Ngành Ngân hàng quyết liệt xóa sổ tài khoản 'ma'

Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt vụ việc có tổ chức, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản, rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng. Đặc biệt, vừa qua, lần đầu tiên công an ghi nhận một đường dây sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để làm giả sinh trắc học, giao dịch rửa tiền lên tới hơn 1.000 tỷ đồng cho một trang web cờ bạc trực tuyến.

Thủ đoạn của nhóm tội phạm này là thuê người đứng tên mở tài khoản ngân hàng, sau đó sử dụng công nghệ “deepfake” AI để tạo clip khuôn mặt giả mạo chủ tài khoản, vượt qua hệ thống xác thực sinh trắc học khi giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên. Những người cho mượn danh tính không hề hay biết tài khoản của mình đang được sử dụng như một công cụ rửa tiền xuyên quốc gia.

Tại Ninh Bình, một đường dây mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng với quy mô lớn cũng đã bị triệt phá. Các đối tượng nhắm đến học sinh, sinh viên thiếu hiểu biết, thu mua tài khoản giá rẻ từ 500.000 đến 3 triệu đồng nhằm phục vụ hành vi lừa đảo, rửa tiền. Tang vật thu giữ lên tới 3.000 thẻ ngân hàng và nhiều thiết bị công nghệ.

Những vụ việc trên chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” khi mà theo thống kê từ NHNN, tính đến tháng 6/2025, mới chỉ có khoảng 113 triệu tài khoản cá nhân và 711.000 tài khoản tổ chức được xác thực sinh trắc học, đối chiếu dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Điều này đồng nghĩa với việc hiện còn hơn 86 triệu tài khoản ngân hàng chưa được định danh, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi và sự an toàn giao dịch của người sử dụng.

Trước thực tế trên, NHNN đang khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, dự kiến trong tháng 9/2025 sẽ ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó có quy định cụ thể về việc loại bỏ các tài khoản chưa xác thực sinh trắc học. Theo ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), những tài khoản chưa đối chiếu thông tin sinh trắc học có thể là tài khoản “rác”, “ngủ đông” hoặc liên quan đến hành vi gian lận, do đó không thể hợp thức hóa. Ngành Ngân hàng đang triển khai một cuộc “cách mạng” nhằm loại bỏ các tài khoản không hợp lệ, phòng ngừa nguy cơ bị lợi dụng để lừa đảo. Việc xóa sổ những tài khoản này sẽ góp phần tăng tính an toàn và minh bạch cho môi trường giao dịch số. Dự kiến, trong tháng 9 tới, các ngân hàng sẽ tiến hành đóng toàn bộ tài khoản chưa xác thực sinh trắc học. “Chỉ khi có văn bản quy phạm pháp luật đề cập cụ thể, các ngân hàng thương mại mới thực hiện. Không ngân hàng nào tự thực hiện việc xóa bỏ những tài khoản của khách khi chưa có quy định cụ thể”, ông Tuấn lưu ý và cho biết thêm, việc làm sạch hệ thống tài khoản không chỉ dừng ở loại bỏ tài khoản không hoạt động. NHNN cũng đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung về các tài khoản có dấu hiệu gian lận, đồng thời đề xuất nâng mức xử phạt với hành vi cho thuê, mượn tài khoản lên tới 200 triệu đồng – gấp 4-5 lần hiện tại.

Song song với đó, giải pháp xác thực sinh trắc học để bảo vệ người tiêu dùng tài chính cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Không chỉ cá nhân, từ ngày 1/7/2025, các tài khoản doanh nghiệp cũng bắt buộc định danh sinh trắc học người đại diện pháp luật để đủ điều kiện giao dịch. Tính đến nay, đã có 711.000 tài khoản tổ chức chiếm 55% tổng số tài khoản hoàn thành việc xác thực theo quy định mới.

Đáng chú ý, từ tháng 4/2025, hệ thống SIMO – công cụ cảnh báo rủi ro gian lận của một số ngân hàng khi được đưa vào thử nghiệm đã giúp ngăn chặn hơn 62.000 lượt giao dịch nghi ngờ, với tổng giá trị lên tới 283 tỷ đồng. Song song đó, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cũng đóng vai trò quan trọng trong xác thực thông tin khách hàng, khi đã làm sạch 57 triệu hồ sơ và nâng độ phủ thông tin tín dụng toàn dân lên gần 75% – thuộc nhóm cao trong khu vực Đông Nam Á.

Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh các giải pháp từ cơ quan quản lý và TCTD, người dân cũng cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ tài khoản ngân hàng của mình. Đặc biệt, không cho mượn, cho thuê tài khoản dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời thực hiện định danh sinh trắc học tại ngân hàng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp và an toàn giao dịch. “Trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, việc xác thực tài khoản không chỉ giúp đảm bảo an toàn giao dịch mà còn góp phần bảo vệ danh tính và tài sản cá nhân trên không gian số”, một chuyên gia đánh giá.

Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-quyet-liet-xoa-so-tai-khoan-ma-167648.html