vụ năm học của các cấp học, sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế.
Triển khai hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở GD.
Triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục.
Tăng cường phân cấp cho cơ sở, gắn với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La: Kiên định phương châm tổ chức các kỳ thi an toàn, nghiêm túc
Một thông điệp cốt lõi mà ngành GD-ĐT Sơn La đã và đang truyền tải đến cán bộ, giáo viên và nhân dân, đó là: Ngành sẽ kiên định với phương châm tổ chức các kỳ thi. Trong đó, có Kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, đúng quy chế và đạt chất lượng. Mặc dù trước mắt ngành còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra, song vẫn phải làm tốt.
Vì vậy, mỗi cán bộ, thầy cô giáo và học sinh cần thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho bản thân, để được đến trường giảng dạy và học tập trực tiếp. Phấn đấu hoàn thành chương trình giảng dạy, học tập đúng thời gian quy định. Các phụ huynh hãy đồng hành cùng nhà trường thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh để bảo vệ con em mình, cho trẻ có được cơ hội đến trường học tập.
Đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, chúng tôi luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn vất vả của thầy cô, sẽ tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có sự hỗ trợ tốt nhất, thuận lợi nhất để đội ngũ nhà giáo yên tâm thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Phương châm mà chúng ta đang thực hiện, đó là: “Tất cả vì học sinh thân yêu, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau” trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Đối với học sinh, tôi mong muốn các em luôn cố gắng, nỗ lực, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng vươn lên học tập tốt dưới sự hỗ trợ, dìu dắt của nhà trường và thầy cô. Tôi mong muốn phụ huynh luôn quan tâm, đồng hành để các em có được sự hỗ trợ tốt nhất trong năm cuối của cấp học. Từ đó giúp các em có động lực phấn đấu học tập để đạt kết quả tốt nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
NGƯT Đinh Trung Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu: Xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục Lai Châu đã tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện cũng như các giải pháp cho năm học mới, cụ thể:
Tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp các cấp học hợp lý, phù hợp với thực tiễn địa phương. Sắp xếp hệ thống trường, lớp học đảm bảo nhu cầu cho lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 và theo đúng quy định của Điều lệ trường học, các tiêu chí trường chuẩn quốc gia.
Cùng với đó, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố sắp xếp, bố trí giáo viên hợp lý, không để tình trạng thiếu, mất cân đối cơ cấu giáo viên khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học linh hoạt, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến khó lường của dịch Covid-19. Tích cực triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2, lớp 6; chuẩn bị các điều kiện đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong GDPT....
Chúng tôi cũng sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục. Rà soát, đầu tư cải tạo, xây dựng mới một số hạng mục trong trường học để môi trường học đường xanh, sạch, đẹp. Đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, huy động các lực lượng xã hội cùng chung tay với ngành Giáo dục trong đầu tư nguồn lực đáp ứng các nhu cầu giáo dục...
Ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai: Chủ động “giải” bài toán thiếu giáo viên và đảm bảo trang thiết bị dạy học
Theo kế hoạch, học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trên cả nước sẽ học theo sách giáo khoa mới từ năm học 2022 - 2023. Để thực hiện chương trình mới đạt hiệu quả, chất lượng, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã và đang gấp rút chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất… Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh Gia Lai có 714 trường mầm non, phổ thông công lập với 392.025 học sinh/11.683 lớp. Tổng số viên chức từ bậc mầm non đến phổ thông trong biên chế là 19.040 người.
Trong năm học 2022 - 2023 tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018, đặc biệt đối với lớp 3 dạy học bắt buộc 2 môn Tiếng Anh, Tin học. Do có nhiều điểm trường lẻ nên đòi hỏi số lượng lớn giáo viên để đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Tuy nhiên, toàn tỉnh đang thiếu 3.721 giáo viên ở các cấp học. Trong đó, thiếu 1.637 giáo viên bậc mầm non; 986 giáo viên tiểu học; 726 giáo viên THCS và 372 giáo viên bộ môn THPT. Khi thực hiện chương trình SGK mới với lớp 3, lớp 7 và lớp 10, số lượng giáo viên của địa phương không đảm bảo.
Ngoài thiếu giáo viên, ngành Giáo dục Gia Lai đang tìm giải pháp để đảm bảo tất cả học sinh đều được tiếp cận trang thiết bị dạy học đối với bộ môn Tin học lớp 3. Với phương châm nếu thiết bị được phân bổ về thì chỉ triển khai ở điểm trường chính. Vì vậy, dự kiến trong năm học 2022 – 2023, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai tiến hành sáp nhập 50% các điểm trường lẻ về điểm chính.
Với những điểm trường chưa được sáp nhập, địa phương sẽ tổ chức cho học sinh học lý thuyết ở điểm lẻ. Đồng thời, nhà trường linh hoạt sắp xếp thời khóa biểu đưa đón các em đến điểm chính để học thực hành. Qua đó, đảm bảo tất cả học sinh đều được tiếp cận trang thiết bị dạy học phù hợp với chương trình mới.
Đây chỉ là những giải pháp tạm thời. Về lâu dài, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai mong muốn các Bộ, Ban ngành Trung ương quan tâm, sớm phân bổ biên chế giáo viên, địa phương tập trung nguồn lực đầu tư trang thiết bị dạy học để đảm bảo việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.