Ngành Ngân hàng Hà Nội tích cực triển khai Nghị quyết 68

Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được Bộ Chính trị ban hành đánh dấu bước ngoặt chiến lược trong định hướng tăng trưởng của đất nước. Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội - đầu tàu kinh tế của cả nước - ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết.

Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030, khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, yêu cầu các ngành, các cấp, nhất là lĩnh vực tài chính - ngân hàng phải đồng hành, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp tư nhân về vốn, công nghệ, thông tin và thị trường.

Với vai trò là trung gian tài chính quan trọng, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Hà Nội đang nỗ lực tiếp cận doanh nghiệp, người dân, cung cấp dòng vốn hợp lý, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, phát triển thương mại - dịch vụ, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững.

Ngân hàng triển khai nhiều chương trình ưu đãi đối với doanh nghiệp

Ngân hàng triển khai nhiều chương trình ưu đãi đối với doanh nghiệp

Từ đầu năm đến nay, trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, lượng doanh nghiệp đăng ký mới trên địa bàn Hà Nội có sự sụt giảm. Trong 4 tháng đầu năm 2025, TP. Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 9,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 74,7 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% về số lượng doanh nghiệp và giảm 22,3% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh đó, việc ngành Ngân hàng Hà Nội duy trì tăng trưởng tín dụng đạt 5,41% (tổng dư nợ 4,749 triệu tỷ đồng) là một nỗ lực rất lớn đến đưa đồng vốn vào sản xuất - kinh doanh.

Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, Nghị quyết 68 yêu cầu “ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại” và phát triển tín dụng xanh, tín dụng chuỗi cung ứng, cho vay dựa trên dòng tiền, tài sản vô hình, đồng thời giảm lệ thuộc tài sản thế chấp, phù hợp đặc thù doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, với 65% là doanh nghiệp dịch vụ, công nghệ có ít tài sản hữu hình. Chính sách ưu tiên tín dụng theo tinh thần Nghị quyết số 68 sẽ kịp thời hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội giải bài toán chi phí vốn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 1 (NHNN KV1), thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NHNN KV1 đã nhanh chóng triển khai các giải pháp về tín dụng, cải cách thủ tục vay vốn, tiết giảm chi phí và ưu tiên vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo - vốn là thành phần chủ đạo của khu vực tư nhân. Tính đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội ước đạt 4.749.409 tỷ đồng, tăng 5,41% so với cuối năm 2024. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, đây là kết quả đáng khích lệ, cho thấy hệ thống ngân hàng đã kịp thời hỗ trợ dòng tiền, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, tiêu dùng và đầu tư.

Về cơ cấu thời hạn cho vay, dư nợ trung và dài hạn tiếp tục chiếm tỷ trọng cao với 2.750.951 tỷ đồng, tương đương 57,92%, tăng 6,57% so với cuối năm 2024. Dư nợ ngắn hạn đạt 1.998.458 tỷ đồng, chiếm 42,08%, tăng 3,87%. Tỷ trọng hợp lý giữa ngắn hạn và trung - dài hạn cho thấy dòng vốn đang được sử dụng hiệu quả, phục vụ cả hoạt động lưu động lẫn đầu tư dài hạn cho máy móc, công nghệ, mở rộng nhà xưởng.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc NHNN KV1 cho biết, một trong những điểm nhấn trong triển khai Nghị quyết 68 tại Hà Nội là chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, được NHNN KV1 đẩy mạnh trong thời gian qua. Với phương châm "ngân hàng chủ động tìm đến doanh nghiệp", các TCTD đã tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại, hội nghị tín dụng tại quận, huyện, cụm công nghiệp nhằm tháo gỡ trực tiếp các vướng mắc về vay vốn. Các ngân hàng đồng loạt cải cách quy trình, tinh giản thủ tục, ứng dụng công nghệ số để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, từ đó giảm mặt bằng lãi suất cho vay về mức hợp lý. Đồng thời, chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, giảm phí dịch vụ để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đạt hiệu quả tích cực

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đạt hiệu quả tích cực

Nhờ các giải pháp đồng bộ, đến 30/4/2025, dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội ước đạt 553.242 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Con số này là minh chứng cho sự lan tỏa của dòng vốn tín dụng ưu đãi vào đúng những nơi cần thiết nhất - nơi đang nuôi dưỡng sức bật của kinh tế tư nhân Thủ đô.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, hệ thống ngân hàng Hà Nội tiếp tục tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Đến thời điểm 30/4/2025, dư nợ cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn có mức tăng trưởng rõ rệt, phản ánh định hướng đúng đắn trong chính sách tín dụng: Cho vay nông nghiệp, nông thôn: đạt 412.836 tỷ đồng (chiếm 8,9%, tăng 5,6%); Doanh nghiệp nhỏ và vừa: đạt 890.459 tỷ đồng (chiếm 19,2%, tăng 5,57%); Xuất khẩu: đạt 237.856 tỷ đồng (chiếm 5,13%, tăng 5,52%); Công nghiệp hỗ trợ: đạt 106.185 tỷ đồng (chiếm 2,31%, tăng 4,6%); Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao: đạt 16.449 tỷ đồng (chiếm 0,35%, tăng 5,91%). Đây là những lĩnh vực gắn liền với nâng cao giá trị gia tăng, năng suất lao động, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, bảo đảm tự chủ kinh tế mà Nghị quyết 68 đề ra.

Đại diện NHNN KV1 cho biết, trong thời gian tới, NHNN KV1 xác định tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nội dung của Nghị quyết 68 bằng các giải pháp trọng tâm như mở rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tới các cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực ngoại thành. Tăng cường ứng dụng số hóa trong cấp tín dụng, chấm điểm tín dụng doanh nghiệp bằng dữ liệu lớn (big data), giúp mở rộng tín dụng không có tài sản đảm bảo. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành Thành phố để kịp thời nắm bắt vướng mắc, điều chỉnh chính sách phù hợp. Khuyến khích các TCTD phát triển sản phẩm tài chính xanh, tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và doanh nghiệp chuyển đổi số.

Việc triển khai Nghị quyết 68 tại Hà Nội không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là cơ hội để ngành ngân hàng khẳng định vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế. Thông qua việc cung cấp dòng vốn hợp lý, ưu tiên cho sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, hệ thống ngân hàng Thủ đô đang góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh năng động, bình đẳng - nơi kinh tế tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ông Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh.

Nguyễn Minh - Ảnh Hoàng Giáp

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-ha-noi-tich-cuc-trien-khai-nghi-quyet-68-164684.html