Ngành ngân hàng Mỹ đạt lợi nhuận kỷ lục bất chấp cơn hỗn loạn

Lợi nhuận quí 1 của ngành ngân hàng ở Mỹ đạt mức cao nhất lịch sử, khoảng 80 tỉ đô la, tăng 33% so với một năm trước, theo dữ liệu của BankRegData. Lợi nhuận của ngành này tăng vọt ngay cả khi đang đối mặt với hậu quả của hai vụ sụp đổ ngân hàng khu vực và căng thẳng nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Trong quí 1, JPMorgan Chase đạt lợi nhuận 11,7 tỉ đô la, cao nhất trong số gần 4.400 ngân hàng ở Mỹ. Ảnh: Getty

Trong quí 1, JPMorgan Chase đạt lợi nhuận 11,7 tỉ đô la, cao nhất trong số gần 4.400 ngân hàng ở Mỹ. Ảnh: Getty

Tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng đã đóng góp phần lớn cho lợi nhuận bội thu nói trên. Khoảng một nửa mức tăng tổng lợi nhuận quí 1 của ngành ngân hàng Mỹ đến từ lợi nhuận ghi nhận một lần của First Citizens và Flagstar, hai ngân hàng đã lần lượt mua tài sản còn lại của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) sau khi chúng bị các cơ quan quản lý tiếp quản và bán lại với giá chiết khấu trong tháng 3.

Lợi nhuận quí 1 của First Citizens, ngân hàng thắng trong cuộc đấu giá do Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) chủ trì để tiếp quản hoạt động kinh doanh của SVB, tăng vọt lên 9,5 tỉ đô la so với 273 triệu đô la vào cùng kỳ năm ngoái.

Thu nhập ròng trong quí 1 của Flagstar, ngân hàng mua phần lớn tiền gửi và tất cả các chi nhánh của SB vào giữa tháng 3, tăng lên 2 tỉ đô la so với khoảng 164 triệu đô la vào một năm trước. Flagstar là công ty con của New York Community Bancorp. Cổ phiếu của cả hai ngân hàng đều tăng vọt sau khi thương vụ mua lại SB được công bố.

Dù vậy, lợi nhuận tăng mạnh trong quí 1 cũng cho thấy các ngân hàng Mỹ nhìn chung được hưởng lợi từ lãi suất tăng, tỷ lệ vỡ nợ thấp và thị trường việc làm mở rộng bất chấp tâm lý lo lắng của người gửi tiền và nhà đầu tư.

“Hầu hết các ngân hàng vẫn ổn định. Nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng khá tốt, giúp tạo nên khoản lợi nhuận khả quan cho ngành ngân hàng”, Bert Ely, nhà tư vấn ngân hàng độc lập nói.

Trong số gần 4.400 ngân hàng của Mỹ, chỉ có 197, tức chưa tới 5% thua lỗ trong quí đầu tiên, theo BankRegData.

JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất Mỹ tính theo giá trị tài sản, ghi nhận lợi nhuận cao nhất. Ngân hàng này đạt lợi nhuận 11,7 tỉ đô la trong quí 1 từ các hoạt động bao gồm cho vay và xử lý thanh toán. Con số này tăng từ 6,4 tỉ đô la trong cùng kỳ năm qua.

Trong khi đó, ngân hàng PacWest lỗ 1,2 tỉ đô la, mức lỗ lớn nhất trong số các ngân hàng trong ba tháng đầu năm 2023. Tuần trước, PacWest cho biết đã thuê các cố vấn để xem xét các lựa chọn chiến lược bao gồm tìm các đối tác mua lại.

Tuy nhiên, một dấu hiệu cho thấy lợi nhuận bội thu của ngành ngân hàng khó có thể duy trì là tổng chi phí lãi vay của tất cả các ngân hàng ở Mỹ tăng gấp 10 lần so với một năm trước, lên 85 tỉ đô la trong quí đầu tiên, theo BankRegData. Điều này là do các ngân hàng, đặc biệt kể từ tháng 3, tăng lãi suất cao hơn cho người gửi tiền.

“Lợi nhuận của các ngân hàng có vẻ khá tốt trong quí đầu tiên, nhưng họ sẽ gặp khó khăn trong thời gian còn lại của năm”, Christopher Whalen, nhà phân tích ngân hàng và là Chủ tịch của Whalen Global Advisors nói.

Theo ông, tất cả các ngân hàng đã phải tăng lãi suất phải trả cho người gửi tiền sau cú sụp đổ của SVB. “Chi phí huy động vốn của các ngân hàng sẽ tăng lên”, ông nói.

Nhiều người gửi tiền ở Mỹ cũng chuyển tiền vào các tài khoản an toàn trong quí đầu tiên. Khối lượng tiền gửi được giữ trong các tài khoản tiết kiệm được bảo hiểm bởi FDIC tăng 400 tỉ đô la trong ba tháng đầu năm.

“Tăng trưởng cho vay của ngành ngân hàng hiện tiêu cực hơn so với vài tháng trước. Điều đó sẽ đó ảnh hưởng đến kỳ vọng tăng trưởng. Tôi không lạc quan nhiều vào triển vọng tăng trưởng của các ngân hàng khu vực ở Mỹ trong vài quí tới”, Alexander Yokum, nhà phân tích theo dõi các ngân hàng khu vực của CFRA Research nói.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nganh-ngan-hang-my-dat-loi-nhuan-ky-luc-bat-chap-con-hon-loan/