Ngành Giáo dục trước bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực
Tình trạng thiếu giáo viên đã và đang xảy ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có tỉnh Bắc Kạn, ở thời điểm ngành Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Một giờ ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Sông Cầu (TP. Bắc Kạn).
Chương trình GDPT năm 2018 trong năm học 2022-2023 triển khai một số môn học mới, dẫn đến nhu cầu giáo viên giảng dạy các môn học này có sự thay đổi, đặc biệt là môn Tiếng Anh và Tin học đối với lớp 3. Tình trạng thiếu giáo viên còn xảy ra ở các bộ môn khác của cấp THCS; THPT, nhất là các môn Toán, Hóa, Sinh, Vật lí, Tiếng Anh.
Mặc dù chỉ tiêu biên chế được giao tương đối đủ nhưng việc triển khai kế hoạch tuyển dụng giáo viên hằng năm luôn trong tình trạng thiếu nguồn tuyển. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, có những môn không có người đăng ký dự tuyển. Đơn cử như năm 2021, cả tỉnh tuyển được 206 giáo viên các cấp học, riêng khối trực thuộc Sở GD&ĐT chỉ tuyển được 16/53 giáo viên, đạt 30,2%. Năm 2022, Sở GD&ĐT và các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức, trong đó có viên chức ngành Giáo dục. Nhưng hiện việc tuyển dụng đang tạm dừng do tỉnh đang tiến hành rà soát, thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo sự chỉ đạo của Trung ương trước khi Sở Nội vụ ban hành văn bản thẩm định kế hoạch tuyển dụng.
Năm 2022, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn được giao 7.313 biên chế, nhưng chỉ thực hiện được 6.594 biên chế, còn thiếu trên 800 biên chế. Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở tất cả các cấp học.
Trước thực trạng đó, Sở GD&ĐT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố đăng ký nhu cầu đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ năm 2021 với 166 chỉ tiêu; rà soát, đăng ký nhu cầu đào tạo liên thông trình độ đại học sư phạm (văn bằng 2) với 58 người; rà soát, thống kê số sinh viên đang theo học hoặc đã tốt nghiệp ngành sư phạm có trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 và một số ngành không phải sư phạm như Tiếng Anh, Tin học (hoặc Công nghệ thông tin), nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) để xác định nguồn tuyển dụng giáo viên cho địa phương, với 1.438 sinh viên (865 sinh viên đã tốt nghiệp, 573 sinh viên đang theo học). Thông báo, niêm yết công khai nhu cầu tuyển dụng giáo viên; tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến học sinh, sinh viên đang theo học cấp THPT, đặc biệt là học sinh khối 12; thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp đối với ngành sư phạm....
Tuy nhiên, thực tế nhiều sinh viên ra trường không có nhu cầu đăng ký tuyển dụng vào dạy ở các trường trên địa bàn tỉnh, sinh viên sư phạm tốt nghiệp đi làm ở các công ty hoặc dạy bên ngoài. Ông Vũ Xuân Quảng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Bể cho biết: Hiện nay, huyện thiếu giáo viên ở các cấp học, nhất là giáo viên dạy Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh. Tuyển dụng được đã khó, giữ chân giáo viên cũng không dễ. Năm 2021 có trường hợp tuyển dụng được 01 giáo viên Tiếng Anh cho Trường PTDT bán trú THCS Cao Thượng nhưng sau đó giáo viên này bỏ việc, ra ngoài làm.
Vì thiếu nhân lực giảng dạy, các nhà trường đã phải bố trí sắp xếp, động viên đội ngũ giáo viên khắc phục khó khăn, gánh thêm trách nhiệm dạy liên trường, liên cấp. Chẳng hạn, ở Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu, giáo viên Tiếng Anh ngoài dạy ở điểm trường chính còn phải đảm nhiệm dạy ở 02 điểm trường lẻ là Đán Mẩy và Khau Qua, rất vất vả, di chuyển mất nhiều thời gian và công sức. Phương án tổ chức “lớp học ảo” đối với môn Tiếng Anh cho học sinh lớp 3 ở các điểm trường này khó thực hiện được bởi vùng này sóng internet rất yếu.
Song song với việc tuyển dụng giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo quy định (giai đoạn 2021-2026) là 10% (hơn 700 người). Điều này gây khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ để đảm bảo nhiệm vụ dạy và học.
Thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành Giáo dục và Đào tạo đang là vấn đề đáng báo động. Do thiếu nguồn nên dễ xảy ra tình trạng tuyển dụng sao cho đủ biên chế trước mắt, còn vấn đề chất lượng tính sau. Đã đến lúc tỉnh cần nghiên cứu cơ chế chính sách thu hút tốt hơn sinh viên sư phạm ra trường về làm việc tại tỉnh, nhất là những sinh viên khá, giỏi, đáp ứng nhu cầu về nguồn lực cho ngành Giáo dục, khắc phục tình trạng phải sử dụng giải pháp tình thế, “lấp chỗ trống” giáo viên như hiện nay./.