Ngành giày dép Mỹ gửi thư khẩn

76 thương hiệu hàng đầu của ngành công nghiệp giày dép Mỹ, bao gồm những tên tuổi lớn như Nike, Adidas, Skechers và Under Armour đã cùng nhau gửi thư khẩn đến Nhà Trắng, yêu cầu được miễn trừ khỏi chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump.

Đây là các nhãn hiệu giày dép bình dân ở Mỹ, với đặc điểm là giá cả phải chăng và dùng rất bền. Để có được mức giá đó, chất lượng đó cho tầng lớp bình dân Mỹ, đồng thời đảm bảo lợi nhuận khủng cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, tạo thu nhập cho hàng loạt nhà đầu tư nữa, các hãng giày dép đã tận dụng được nguồn lao động giá rẻ, lại khéo léo từ Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia. Đây là những quốc gia Mỹ đang có ý định áp thuế cao nhất thế giới. Việt Nam và Campuchia đang được hoãn thuế 90 ngày chờ đàm phán; Trung Quốc đang bị áp mức thuế 145%.

Là loại hàng hóa thiết yếu, phân khúc bình dân, rất khó để Nike hay Adidas chuyển toàn bộ mức thuế đó sang người dùng. Chính người dùng đã phải hứng chịu những tổn thương khác khi giá cả tại Mỹ tăng không ngừng, từ quả trứng đến laptop, đồ chơi trẻ em...

Bức thư không chỉ là câu chuyện của 76 doanh nghiệp giày dép. Đó là câu chuyện của một ngành công nghiệp lâu đời của Mỹ, nhờ toàn cầu hóa, tối ưu hóa sản xuất đã nhanh chóng giành lợi thế. Họ đã hưởng lợi từ toàn cầu hóa, từ thương mại tự do suốt hàng thập kỷ. Nước Mỹ cũng hưởng lợi từ ngành này khi giá trị gia tăng của ngành nằm tại Mỹ là chính, không phải từ các quốc gia sản xuất trực tiếp. Người dân Mỹ cũng hưởng lợi, khi có sản phẩm tốt, rẻ được nhập từ bên kia bán cầu, do những công nhân bé nhỏ, khéo léo làm nên.

"Đây là tình trạng khẩn cấp đòi hỏi hành động và sự chú ý ngay lập tức. Ngành công nghiệp giày dép Mỹ không thể kịp điều chỉnh mô hình kinh doanh và chuỗi cung ứng, trong khi phải thích nghi với chế độ thuế quan chưa từng có và không lường trước được này" - bức thư có đoạn viết.

Mức thuế quan với Trung Quốc nếu tiếp tục duy trì và tới đây là mức thuế quan 46% với Việt Nam, 49% với Campuchia nếu được áp dụng, hậu quả có thể là việc xóa sổ ngành giày dép Mỹ, xóa sổ những lợi thế mà ngành này đã có được từ trước đến nay nhờ thương mại tự do.

Giày dép không chỉ là ngành sản xuất nhu yếu phẩm cho người dân Mỹ, đó còn là ngành thâm dụng lao động lớn tại các quốc gia mà hãng đang đặt nhà máy.

Theo dữ liệu cập nhật đến tháng 5/2024, Nike có tổng cộng 13 nhà máy sản xuất giày dép tại Việt Nam, cung ứng 50% số lượng giày của hãng. Ngoài giày dép, Nike còn sản xuất quần áo và đồ dùng thể thao, Việt Nam cũng là trung tâm sản xuất chính của hãng. Có khoảng 530 nghìn người Việt đang trực tiếp hoặc gián tiếp sản xuất các mặt hàng cho Nike.

Với vai trò là bên gia công hàng hóa, Việt Nam sẽ không có cơ sở để đưa vấn đề lao động người Việt lên bàn đàm phán thuế quan đối ứng. Việc đó phải đến từ tiếng nói của các doanh nghiệp Mỹ như Nike, Adidas.

Minh Thư

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nganh-giay-dep-my-gui-thu-khan-327211.htm