Nhân sự Mỹ không muốn quay lại 'nhà tù công sở'
Tranh cãi làm việc từ xa gia tăng khi nhiều công ty Mỹ yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng. Nhiều tổ chức đang chứng minh hiệu quả công việc vẫn đảm bảo dù nhân viên không có mặt.
Trong mắt Curtis Sparrer (Mỹ), nhà sáng lập công ty PR và marketing Bospar, người ủng hộ mạnh mẽ phong trào làm việc từ xa, văn phòng làm việc chẳng khác gì một “nhà tù doanh nghiệp”.
5 năm sau đại dịch Covid-19, khi làm việc từ xa trở thành xu hướng, Sparrer phản đối các doanh nghiệp lớn thúc đẩy quay lại văn phòng toàn thời gian. Chính quyền Trump sắp tới còn lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn hình thức này với nhân viên liên bang, thông qua Bộ Hiệu quả Chính phủ do Elon Musk và Vivek Ramaswamy lãnh đạo, theo AFP.
“Việc duy trì hình thức làm việc tại văn phòng ngầm ám chỉ sự thiếu tin tưởng. Công ty cần thấy nhân viên hiện diện ở đó mới tin rằng họ đang làm việc", ông nói.
Làn sóng phản đối
Sau đại dịch, làm việc kết hợp (hybrid) trở thành chuẩn mực tại Mỹ, nhưng một số công ty như Goldman Sachs hay Tesla nhanh chóng yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng.
Gần đây, Amazon cũng áp dụng chính sách làm việc đủ 5 ngày/tuần, khiến hơn 90% nhân viên bày tỏ không hài lòng, theo khảo sát của nền tảng mạng xã hội ẩn danh dành cho các chuyên gia và nhân viên văn phòng Blind.
Trên Reddit, nhiều người dùng chia sẻ rằng họ từ chối tham gia phỏng vấn tại Amazon vì chính sách quay lại văn phòng. Một số ý kiến cho rằng đây có thể là chiến lược cắt giảm nhân sự ngầm, nhưng cũng không ít người cảnh báo rằng chính sách này có nguy cơ khiến Amazon mất đi những nhân tài hàng đầu.
Không chỉ Amazon, tập đoàn tài chính JPMorgan Chase cũng gặp phản ứng dữ dội khi thông báo chấm dứt làm việc từ xa vào tháng 3. Theo Wall Street Journal, nền tảng nội bộ của công ty này phải đóng phần bình luận vì quá nhiều nhân sự lên tiếng về những khó khăn như chi phí đi lại hay việc chăm sóc con cái.
“Chúng tôi không muốn việc quay lại văn phòng trở thành nguyên nhân khiến nhân viên rời bỏ công ty", Jeremy Barnum (Mỹ), Giám đốc Tài chính của JPMorgan, thừa nhận rủi ro mất nhân sự khi phát biểu trong một cuộc họp báo.
Sparrer, người sở hữu công ty hoạt động hoàn toàn không văn phòng từ năm 2015, bày tỏ thất vọng trước động thái của Amazon và các công ty lớn khác khi ép nhân viên quay lại làm việc trực tiếp.
“Người này được ngồi góc văn phòng đẹp, trong khi người khác chỉ có một ô nhỏ hẹp, điều này dễ gây ra xích mích", ông cho rằng môi trường văn phòng luôn tiềm ẩn sự bất bình đẳng và nhiều vấn đề.
Bên cạnh đó, Sparrer cũng chỉ ra các rủi ro như quấy rối tình dục, lây lan bệnh tật, hay những phiền toái thường ngày từ việc nghe đồng nghiệp nhai thức ăn đến các cuộc bàn tán trong giờ làm việc.
Làm việc từ xa vẫn đảm bảo hiệu quả
Theo báo cáo Flex Index của công ty giải pháp CNTT Scoop, đến cuối năm 2024, khoảng 1/3 doanh nghiệp tại Mỹ yêu cầu nhân viên làm việc tại văn phòng toàn thời gian, 38% áp dụng mô hình làm việc kết hợp, và chưa đến 30% cho phép nhân viên toàn quyền lựa chọn.
DrFirst, nhà cung cấp phần mềm chăm sóc sức khỏe, là ví dụ thành công với mô hình làm việc từ xa khi chuyển toàn bộ 400 nhân viên tại Arizona và Maryland (Mỹ) sang làm việc từ xa từ năm 2023 dựa trên phản hồi của nhân viên.
“Hơn 85% nhân viên cho rằng làm việc từ xa giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất, giảm căng thẳng. Đồng thời, năng suất làm việc vẫn duy trì ở mức cao", Phó chủ tịch nhân sự Mathew Carrico (Mỹ) cho biết.
Để duy trì văn hóa doanh nghiệp, DrFirst triển khai các nhóm xã hội trực tuyến, tổ chức gặp gỡ định kỳ và áp dụng hệ thống đánh giá dựa trên mục tiêu hàng quý.
“Chúng tôi tin tưởng nhân viên tự quyết định thời gian và cách làm việc, nhưng trách nhiệm vẫn được đảm bảo qua kết quả công việc”, Mathew Carrico nhấn mạnh.
Heather Happe (Mỹ), nhân viên với 14 năm gắn bó tại DrFirst, chia sẻ rằng làm việc từ xa giúp cô tránh được cảnh kẹt xe giờ cao điểm.
Sparrer cũng nhấn mạnh rằng việc di chuyển bằng xe hơi xăng và hoạt động của các tòa nhà văn phòng góp phần lớn vào ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu từ Bospar cho thấy làm việc tại nhà không chỉ giảm thiểu khí thải mà còn khuyến khích nhân viên tự nấu ăn, hạn chế đặt đồ ăn giao tận nơi và tăng cường tái chế rác thải, góp phần bảo vệ môi trường.