Ngành nông nghiệp Hà Nội vượt khó thành công
Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, nhưng trong năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã nỗ lực vượt khó, đạt tốc độ tăng trưởng 4,2%, góp phần tăng trưởng GRDP của thành phố năm 2020.
Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, nhưng trong năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã nỗ lực vượt khó, đạt tốc độ tăng trưởng 4,2%, góp phần tăng trưởng GRDP của thành phố năm 2020.
Quý I năm 2020, ngành nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng âm 1,17% do đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của thành phố.
Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, ngành nông nghiệp đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhất là thực hiện các giải pháp khôi phục chăn nuôi đàn lợn; tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp, trang trại, gia trại đẩy mạnh phát triển sản xuất, thực hiện tốt công tác kiểm tra, phát hiện và phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; xây dựng các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh…
Đồng thời, ngành nông nghiệp có sự điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp. Cụ thể, đối với lúa xuân, thực hiện chuyển đổi cơ cấu, gieo trồng các giống lúa có chất lượng và năng suất cao để tăng năng suất. Đối với cây rau, chú trọng trồng các loại rau ngắn ngày, chất lượng cao để tăng sản lượng.
Đáng chú ý, trong phát triển chăn nuôi, đàn gia cầm có bước phát triển nhanh chóng, đạt 39,873 triệu con, tăng 7,78% so với năm 2019; sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 116,573 nghìn tấn, tăng 3,49% so với năm trước. Nhờ nguồn lực này, sản phẩm thịt gia cầm, thủy sản trở thành nguồn thực phẩm thay thế quan trọng trong giai đoạn thiếu hụt nguồn cung thịt lợn.
Mô hình chăn nuôi gà tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: Đăng Anh
Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nông dân, tăng trưởng ngành nông nghiệp Hà Nội năm 2020 đạt 4,2%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn thành phố đạt 38.093 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2019. Giá trị sản xuất bình quân đạt 280 triệu đồng/ha. Cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng kinh tế hàng hóa, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 55 triệu đồng/người, tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2019. Hà Nội tiếp tục thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và chuyển đổi theo hướng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn.
Đến nay, thành phố đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, mục tiêu của nông nghiệp Thủ đô giai đoạn tới là sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển làng nghề kết hợp du lịch giáo dục trải nghiệm, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu...
Năm 2021, thành phố tập trung gieo trồng 160 nghìn ha lúa, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 60%; phát triển sản xuất rau đậu các loại đạt khoảng 33 nghìn ha. Diện tích cây ăn quả khoảng 22.350 ha, trong đó chú trọng phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao như bưởi các loại, cam Canh, nhãn chín muộn. Diện tích trồng hoa, cây cảnh khoảng 7.200 ha.
Trong chăn nuôi, thành phố phát triển theo hướng bền vững với việc tiếp tục hình thành các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 3% trở lên, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp.