Ngành giáo dục tỉnh Ninh Bình nhiều triển vọng sau sáp nhập
Sau sáp nhập, ngành giáo dục tỉnh Ninh Bình không chỉ tăng mạnh về quy mô mà còn hội tụ nhiều yếu tố để phát triển toàn diện và bền vững.

Thí sinh Ninh Bình tham gia Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025.
Sự hợp lực từ ba nền tảng vững chắc
Sau khi sáp nhập ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam, ngành giáo dục của tỉnh Ninh Bình mới được thừa hưởng nền tảng vững chắc từ cả ba địa phương vốn đã có truyền thống học tập lâu đời.

Thí sinh Ninh Bình tham gia Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025.
Theo thống kê từ Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình, từ ngày 1/7, toàn tỉnh có 953.223 trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Trong đó, mầm non có 213.800 trẻ đang học tại 503 trường; bậc tiểu học có 332.192 học sinh theo học tại 488 trường; bậc trung học cơ sở có 255.880 học sinh tại 471 trường; bậc trung học phổ thông có 119.826 học sinh tại 110 trường. Toàn tỉnh có 23.775 học viên đang theo học tại 25 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và khoảng 7.750 học sinh học tại 20 trường liên cấp.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng đạt quy mô lớn, với hơn 46.400 giáo viên các cấp học. Trong đó, nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn cao, tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Một trong những điểm sáng là toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 1.495/1.558 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 96%. Đây là nền tảng vững chắc để ngành giáo dục Ninh Bình sau hợp nhất phát triển theo hướng toàn diện, đồng bộ và hiện đại.
Đặc biệt, sau sắp xếp, tỉnh Ninh Bình có 3 trường chuyên gồm: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy và Trường THPT chuyên Biên Hòa. Các trường chuyên này đều được giữ nguyên tên sau khi sắp xếp.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tỉnh Ninh Bình có tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 46.667 thí sinh, trong đó có 1.141 thí sinh tự do (Chương trình GDPT 2018 là 45.896 em; Chương trình GDPT 2006 là 771 em). Tại kỳ thi này, Ninh Bình là địa phương dẫn đầu toàn quốc về điểm trung bình các môn Toán, Tin học và Địa lí.
Kỳ vọng vào bước tiến mới
Với hệ thống giáo dục ngày càng đồng bộ, đội ngũ giáo viên có trình độ cao và sự quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành giáo dục Ninh Bình đang có nhiều cơ hội lớn để bứt phá.
Tại Đại hội Đảng bộ Sở GD&ĐT Ninh Bình lần thứ X, nhiệm kỳ 2025-2030, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đã gợi mở một số vấn đề mang tính định hướng để Đại hội thảo luận và toàn ngành tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới, trong đó, quan tâm xây dựng nền giáo dục của tỉnh Ninh Bình mới có bản sắc riêng dựa trên nền tảng truyền thống văn hóa, văn hiến chung của 3 tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Hà Nam.
Ngành giáo dục cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục tri thức hiện đại với giá trị truyền thống; duy trì, giữ vững, phát huy hơn nữa truyền thống ham học, trọng chữ và thành tích trong giáo dục - đào tạo của 3 địa phương trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ và thực chất hơn trong toàn ngành. Đây là yêu cầu rất cấp bách, yêu cầu bắt buộc đối với toàn xã hội, đối với hệ thống chính trị và toàn ngành giáo dục cần phải chủ động hơn, tích cực hơn và phải đi trước.
Tại phiên họp đầu tiên ngay sau khi UBND tỉnh Ninh Bình công bố các quyết định bổ nhiệm các lãnh đạo Sở GD&ĐT, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh: Việc hợp nhất 3 đơn vị hành chính đòi hỏi ngành giáo dục phải có sự điều chỉnh mạnh mẽ, chủ động thích ứng, đồng thời đảm bảo tính liên tục, ổn định trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Kế thừa những kết quả đã đạt được cùng định hướng rõ ràng, có thể thấy ngành giáo dục tỉnh Ninh Bình sau sáp nhập đang bước vào một chu kỳ phát triển mới, với quy mô lớn, tiềm lực mạnh, tổ chức thống nhất và định hướng rõ ràng. Đây là thời điểm để ngành không chỉ duy trì thành tích, giữ ổn định hệ thống mà còn bứt phá mạnh mẽ hơn, tiến tới xây dựng nền giáo dục chất lượng cao, hiện đại, giàu bản sắc – góp phần tạo nền tảng tri thức bền vững cho sự phát triển lâu dài của tỉnh Ninh Bình.