Ngành Nội vụ cần tham mưu để thu hút, giữ chân, đào tạo và sử dụng người tài
Ngày 21-12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ.
Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Năm 2024, toàn ngành Nội vụ đã tập trung nỗ lực để tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách tiếp tục kiến tạo thể chế khơi thông các nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy sự phát triển.
Bộ Nội vụ đã tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương mà đột phá là đề xuất thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình hợp lý, thận trọng, từng bước, thiết thực, hiệu quả.
Trong đó đã điều chỉnh lương cơ sở tăng 30% - mức tăng cao nhất từ trước đến nay và bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, tạo động lực và nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức.
Tập trung cao độ tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương với khối lượng công việc lớn chưa từng có.
"Đến nay, đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương", Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.
Tham mưu đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, lấy sự phát triển kinh tế - xã hội làm thành tựu, lấy đổi mới, sáng tạo làm động lực.
Cải cách hành chính, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ngày càng đi vào chiều sâu hướng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ, nâng cao chất lượng của xây dựng thể chế, tháo gỡ, cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số, không ngừng góp phần khơi nguồn cho phát triển.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, nhiệm vụ của ngành Nội vụ năm 2025 là rất nặng nề. Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ, hơn lúc nào hết, ngành Nội vụ cần có quyết tâm cao hơn, có khát vọng lớn hơn. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực dự báo, chủ động nắm bắt tình hình từ sớm, từ xa để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết tốt những vấn đề đặt ra từ thực tiễn.
Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu đạt được của ngành Nội vụ trong năm 2024.
Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ mong muốn và gửi gắm ngành Nội vụ tham mưu làm sao để đánh giá được đúng năng lực cán bộ, thu hút, giữ chân, đào tạo và sử dụng người tài. “Xét cho cùng thì bộ máy Nhà nước có khoa học bao nhiêu, tinh gọn bao nhiêu, hợp lý bao nhiêu thì hiệu lực, hiệu quả của bộ máy do con người quyết định”- Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.
Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ mà Bộ Nội vụ đặt ra trong năm 2025, theo Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ nếu làm tốt những nhiệm vụ này, ngành Nội vụ sẽ về đích nhiệm kỳ.
Nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đang được triển khai một cách khẩn trương, quyết liệt và quyết tâm với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết trước ngày 10-2-2025 phải hoàn thành việc sắp xếp các cơ quan Đảng. Ngành Nội vụ có nhiều nhiệm vụ quan trọng đó là làm ra mô hình bộ máy tinh gọn hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; hình thành cơ chế chính sách đủ mạnh và sớm; hình thành hạ tầng pháp lý để bộ máy này hoạt động; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Theo Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ đây là việc rất khó, quá trình sắp xếp tránh tình trạng nhập cơ học, hợp nhất không hợp lý để tránh rủi ro.
Việc xây dựng thể chế, để bộ máy hoạt động phải có hạ tầng pháp lý. Thể chế phải làm nền tảng cho sự bứt phá, chuyển mình trong tương lai, khắc phục các bất cập.
Để có nền hành chính thông thoáng, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cần phải thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ để thực sự có nền hành chính công khai, minh bạch dễ tiếp cận. Ngành cần đổi mới công tác tổ chức cán bộ, nhất là chú trọng việc đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua, tổ chức đại hội thi đua các cấp tạo khí thế mới, tâm thế mới để bước vào kỷ nguyên mới.