Ngành nông nghiệp: Phát triển chiều sâu, bảo đảm bền vững

Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, đất đai, thời gian qua ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả ấn tượng. Đáng chú ý, ngành nông nghiệp đang tăng tốc phát triển chiều sâu, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển bền vững của tỉnh nhà.

Các chủ trang trại, cơ sở chuyên canh nông sản chủ lực của tỉnh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Trong ảnh: Thu hoạch chuối tại Trang trại công nghệ cao Unifarm (huyện Phú Giáo)

Phát triển chiều sâu

Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mặc dù Bình Dương có công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển, nhưng ngành nông nghiệp vẫn đóng góp tích cực vào nền kinh tế tỉnh nhà, với mức đóng góp từ 18.000-19.000 tỷ đồng/năm. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, được điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao. Bình Dương hiện có số trang trại nông nghiệp đứng thứ hai Đông Nam bộ và thứ năm cả nước. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại chiếm trên 90% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh. Bình Dương cũng là địa phương đạt kết quả cao trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật.

Trên lĩnh vực trồng trọt, hầu hết các trang trại, cơ sở trên địa bàn tỉnh trồng các cây nông sản chủ lực của tỉnh như bưởi da xanh, cam sành, sầu riêng, chuối… Các trang trại, cơ sở đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số; sản phẩm được bán qua các kênh thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội… góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn, nâng cao đời sống của người dân, đưa thu nhập bình quân đầu người ở các xã nông thôn trong tỉnh đạt gần 90 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, Bình Dương tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 6.960 ha diện tích đất canh tác ứng dụng công nghệ cao và có khoảng 600 ha đất trồng trọt theo hướng hữu cơ, trong đó có 171,5 ha/2 cơ sở đã được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 488 tổ chức, cá nhân đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đã cấp 32 mã số vùng trồng/18 cơ sở, 13 mã số cơ sở đóng gói/10 cơ sở xuất khẩu, 11 mã số vùng trồng/11 cơ sở nội địa.

Nâng tầm giá trị

Ông Phạm Văn Bông cho biết năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021- 2025), do đó ngành NN&PTNT tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở kết quả đạt được trong thời gian qua và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, năm 2025 ngành NN&PTNT đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; triển khai hiệu quả các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...

Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT tiếp tục tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân; chuyển giao và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả đến người sản xuất; cùng với đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn…

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lưu ý năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích kế hoạch nhiệm kỳ 2020- 2025 của Đảng bộ tỉnh; cũng là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp, triển khai thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, trong đó có ngành nông nghiệp. Do đó, ngành NN&PTNT tỉnh cần chủ động thực hiện, sớm ổn định và đi vào hoạt động hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên.

Lịch sử phát triển của một vùng đất là một cuộc “chạy đua tiếp sức”, thế hệ đi trước tạo tiền đề cho thế hệ đi sau; các chiến lược phát triển, các quyết sách phù hợp như động lực trong cuộc đua tiếp sức đó. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống của ngành nông nghiệp nói chung và tinh thần, ý chí của cán bộ, công chức, viên chức ngành NN&PTNT Bình Dương nói riêng sẽ tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực đạt nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, xây dựng thành công nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

(Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh)

THOẠI PHƯƠNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nganh-nong-nghiep-phat-trien-chieu-sau-bao-dam-ben-vung-a340193.html