Ngành hàng tôm Cà Mau còn nhiều nút thắt cần nhanh chóng tháo gỡ

Theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, ngành hàng tôm của tỉnh vẫn còn nhiều nút thắt cần nhanh chóng tháo gỡ, trong đó liên kết chuỗi vẫn là bài toán khó.

Nằm trong chuỗi hoạt động tại Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023, ngày 13/12, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo "Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau".

Quang cảnh Hội thảo xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau.

Quang cảnh Hội thảo xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau.

Từ năm 2018 đến nay, ngành nông nghiệp Cà Mau đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân xây dựng, hình thành vùng nuôi tôm được cấp chứng nhận hữu cơ, sinh thái (trong nước và quốc tế), với sự tham gia của 7 công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm, với tổng diện tích hơn 23.000 ha/4.000 hộ. Sản lượng hằng năm đạt khoảng 8.000 - 10.000 tấn.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh, thông qua việc tổ chức Hội thảo "Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau", Cà Mau kỳ vọng các vấn đề có liên quan đến phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm sẽ được trao đổi, thảo luận, phân tích.

"Qua đó, đề ra những giải pháp hiệu quả khắc phục những khó khăn, tồn tại để phát triển bền vững chuỗi ngành hàng tôm, góp phần đưa ngành tôm Cà Mau nói riêng, ngành tôm Việt Nam nói chung phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội", ông Sử mong muốn.

Ông Sử cho rằng, ngành hàng tôm vẫn còn nhiều "nút thắt" cần nhanh chóng tháo gỡ, trong đó liên kết chuỗi vẫn là bài toán khó và mô hình liên kết chuỗi giá trị vẫn đang gặp những tồn tại, khó khăn nhất định.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

"Hiện tỷ lệ các hộ tham gia chuỗi liên kết sản xuất thấp so với tỷ lệ số hộ và diện tích nuôi; đa số các chuỗi liên kết quy mô nhỏ và chưa hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; năng lực của các chủ thể trong liên kết chưa thực sự mạnh, nhất là các hợp tác xã, tổ hợp tác...", ông Sử nêu một số tồn tại.

Do đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các doanh nghiệp cần phối hợp với các hợp tác xã, tổ hợp tác cùng giải quyết từng vấn đề cụ thể, khó ở đâu thì cùng nhau gỡ đến đó, chỉ có như vậy thì liên kết này mới hài hòa mong muốn của các bên.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Ngô Tiến Chương, cán bộ cao cấp của Tổ chức GIZ đánh giá, một trong những nguyên nhân khiến chuỗi giá trị tôm - lúa chưa thể phát huy hết tiềm năng, là do biến động các chỉ tiêu môi trường nước, chất lượng môi trường kém.

Bên cạnh đó, sản lượng thấp, tỷ lệ sống tôm nuôi thấp, điều này lại xuất phát từ thực trạng chất lượng đầu vào hiện còn khó kiểm soát (như: giống, phân bón, vi sinh…) và hiện tình trạng áp dụng kỹ thuật truyền thống vào sản xuất vẫn còn phổ biến, tiềm ẩn ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngành hàng tôm giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp được xem là giải pháp trọng tâm.

Đẩy mạnh phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngành hàng tôm giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp được xem là giải pháp trọng tâm.

"Chúng ta có thể tận dụng diện tích vùng nhiễm mặn đang mở rộng, do bị tác động của hạn mặn đang diễn ra, để có thể chuyển đổi thêm một triệu héc-ta đến 2030 ở các vùng giao thoa", ông Chương nêu giải pháp.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau rằng, giải pháp trọng tâm vẫn là đẩy mạnh phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để tạo vùng nguyên liệu lớn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm tôm Cà Mau.

Tại hội thảo lần này, đại diện các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã thảo luận, phân tích thêm những khó khăn, hạn chế còn tồn tại liên quan đến phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau trong thời gian qua…

Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ nghề nuôi tôm của Việt Nam. Diện tích nuôi tôm năm 2022, đạt hơn 700.000 ha, sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn (chiếm khoảng trên 90% về diện tích và 95% về sản lượng nuôi tôm nước lợ của cả nước).

Trong đó, Cà Mau là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về nuôi tôm với diện tích gần 280.000 ha.

Riêng năm 2022, ngành tôm đóng góp khoảng 88,78% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1.070 triệu USD. Hiện tại, tôm Cà Mau được xuất khẩu sang 5 thị trường lớn nhất gồm: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đến năm 2025, tỉnh Cà Mau phấn đấu xây dựng mới từ 15 - 20 chuỗi liên kết trong nuôi tôm; sản lượng tôm được tiêu thụ thông qua liên kết đạt khoảng 5.000 tấn.

Gia Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nganh-hang-tom-ca-mau-con-nhieu-nut-that-can-nhanh-chong-thao-go-192231213160519106.htm