Ngành mía đường hội nhập ATIGA: Không thể chấp nhận 'sự đã rồi'

Đồng thuận quan điểm với Bộ Công thương tại Thông tư số 23/2019/TT-BCT từ năm 2020 ngành mía đường chính thức gia nhập ATIGA, song ngành mía đường mới đây cũng đã kiến nghị một số biện pháp áp dụng khi cánh cửa hội nhập ATIGA chính thức mở toang.

Đường tồn kho chất đống tại CTCP mía đường Sơn La

Đường tồn kho chất đống tại CTCP mía đường Sơn La

Thị trường biến dạng trên diện rộng

Theo Thông tư 23, từ ngày 1/1/2020, số lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN không tính vào lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm do Bộ Công thương công bố theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) áp dụng với các nước WTO.

Tuy nhiên, Bộ Công thương khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, cùng Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý nhập khẩu phù hợp với cam kết quốc tế để đảm bảo cạnh tranh công bằng, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước nếu có sự gia tăng đột ngột của hàng nhập khẩu dẫn đến thiệt hại cho các DN Việt Nam.

Tại hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2018 – 2019 tổ chức hôm đầu tháng 11, VSSA đã cảnh báo tình trạng giá đường thế giới đang thấp hơn giá thành vẫn diễn ra tại nhiều quốc gia. Nguyên nhân chính là sự gia tăng can thiệp trợ giá của nhiều quốc gia đã làm biến dạng thị trường đường thế giới. Cụ thể, giá đường niên vụ 2018 - 2019 đã xuất hiện mức chạm đáy. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 8/2016, giá đường liên tục giảm. Mức giá hiện nay đã thấp hơn giá thành sản xuất của bất kỳ quốc gia nào. “Đường đưa ra thị trường thế giới với giá rẻ như thế chính là đường phá giá”, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký VSSA đánh giá.

VSSA cũng thừa nhận, điều đáng tiếc là trong thời gian rất dài, các thông tin về bản chất biến dạng của thị trường đã không được chính VSSA - với tư cách là một hiệp hội ngành nghề – kịp thời nhận diện và thông tin đến các đơn vị hữu quan và dư luận.

Ông Cao Anh Đương - quyền Chủ tịch VSSA cho rằng, sự thiếu sót này đã khiến xã hội và các đơn vị quản lý nhà nước ngộ nhận rằng năng lực cạnh tranh của ngành đường và nông dân trồng mía Việt Nam quá thấp so với thế giới nói chung, cũng như đối thủ cạnh tranh chính là Thái Lan nói riêng, và chỉ ỉ lại vào bảo hộ của Nhà nước. Từ những ngộ nhận trên đã dẫn đến những sai lầm trong việc triển khai các kế hoạch sản xuất tiêu thụ, dẫn đến hậu quả bất lợi cho việc phát triển của ngành.

Để cạnh tranh với đường nhập lậu, một số DN ngành đường Việt Nam đã phải giảm giá đường, từ đó giảm giá mua mía của nông dân. Hệ quả là dồn người nông dân trồng mía vào con đường phá sản, bỏ trồng mía, kéo theo các nhà máy đường cũng không có mía nguyên liệu để sản xuất nên phải đóng cửa. Thông tin sai lệch về bản chất của đường nhập lậu cũng đã khiến nhiều người xem việc kinh doanh đường lậu là bình thường, không nhận ra hoặc cố tình phạm pháp, tác động ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu nông dân trồng mía.

Dựng hàng rào cơ chế ngăn tác động tiêu cực

Mặc dù vậy, hiệp hội nhất trí với chủ trương của bộ thực thi cam kết xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường từ ngày 1/1/2020. Song tại Công văn số 161/CV-HHMĐ, VSSA đã đề xuất các biện pháp áp dụng khi thực hiện cam kết ngành đường hội nhập ATIGA, kiến nghị Bộ Công thương xem xét thiết lập cơ chế quản lý, giám sát cần thiết nhằm ngặn chặn một cách hợp lý, kịp thời những tác động tiêu cực của hội nhập đối với ngành mía đường trong nước.

Ông Cao Anh Đương cho biết, hiệp hội không chủ trương yêu cầu Nhà nước phải thực thi các biện pháp bảo hộ trái với nguyên tắc và thông lệ thương mại quốc tế của ATIGA và WTO. Tuy nhiên, sẽ là bất công cho ngành mía đường và hàng triệu nông dân trồng mía khi phải cạnh tranh với mía đường nhập khẩu từ ASEAN trong khi không nhận được sự đối xử tương đương và điều kiện cạnh tranh ngang bằng với ngành đường và nông dân trồng mía của các nước trong khối ASEAN 6, là các quốc gia đã hội nhập ATIGA.

Dựa trên khảo sát kinh nghiệm về chính sách, quản lý, giảm sát việc sản xuất, phân phối và xuất khẩu mía đường của một số nước ASEAN có sản xuất đường mía gồm Thái Lan, Philippines, Indonesia, VSSA khuyến nghị một số biện pháp cơ bản mà nhiều nước ASEAN như Indonesia, Philippines và Thái Lan đang áp dụng trong ngành mía đường.

Trước hết, cần thiết lập Ủy ban Giám sát mía đường độc lập có sự tham gia của bộ hữu quan trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, tài chính, nông nghiệp, các viện nghiên cứu và hiệp hội có chức năng đưa ra các khuyến nghị chính sách, giám sát cung cầu mía đường, lượng đường nhập khẩu cần thiết, giá mua bán trong nước và giá thành thế giới với mục đích chính là bảo đảm lợi ích cân đối giữa người trồng mía, DN và người tiêu dùng. Ủy ban hàng năm tính toán và khuyến cáo giá mua mía nông dân đủ giá thành cộng thêm tối thiểu 10% nhưng không cao hơn giá mua mía nông dân trong khu vực.

VSSA cũng cho rằng, cần đàm phán với khối ASEAN để đưa sản phẩm đường vào nhóm hàng “đặc biệt nhạy cảm” của biểu thuế để được áp dụng điều khoản số 24 của Hiệp định ATIGA về đối xử đặc biệt đối với mặt hàng nhạy cảm.

Cùng với đó là áp dụng các biện pháp hành chính liên quan đến thương quyền phân phối đường trong nước mà Indonesia và Philippines đều đang áp dụng. Cụ thể là đường nhập khẩu được tự do nhập theo các FTA, nhưng phải đưa vào kho ngoại quan hoặc kho dự trữ đã đăng ký và chỉ được đưa ra tiêu thụ khi đường trong nước thiếu hụt. Bên cạnh đó, đường nhập khẩu chỉ đưa ra tiêu thụ khi vụ ép mía đã kết thúc tối thiểu 2 tháng nhằm bảo đảm tất cả đường sản xuất từ mía trong nước đã tiêu thụ hết.

VSSA khuyến nghị đưa nhập khẩu đường vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện và chỉ dành cho các nhà máy đường, với điều kiện phải đảm bảo giá mua mía cho nông dân. Số lượng đường nhập khẩu của mỗi nhà máy tương ứng với số lượng mía mua của nông dân. Biện pháp khác là thực hiện việc điều chỉnh giá bán điện đồng phát để hỗ trợ người trồng và DN chế biến mía.

VSSA cho rằng việc áp dụng các biện pháp này là hoàn toàn khả thi, phù hợp với quy định của WTO, ATIGA và đặc biệt là hoàn toàn tương đồng với các quy định và thông lệ mà các nước đang sản xuất mía đường của ASEAN đã và đang áp dụng từ nhiều năm.

Bài ảnh Khanh Đoàn

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nganh-mia-duong-hoi-nhap-atiga-khong-the-chap-nhan-su-da-roi-94949.html