Ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh có quy mô lớn nhất cả nước sau sáp nhập
Sau khi chính thức hợp nhất với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh hiện có quy mô lớn nhất cả nước với khoảng 2,6 triệu học sinh, gần 3.500 trường học và hơn 110.000 giáo viên.
Theo số liệu công bố, trước khi sáp nhập, TP Hồ Chí Minh có hơn 1,7 triệu học sinh; Bình Dương có khoảng 520.700 học sinh và Bà Rịa Vũng Tàu có khoảng 300.000 học sinh. Sau hợp nhất, TP Hồ Chí Minh hiện có tổng số khoảng 2,6 triệu học sinh các cấp, vượt xa các địa phương khác trong cả nước.
Tương ứng với số lượng học sinh tăng mạnh, quy mô trường lớp cũng được mở rộng. Trước sáp nhập, TP Hồ Chí Minh có 2.341 trường học; Bình Dương có 713 trường; Bà Rịa - Vũng Tàu có 463 trường. Như vậy, TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập sở hữu khoảng 3.500 trường học, từ mầm non đến trung học phổ thông.

Học sinh TP Hồ Chí Minh trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua.
Về đội ngũ giáo viên, thống kê cho thấy ngành giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh (cũ) có 80.612 giáo viên, trong khi Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi địa phương có khoảng hơn 16.000 giáo viên. Tổng cộng, TP Hồ Chí Minh hiện có trên 110.000 giáo viên, cùng đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên hỗ trợ hùng hậu.
Để điều hành một hệ thống giáo dục với quy mô lớn như vậy, Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh mới gồm 1 giám đốc và 9 phó giám đốc. TS Nguyễn Văn Hiếu giữ chức Giám đốc Sở. Các phó giám đốc gồm: ông Dương Trí Dũng, ông Nguyễn Bảo Quốc, bà Lê Thụy Mỵ Châu, bà Huỳnh Lê Như Trang, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, ông Nguyễn Văn Phong, bà Trương Hải Thanh, bà Trần Thị Ngọc Châu và ông Nguyễn Kế Toại.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đặt trụ sở tại số 66-68 Lê Thánh Tôn, phường Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh. Cơ cấu bộ máy gồm các phòng chức năng: Văn phòng, Phòng Kiểm tra - Pháp chế (sát nhập Thanh tra và thêm chức năng pháp chế), Phòng Tổ chức cán bộ, Kế hoạch - Tài chính, Phòng Học sinh - Sinh viên (đổi tên từ Phòng Chính trị - Tư tưởng), Phòng Quản lý chất lượng (từ Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng), cùng các phòng chuyên môn khác như Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông, Giáo dục thường xuyên - nghề nghiệp và đại học, Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Toàn Sở hiện quản lý 198 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 165 trường phổ thông, 2 trường THPT chuyên, 2 trường năng khiếu thể dục - thể thao, 1 trường phổ thông đặc biệt, 2 trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, 3 trường mầm non trực thuộc, 6 trường trung cấp, 10 trung tâm giáo dục thường xuyên, cùng nhiều trung tâm hỗ trợ giáo dục đặc biệt, ngoại ngữ, tin học và trung tâm thông tin.
Việc hợp nhất ba địa phương đã đưa TP Hồ Chí minh trở thành trung tâm giáo dục hàng đầu cả nước, không chỉ về quy mô mà còn về sự đa dạng mô hình, nhu cầu học tập và thách thức trong công tác quản lý, điều phối nguồn lực. Đây là cơ hội lớn để ngành giáo dục thành phố phát triển đồng đều, hiện đại hóa hệ thống và tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.