Ngành hải quan thực hiện chuyển đổi số toàn diện

Thông qua chuyển đổi số toàn diện và cải cách thủ tục hành chính, ngành hải quan không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, tạo thuận lợi vượt bậc cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngành hải quan đang vận hành một hệ thống công nghệ thông tin toàn diện và hiện đại nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Hệ thống này bao gồm 21 thành phần, trong đó nổi bật nhất là Hệ thống VNACCS/VCIS - hệ thống thông quan tự động, được triển khai tại 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc. Hệ thống này phục vụ hơn 99,65% doanh nghiệp xuất nhập khẩu, xử lý 99% tờ khai xuất nhập khẩu với hiệu suất vận hành ổn định 24/7, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Hệ thống VNACCS/VCIS còn tích hợp nhiều phần mềm hỗ trợ, như khai báo điện tử (e-Declaration), manifest điện tử (e-Manifest), hóa đơn điện tử (e-Invoice), thanh toán điện tử (e-Payment), chứng nhận xuất xứ điện tử (e-C/O), phân luồng tự động, quản lý rủi ro và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giám sát và kiểm soát hàng hóa. Hệ thống cũng kết nối với các bên liên quan như doanh nghiệp kho bãi, cảng, dịch vụ vận chuyển, ngân hàng và các bộ, ngành khác để tạo một mạng lưới thông tin đồng bộ, minh bạch và hiệu quả.

Ngoài ra, ngành hải quan kết nối 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành lên Hệ thống một cửa quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của ngành hải quan tiếp nhận và xử lý trung bình khoảng 2,6 triệu hồ sơ trực tuyến/tháng. Trong tổng số 225 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hải quan, hơn một nửa được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến.

Việc số hóa quy trình làm thủ tục thông quan đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ông Cao Xuân Thạch, đại diện Công ty Tiếp vận SME Logistics cho hay, mỗi ngày, doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu trên 3.000 tấn hàng hóa. Với mỗi bộ tờ khai, doanh nghiệp chỉ cần gửi hồ sơ lên hệ thống điện tử và nhận được phản hồi ngay trên hệ thống từ cơ quan hải quan về những thông tin cần bổ sung.

Tương tự, ông Trần Xuân Hậu, đại diện Công ty Tiếp vận SAS Vũng Áng cho biết, việc khai báo hải quan có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, không bị giới hạn bởi giờ làm việc truyền thống, qua đó giúp rút ngắn quy trình thông quan hàng hóa.

Cán bộ, công chức hải quan cũng được hưởng lợi từ việc tiếp cận thông tin đầy đủ và kịp thời về hàng hóa xuất nhập khẩu qua các hệ thống điện tử. Dịch vụ công trực tuyến cũng giúp cơ quan hải quan giảm thiểu hồ sơ giấy tờ, tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình xử lý công việc.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực XV cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa nghiệp vụ hải quan là đòn bẩy quan trọng trong quá trình triển khai công tác hiện đại hóa ngành giai đoạn 2021-2030. Qua đó, môi trường làm việc điện tử, phi giấy tờ được cải thiện rõ rệt, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho chuyển đổi số và phát triển mô hình hải quan thông minh trong tương lai.

Trong thời gian tới, Cục Hải quan sẽ rà soát, xây dựng lộ trình và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Trên cơ sở đó, triển khai sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm thực thi hiệu quả các phương án này.

Mục tiêu của Cục Hải quan năm 2025 là cắt giảm ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục và chi phí tuân thủ. Đến năm 2026, phấn đấu giảm 50% thời gian và chi phí so với năm 2024; 100% chế độ báo cáo doanh nghiệp được thực hiện điện tử; 100% thủ tục đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng với Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai chuyển đổi số, Cục Hải quan đang trình Bộ Tài chính xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số toàn diện.

Ông Lê Đức Thành, Trưởng ban Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan (Cục Hải quan) cho biết, toàn bộ thủ tục và công tác kiểm tra của cơ quan hải quan sẽ được thực hiện trên môi trường số. Đây là bước đi cụ thể trong chuyển đổi số ngành.

Cục Hải quan cũng sẽ thực hiện các nhiệm vụ được đề cập trong Đề án số 06/ĐA-CP của Chính phủ về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xác thực điện tử. Trong đó, tập trung triển khai 2 nội dung chính là xác thực điện tử và kết nối cơ sở dữ liệu dân cư nhằm thực hiện thủ tục chính xác, đồng thời tăng cường quản lý cá nhân.

Đặc biệt, ngành hải quan sẽ từng bước ứng dụng các công nghệ chủ chốt như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và tiến tới xây dựng mô hình hải quan thông minh, góp phần tạo thuận lợi hơn cho thương mại quốc tế và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Hồng Vân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nganh-hai-quan-thuc-hien-chuyen-doi-so-toan-dien-d284103.html