Ngành Ngân hàng đạt nhiều thành quả trong Chuyển đổi số

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước để nỗ lực không ngừng công cuộc chuyển đổi số. Ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả trên các nhiệm vụ đối với chuyển đổi số, điều này được thể hiện qua báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội.

Hành lang pháp lý trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng tiếp tục hoàn thiện

Cụ thể, đối với nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt ngân hàng và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN cho biết thời gian qua khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, thúc đẩy chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển của kinh tế đất nước.

Ngành Ngân hàng luôn xác định chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng

Ngành Ngân hàng luôn xác định chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng

NHNN đã nghiên cứu ban hành, trình ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng như: Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 về TTKDTM; Chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030; Chỉ thị về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, Quyết định tiêu chuẩn cơ sở Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía khách hàng tại Việt Nam và 07 Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Các TCTD và Nghị định 52/2024/NĐ-CP. Đồng thời, NHNN đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, nghiên cứu, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về dịch vụ Mobile-Money.

Nhờ chỉ đạo tích cực từ NHNN, hoạt động chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, đặc biệt là hoạt động TTKDTM đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ sinh thái số đa dạng đã đem lại nhiều tiện ích hấp dẫn cho người dùng. Đến nay, hầu hết dịch vụ ngân hàng cơ bản đã được thực hiện trên kênh số, nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 95% giao dịch thực hiện trên kênh số. Theo thống kê, trong 02 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024, tổng số giao dịch TTKDTM tăng 41,28% về số lượng và 21,91% về giá trị; qua kênh Internet tăng 35,81% về số lượng và 29,69% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 35,13% về số lượng và 18,63% về giá trị, giao dịch qua QR Code tăng 75,54% về số lượng và 196,62% về giá trị.

Tăng cường an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán

Trong thời gian qua, NHNN đã quản lý, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý các vi phạm liên quan; chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (bao gồm các ngân hàng) tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn; phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong việc xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật, các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có liên quan đến hoạt động thanh toán. NHNN tích cực theo dõi các vụ việc phát sinh trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán để nắm bắt thông tin và cảnh báo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán về các phương thức, thủ đoạn tội phạm mới.

Cùng với đó, NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với một số tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép và tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động này nhằm bảo đảm hoạt động an, hiệu quả. Nhìn chung, các hoạt động thanh toán điện tử trong thời gian qua đã vận hành tương đối an toàn, hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế.

Triển khai áp dụng sinh trắc học ngân hàng đã nhanh chóng được người dân, các tổ chức và doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ

Triển khai áp dụng sinh trắc học ngân hàng đã nhanh chóng được người dân, các tổ chức và doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ

Trong công tác phối hợp, khai thác, sử dụng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trên thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong việc quản lý hệ thống tài khoản tại các TCTD, NHNN cho biết, thực hiện Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024, sau 10 tháng triển khai xác thực sinh trắc học từ nguồn Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư (thông qua CCCD gắn chíp, VneID) thì tính đến nay đã có hơn 108 triệu hồ sơ khách hàng được thu nhập, đối chiếu thông tin sinh trắc học, hoạt động thanh toán diễn ra bình thường, góp phần giảm số lượng vụ việc lừa đảo mất tiền của khách hàng. Nhằm tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động thanh toán trực tuyến nói riêng và các dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng nói chung, NHNN đã ban hành Thông tư số 50/2024/TT-NHNN ngày 31/10/2024 quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Việc triển khai áp dụng sinh trắc học ngân hàng đã nhanh chóng được người dân, các tổ chức và doanh nghiệp trong nước ủng hộ. Các TCTD, trung gian thanh toán tích cực và tiên phong trong việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) vào hoạt động ngân hàng.

Công tác triển khai định danh, xác thực điện tử tại ngành Ngân hàng thu được nhiều kết quả tích cực

Công tác triển khai định danh, xác thực điện tử tại ngành Ngân hàng thu được nhiều kết quả tích cực

Bên cạnh đó, NHNN đã tích cực triển khai các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ ngân hàng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng. NHNN thường xuyên, chủ động theo dõi, chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Song song với đó, NHNN phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao, phối hợp diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin; đào tạo chuyên gia an toàn thông tin và kết hợp điều tra, cung cấp thông tin truy bắt tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến ngành Ngân hàng.

Ngoài ra, NHNN nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm triển khai dự án tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương trên thế giới. Thực hiện nhiệm vụ là Cơ quan thường trực Tổ công tác nghiên cứu, tham mưu về tiền kỹ thuật số quốc gia, thời gian qua, NHNN đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và có Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác. NHNN cũng phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu về tiền kỹ thuật số và báo cáo Thủ tướng tình hình triển khai tại các nước và đề xuất giao đơn vị đầu mối nghiên cứu.

Trong thời gian sắp tới, để thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, TTKDTM và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng. Nghiên cứu triển khai các mô hình, công nghệ thanh toán mới, thanh toán xuyên biên giới.

Đồng thời, tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng, cảnh báo, khuyến nghị kịp thời về các vấn đề rủi ro, các giải pháp tăng cường an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

NHNN cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến về cơ chế, chính sách về thanh toán, chuyển đổi số; tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cho người dân, nâng cao hiểu biết trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách an toàn, hiệu quả.

Hồng Sơn, đồ họa: Văn Lâm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-dat-nhieu-thanh-qua-trong-chuyen-doi-so-163812.html