Ngành Giao thông ứng dụng công nghệ: Hiện đại hóa bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ

Việc ứng dụng máy móc công nghệ mới để nâng cao hiệu quả bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng đường bộ nói riêng là cực kỳ cần thiết. Việc làm này sẽ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực trong công tác quản lý, vận hành khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ, lĩnh vực 'xương sống' của ngành Giao thông vận tải (GTVT)...

Góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn bảo trì đường bộ

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), thời gian qua, đơn vị này đã công bố, ban hành 4 tiêu chuẩn cơ sở, gồm: Áo đường mềm - yêu cầu và chỉ dẫn thiết kế theo chỉ số kết cấu; thiết kế mặt đường bê tông xi măng thông thường có khe nối trong xây dựng công trình giao thông; Thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông xi măng trong xây dựng công trình giao thông. Các tiêu chuẩn này ứng dụng máy móc công nghệ mới để nâng cao hiệu quả bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực trong công tác quản lý, vận hành khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Hệ thống phần mềm quản lý tài sản đường bộ cũng kết nối với chính phủ điện tử, cung cấp dữ liệu tổng hợp như tải trọng khai thác, kết cấu mặt đường, tốc độ khai thác... lên trục dữ liệu chung của Bộ GTVT và kết nối với cơ sở dữ liệu chung của Chính phủ. Người dân, doanh nghiệp có thể vào khai thác dữ liệu tại đây.

Ứng dụng khoa học công nghệ giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo trì đường bộ. Ảnh: Duy Trần

Ứng dụng khoa học công nghệ giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo trì đường bộ. Ảnh: Duy Trần

Hệ thống cũng hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công như cấp giấy phép thi công, cấp giấy phép chở quá khổ, quá tải. Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tài sản đường bộ dùng kỹ thuật số để thu thập và tích hợp quản lý 32 trường dữ liệu tài sản có trên đường bộ như tình trạng mặt đường, độ gồ ghề mặt đường, rãnh, cọc tiêu, biển báo, cầu, cống... Từ dữ liệu chi tiết đó, Tổng cục ĐBVN sẽ có kế hoạch bảo trì cụ thể.

Đi đôi với các giải pháp ứng dụng công nghệ, vật liệu mới, nâng cao chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình, hiệu quả nguồn vốn bảo trì đường bộ, với phần mềm quản lý tài sản đường bộ hiện đại sẽ góp phần nâng cao công tác kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ và xử lý vi phạm.

Các đơn vị quản lý đường bộ đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát công tác quản lý, tuần kiểm đường bộ trên nền bản đồ số kết hợp với hệ thống thiết bị di động thông minh sử dụng phần mềm quản lý công việc trực tuyến, qua đó giám sát công tác thực hiện của đơn vị quản lý và đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, giám sát các hoạt động trên tuyến thường xuyên song song với việc ra các mệnh lệnh thực hiện thông qua tương tác qua lại giữa các đơn vị.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và vật liệu tiên tiến

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 877/2022 phê duyệt Đề án Xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm trong công tác xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông qua việc chủ động, nắm bắt kịp thời và ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đề án phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 100% chuyển đổi số toàn diện các nghiệp vụ của tất cả các đơn vị thuộc Bộ GTVT; hoàn thiện cơ sở dữ liệu lớn của ngành GTVT, kết nối và chia sẻ giữa các lĩnh vực giao thông vận tải, giữa trung ương và địa phương; áp dụng rộng rãi mô hình thông tin xây dựng (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình giao thông; ứng dụng phổ biến công nghệ và vật liệu tiên tiến trong xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

Phê duyệt Đề án Xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 877/2022 phê duyệt Đề án Xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần 4.0. Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm trong công tác xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

Để đạt được mục tiêu trên, đề án triển khai một số giải pháp chủ yếu về thể chế, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý, khai thác và bảo trì. Cụ thể, về thể chế, cơ quan quản lý sẽ sửa đổi, bổ sung quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, quy định chi phí trực tiếp xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ và hướng dẫn xác định chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hướng phù hợp thực tế, rõ ràng và dễ áp dụng; bổ sung quy định về bảo trì công nghệ thông tin, đặc biệt hệ thống giao thông thông minh (ITS) và thu phí điện tử không dừng (ETC); xây dựng hành lang pháp lý để áp dụng BIM.

Cơ quan quản lý sẽ rà soát, hoàn thiện cơ chế và giải pháp khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội hóa theo phương thức đối tác công - tư cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, đầu tư, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chú trọng đến các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong nước. Cùng với đó, Tổng cục ĐBVN sẽ hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức tư vấn thiết kế, đầu tư và các nhà thầu xây dựng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng BIM và các ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị; các ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong công tác khảo sát, thiết kế và thi công công trình.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-giao-thong-ung-dung-cong-nghe-hien-dai-hoa-bao-tri-ha-tang-giao-thong-duong-bo-109808.html