Việt Nam trước bão thuế quan mới của Hoa Kỳ
Chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế lên 15 quốc gia có thặng dư thương mại lớn. Với đòn thuế quan mới này, Việt Nam đang có nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh thương mại. Liệu Việt Nam có đủ sức xoay chuyển tình thế hay sẽ trở thành 'nạn nhân mới' của làn sóng bảo hộ từ Hoa Kỳ?
Châu Á đang đối mặt với một làn sóng thuế quan mới từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, đe dọa trực tiếp đến các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu trong khu vực, bao gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Những biện pháp bảo hộ thương mại cứng rắn không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn mở rộng sang nhiều quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, buộc Việt Nam phải tìm cách thích ứng để bảo vệ lợi ích kinh tế và duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu.

Ngành dệt may sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.
Việt Nam đối diện rủi ro gì?
Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donadl Trump đã áp đặt mức thuế lên đến 20% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, khơi mào một cuộc chiến thương mại kéo dài. Giờ đây, ông tiếp tục mở rộng phạm vi áp thuế đối với những nước có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tuyên bố rằng vào ngày 2/4, các mức thuế mới sẽ có hiệu lực, nhắm đến 15 quốc gia có "dòng chảy thương mại không công bằng", trong đó có nhiều nền kinh tế châu Á.
Việt Nam, cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, bị liệt vào danh sách những nước hưởng lợi lớn từ thương mại với Hoa Kỳ nhưng không chịu mức thuế tương xứng. Việc bị đưa vào nhóm các nước có thặng dư thương mại "quá mức" đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể đối diện với các biện pháp hạn chế mới, đe dọa đến xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Bloomberg Economics, 9 trong số 15 quốc gia bị nhắm đến nằm ở châu Á, cho thấy tác động của thuế quan có đi có lại sẽ đặc biệt nghiêm trọng đối với khu vực này. Với tổng GDP 41 nghìn tỷ USD, nền kinh tế châu Á có thể chịu tổn thất đáng kể khi các biện pháp bảo hộ của Hoa Kỳ làm chậm dòng chảy thương mại toàn cầu.
Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2018-2019 khi nhiều doanh nghiệp chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng mạnh trong thời gian qua, giúp Việt Nam trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, với chính sách thuế mới của ông Trump, Việt Nam có thể không còn được hưởng lợi như trước. Nếu Hoa Kỳ áp mức thuế cao hơn đối với hàng hóa Việt Nam, các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử, gỗ và thép có thể chịu tác động nặng nề. Đặc biệt, ngành dệt may và điện tử – hai lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ – sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài ra, việc không có miễn trừ thuế đối với các đồng minh của Hoa Kỳ cho thấy chính quyền của ông Trump sẵn sàng chấp nhận thiệt hại kinh tế trong ngắn hạn để đạt được mục tiêu dài hạn về cân bằng thương mại. Thị trường tài chính toàn cầu đã có phản ứng tiêu cực trước chính sách này, khi các cổ phiếu của các nhà xuất khẩu châu Á lao dốc, bao gồm nhiều công ty có hoạt động tại Việt Nam.
Trước áp lực từ thuế quan của Trump, các quốc gia châu Á đang tìm cách giảm thiểu rủi ro và bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs dự báo thuế quan trả đũa có thể làm giảm tới 1,3 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế của khu vực. Điều này khiến các nước phải tìm kiếm giải pháp để duy trì tốc độ tăng trưởng.
Chiến lược của Việt Nam để ứng phó
Không chỉ là vấn đề thuế quan, những rào cản phi thuế quan mà Hoa Kỳ đặt ra cũng đang gây khó khăn cho Việt Nam. Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã liệt kê hàng loạt rào cản của Việt Nam như lệnh cấm nhập khẩu, yêu cầu đăng ký phức tạp và quy định kỹ thuật khắt khe. Trước áp lực từ Washington, Việt Nam đã chủ động điều chỉnh chính sách, cắt giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng như khí đốt tự nhiên hóa lỏng và ô tô nhằm xoa dịu căng thẳng thương mại.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng quan hệ chiến lược với các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ. Chính phủ đã cho phép SpaceX thử nghiệm dịch vụ Starlink tại Việt Nam, mở đường cho sự hợp tác trong lĩnh vực viễn thông. Đồng thời, theo Reuters, Việt Nam cũng đàm phán với các công ty quốc phòng Mỹ về việc mua thiết bị quân sự, trong đó Lockheed Martin đang tiến gần đến một thỏa thuận cung cấp máy bay vận tải C-130 Hercules.
Lĩnh vực hàng không cũng không đứng ngoài cuộc chơi. VietJet đã ký thỏa thuận mua 200 chiếc Boeing 737 MAX với giá trị hàng tỷ đô la, trong khi Vietnam Airlines cũng đang xem xét mua 50 máy bay từ Boeing. Trong mảng năng lượng, Việt Nam thảo luận với Hoa Kỳ về việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng và tìm kiếm nhà cung cấp công nghệ hạt nhân để tái khởi động chương trình điện hạt nhân.
Nông sản cũng trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược cân bằng thương mại. Bộ trưởng Thương mại Việt Nam tuyên bố sẵn sàng nhập khẩu thêm nông sản từ Hoa Kỳ, nhưng con số 3,4 tỷ đô la nhập khẩu năm ngoái vẫn chưa đủ để giảm đáng kể mức thặng dư thương mại khổng lồ.
Một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt là cáo buộc trung chuyển hàng hóa Trung Quốc nhằm né thuế. Một số ngành như tấm pin mặt trời đã bị áp thuế do nghi ngờ xuất xứ. Để tránh trở thành mục tiêu trừng phạt tiếp theo, Việt Nam đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép Trung Quốc và cam kết kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng đang nằm trong tầm ngắm của chính quyền Trump. Cuối nhiệm kỳ đầu tiên, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã liệt kê Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ. Dù chưa bị trừng phạt, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi, buộc Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh chính sách tỷ giá linh hoạt để tránh gây căng thẳng.
Giữa hàng loạt sức ép từ Hoa Kỳ, một yếu tố mới xuất hiện: Trump Organization đã đồng ý phát triển một câu lạc bộ golf trị giá 1,5 tỷ đô la tại Việt Nam. Dự án này có thể giúp tạo ra ảnh hưởng tích cực trong quan hệ song phương, nhất là khi tổng thống Donadl Trump có xu hướng quan tâm đến các dự án kinh doanh cá nhân.
Việt Nam đang đối diện với một bài toán khó, nhưng không phải không có cách giải quyết. Thay vì thụ động, Việt Nam đang tích cực điều chỉnh chính sách thương mại, mở rộng quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các yếu tố có thể trở thành điểm yếu trong mắt Washington. Nếu có chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể vượt qua cơn bão thuế quan, tiếp tục giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.