Ngành gỗ Đồng Nai phấn đấu xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm 2025
Là địa phương có giá trị xuất khẩu ngành gỗ lớn thứ 2 cả nước sau Bình Dương, ngành gỗ tỉnh Đồng Nai đã và đang thực hiện nhiều dự án về gỗ kỹ thuật, xác định xu hướng phát triển bền vững trong ngành gỗ và tiềm năng thị trường cho sản phẩm gỗ kỹ thuật trong tương lai,... phấn đấu đạt mục tiêu 2 tỷ USD trong năm 2025...

Sản phẩm gỗ của Đồng Nai xuất khẩu đến gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ảnh minh họa
Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) vừa tổ chức tổng kết hoạt độngnăm 2024 và triển khai các hoạt động năm 2025. Nhận định chung được đưa ra tại hội nghị là mặc dù tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, lĩnh vực, nhưng với những nỗ lực chung, ngành gỗ và Dowa vẫn đạt được những kết quả đáng kể.
Trong năm 2024, Dowa đã phát huy, duy trì các hoạt xúc tiến thương mại, chương trình kết nối hội viên, các chương trình hội thảo, tập huấn; qua đó nhằm tăng cường quảng bá, hình ảnh, thế mạnh của hiệp hội ở thị trường trong nước và quốc tế. Cũng trong năm qua, Dowa kết nạp thêm 15 hội viên trong ngành sản xuất gỗ và các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ có liên quan đến gỗ.
Năm 2025, Dowa sẽ chính thức triển khai dự án xây dựng Platform hội viên với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế. Mục tiêu là nhằm nâng cao năng lực về thu thập và quản trị thông tin hội viên, thúc đẩy xúc tiến thương mại quốc tế; đồng thời, nâng cao hiện diện số của các doanh nghiệp hội viên, thúc đẩy phát triển ngành và phát triển cộng đồng ngành gỗ của Đồng Nai.
Sản xuất, chế biến gỗ là một trong những ngành sản xuất công nghiệp có quy mô lớn và giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam; trong đó, khu vực Đông Nam Bộ được coi là “thủ phủ” sản xuất, chế biến gỗ, với Bình Dương và Đồng Nai là hai địa phương dẫn đầu cả nước.
Năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 16,3 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023. Các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp hơn 1 tỷ USD trong năm 2024, giúp tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành lâm sản đạt khoảng 17,35 tỷ USD, vượt 14,1% kế hoạch năm. Xuất siêu ước đạt 14,41 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của ba địa phương Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM đạt trên 9,32 tỷ USD, chiếm gần 53,74% giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước.

Ngành gỗ Đồng Nai sẽ triển khai dự án xây dựng Platform hội viên với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế. Ảnh minh họa.
Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định rằng triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 của Việt Nam đứng trước cơ hội cũng như thách thức mới từ các chính sách thương mại quốc tế, đặc biệt là từ thị trường Hoa Kỳ sẽ có những thay đổi đáng kể. Vì vậy, để đạt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD, ngành tiếp tục định hướng là đồng hành, tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, đồng hành cùng hiệp hội thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng cường sử dụng nguồn gỗ hợp pháp.
Tỉnh Đồng Nai đã ban hành Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; mục tiêu là hướng đến kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, đa mục đích, đa giá trị, sử dụng bền vững tài nguyên rừng. Cụ thể, năm 2025, giá trị xuất khẩu lâm sản phấn đấu đạt khoảng 2,5 tỷ USD và đạt 2,8 tỷ USD vào năm 2030. Tỉnh Đồng Nai cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia đầu tư, khai thác, chia sẻ lợi ích và tham gia đầu tư phát triển, khai thác giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng.
So với mục tiêu của đề án là 2,5 tỷ USD thì mục tiêu đặt ra của Dowa trong năm 2025 có thấp hơn. Nhiều ý kiến cho rằng hạn chế của ngành gỗ Việt Nam là nội lực và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Những chính sách thuế quan từ thị trường nhập khẩu cũng sẽ là thách thức mà doanh nghiệp phải vượt qua, đòi hỏi nỗ lực hóa giải.

Gỗ và các sản phẩm gỗ là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam. Ảnh: Xuân Trung
Theo Phó Chủ tịch Dowa Nguyễn Phương, để phát triển bền vững, doanh nghiệp ngành gỗ cần phải gia tăng nội lực của mình. Cụ thể là cần nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết doanh nghiệp, liên kết các hiệp hội ngành nghề chế biến gỗ tại các địa phương lại với nhau. “Các giải pháp này sẽ giúp ngành sản xuất gỗ Việt Nam đáp ứng thêm những quy chuẩn ngày càng cao của thế giới, giúp nâng cao thương hiệu gỗ Việt trên thị trường”, ông Phương nhấn mạnh.
Đồng Nai là địa phương có số lượng lớn cơ sở chế biến gỗ ở khu vực Đông Nam Bộ. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh này có khoảng 1.000 doanh nghiệp chế biến gỗ (chưa tính trên 500 cơ sở sản xuất hộ gia đình), chiếm 30% của toàn vùng Đông Nam Bộ. Trong tổng số các cơ sở chế biến gỗ, Đồng Nai có trên 200 doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn (khoảng 50 doanh nghiệp FDI), tập trung nhiều ở thành phố Biên Hòa và các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tỉnh Đồng Nai bình quân hằng năm chiếm 12 - 14% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước, đứng thứ 2 sau Bình Dương (chiếm khoảng 38%).