Ngành Giao thông vận tải triển khai nhiệm vụ năm 2024
Sáng 28/12, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết nhiệm vụ năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã tới dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Hội nghị được kết nối với 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong toàn quốc.
Tại điểm cầu Hà Nam, tới dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành chức năng trong tỉnh và đại diện các huyện, thị xã, thành phố.
Trong năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, bộ, ngành, địa phương; sự đồng thuận, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; ngành GTVT đã nỗ lực khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ trên các mặt công tác. Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT); xây dựng, ban hành nhiều văn bản, công điện, kế hoạch để thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về bảo đảm TTATGT. Việc triển khai đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đặc biệt chú trọng với tư duy mới, cách làm mới đảm bảo cả 3 mục tiêu "chất lượng, tiến độ, hiệu quả".
Cụ thể, năm 2023, cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó, 9 dự án đường bộ cao tốc dài 475 km, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác từ đầu nhiệm kỳ đến nay gần 730 km và nâng tổng số cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km và đang triển khai thi công gần 1.700 km đường cao tốc kết nối trục Bắc-Nam và Đông-Tây, tạo tiền đề quan trọng để chúng ta có thể đạt và vượt mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.
Ngành GTVT cũng đã đồng loạt khởi công 12 dự án cao tốc Bắc-Nam với tổng chiều dài 723,7 km, 3 cao tốc trục Đông-Tây, 2 đường vành đai TPHCM và Hà Nội, cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, khởi công một số dự án: Cao Lãnh-Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, Chợ Mới-Bắc Kạn, Hòa Liên-Túy Loan.
Về hàng không, hoàn thành đưa vào khai thác nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Phú Bài, Điện Biên, xử lý quyết liệt, dứt điểm vướng mắc để khởi công nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu.
Về đường sắt, đã cơ bản hoàn thành từng phần và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch 2 dự án; đã khởi công 3 dự án: Cải tạo nâng cấp đường sắt trên tuyến Hà Nội-TPHCM (đoạn Hà Nội-Vinh, đoạn Vinh-Nhà Trang) và cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội và Bến Thành-Suối Tiên; khẩn trương hoàn thiện đề án đường sắt tốc độ cao, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có.
Trong công tác quản lý Nhà nước, ngành đã đẩy mạnh: Công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, bao gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; góp phần xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; Gắn kết chặt chẽ công tác cải cách hành chính với các nhiệm vụ quản lý nhà nước; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính; Nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc đối với công chức, viên chức; nâng cao đạo đức công vụ công chức, đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát biểu ghi nhận, phân tích kết quả nổi bật mà ngành GTVT đạt được trong năm qua. Đặc biệt sự phối hợp có hiệu quả của Bộ GTVT đối với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch; xây dựng, triển khai các dự án, nhất là trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực GTVT...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023, tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cả nước đã đạt được nhiều kết quả, thành tích đáng ghi nhận, trong đó có đóng góp quan trọng, thiết thực của ngành GTVT với vai trò và truyền thống "đi trước mở đường". Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những kết quả đạt được của ngành GTVT trong năm 2023. Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, ngành giao thông vận tải tiếp tục khắc phục những khó khăn hạn chế, phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2024.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo ngành giao thông vận tải tiếp tục: Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, phát huy tối đa niềm năng thế mạnh, cơ hội nổi trội của từng lĩnh vực ngành GTVT cũng như từng vùng miền. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế, nhất là những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện. Giữ vững kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Lấy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ là nguồn lực dẫn dắt trong việc khảo sát, thiết kế, tổ chức thi công, giám sát thực hiện các công trình trọng điểm để đảm bảo chất lượng thi công, giảm giá thành, đẩy nhanh tiến độ, tránh tiêu cực, góp phần đảm bảo lâu dài, bền vững.
Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, phát huy tối đa niềm năng thế mạnh, cơ hội nổi trội của từng lĩnh vực ngành GTVT cũng như từng vùng miền. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế, nhất là những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện. Giữ vững kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Tăng cường công tác truyền thông.