Ngành hàng lúa gạo và những điểm cần tháo gỡ
Mặc dù kết quả xuất khẩu gạo trong năm 2024 rất ấn tượng, nhưng theo dự báo của các chuyên gia, năm 2025 có thể sẽ chứng kiến sự giảm sút cả về lượng và giá trị xuất khẩu. Nguyên nhân chính là do nhu cầu toàn cầu có dấu hiệu suy yếu, trong khi sự cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất gạo ngày càng gia tăng. Để nâng cao khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu gạo, đặc biệt là phát huy tiềm năng, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng gạo, xây dựng thương hiệu gạo đặc trưng trên thị trường thế giới.

Thu hoạch lúa theo quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Cần Thơ.
Điểm “nghẽn” của ngành hàng lúa gạo
Hơn 10 năm qua, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã có vị trí hàng đầu thế giới, điều này khẳng định sự chuyển mình ngoạn mục. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,5 đến 8 triệu tấn gạo, riêng năm 2024 xuất khẩu kỷ lục hơn 9 triệu tấn. Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Ngay trong vụ lúa Đông Xuân vừa qua, sản lượng thu hoạch lúa toàn vùng ước đạt khoảng 10,7 triệu tấn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 2 tháng đầu năm 2025 Việt Nam xuất khẩu gạo đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng về khối lượng nhưng lại giảm tới 13,6% về giá trị khi chỉ đạt 613 triệu USD. Nguyên nhân do giá gạo xuất khẩu giảm hơn 18% so với cùng kỳ, giá trung bình ước đạt hơn 553 USD/tấn. Trong những ngày đầu tháng 3, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh ở các thị trường như: Philippines, Bờ Biển Ngà và Ghana là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Trung An (Cần Thơ).
Ông Trần Tấn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho biết, vào thời điểm này các năm trước doanh nghiệp đều có hợp đồng xuất khẩu gạo gối đầu. Tuy nhiên, năm nay hầu như không có hợp đồng nào gối đầu. Từ đầu năm đến nay, Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã thu mua hơn 300.000 tấn gạo và đang tiếp tục thu mua để bình ổn thị trường. Trong thời gian tới để các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo triển khai thu mua dự trữ, cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn, chu kỳ vay 12 tháng, lãi vay có thể giảm xuống 50% trong tháng 3 và tháng 4 để giải ngân các hợp đồng ký xuất khẩu.

Những chuyến hàng xuất khẩu gạo đầu năm 2025.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhận định: Nguyên nhân xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục giảm là do thương mại lúa gạo toàn cầu diễn biến phức tạp, nguồn cung thế giới dư thừa, các thị trường nhập khẩu lớn đang thận trọng trong dự trữ và thu mua gạo. Cùng với đó, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang gặp phải 3 vấn đề tồn tại là “thiếu liên kết, thiếu nguồn lực, thiếu định hướng thị trường”, những điểm “thiếu” này đã làm cho ngành hàng lúa gạo luôn rơi vào trong tình trạng bị động, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cụ thể, trong 170 doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chưa tới 50 doanh nghiệp liên kết sản xuất. Do đó, cần liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân mới bảo đảm sự bền vững như trong nội dung đã triển khai về đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.
Liên kết sản xuất để xây dựng thương hiệu gạo
Để nâng cao khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu gạo, đặc biệt là phát huy tiềm năng, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng gạo, xây dựng thương hiệu gạo đặc trưng trên thị trường thế giới. Trước mắt phải xây dựng sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Cùng với đó, đầu tư về hạ tầng thủy lợi, giao thông nông thôn để hỗ trợ cho quá trình sản xuất lúa gạo; mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng cường xúc tiến thương mại.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, giải pháp hiện nay của vùng đồng bằng sông Cửu Long là cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa trong việc triển khai đề án 1 triệu hecta chất lượng cao, phát thải thấp. Đây được xem là giải pháp quan trọng giúp hợp tác xã, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu chất lượng cao ổn định, còn người dân thì an tâm hơn trong sản xuất. Đồng thời, nắm bắt nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường, nhất là những thị trường còn nhiều dư địa như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, châu Phi để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xuất khẩu với diễn biến thị trường.
Ông Trương Mạnh Linh, Giám đốc điều hành ngành gạo, Tập đoàn Tân Long cho biết, doanh nghiệp đang tham gia liên kết với các hợp tác xã, các hộ nông dân để bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ nhu cầu xuất khẩu với diện tích khoảng 100.000 ha, đến năm 2030 mục tiêu khoảng 300.000 ha. Theo đó, doanh nghiệp tập trung vào khâu giảm thất thoát sau thu hoạch với hệ thống sấy và trữ, giúp giảm thất thoát, bảo đảm chất lượng lúa gạo. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tiếp cận các thị trường như Nhật Bản, châu Âu, Australia hay Trung Đông... Đây là những thị trường có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và không bị tác động bởi giá gạo lên xuống thời gian qua.
Hơn lúc nào hết, việc triển khai mạnh mẽ đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Chính phủ là hết sức cấp thiết. Chỉ có liên kết sản xuất, kiểm soát dư lượng, giảm phát thải thì mới có thể giảm giá thành sản xuất cũng như giảm tác động thị trường lên các doanh nghiệp và đem đến hiệu quả bền vững kinh tế lâu dài cho người nông dân.

Đoàn quốc tế tham quan quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Cần Thơ.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, tình hình lúa gạo sẽ trở lại bình thường sau khoảng 2-3 tháng nữa. Vì vậy, cần phải giữ ổn định việc thu mua cũng như giải pháp tích trữ để chờ thời điểm thị trường điều chỉnh. Và, để ổn định thị trường các doanh nghiệp xuất khẩu phải có chuỗi liên kết với người dân, từ sản xuất cho đến tiêu thụ, đây là bài toán “liên kết” để phát triển bền vững.
Tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng doanh nghiệp về sản xuất và thị trường lúa gạo mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng tình hình thị trường lúa gạo trong nước. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 về kinh doanh, xuất khẩu gạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu lúa gạo quốc gia, đăng ký bản quyền, chỉ dẫn địa lý, để phục vụ xúc tiến thương mại, mở thêm các thị trường mới cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Thực tế cho thấy, lúa gạo Việt Nam đã và đang chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng trên thế giới. Tuy nhiên, cần phải dự báo thị trường để người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nắm bắt và có định hướng trong sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp để nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chuỗi giá trị, tăng cường khả năng cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nganh-hang-lua-gao-va-nhung-diem-can-thao-go-post868263.html