Ngành thuế cần tập trung chuyển đổi số
Tại Hội nghị Tổng kết công tác thuế năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Tổng cục Thuế diễn ra vào sáng ngày 19/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng yêu cầu ngành thuế thực hiện đồng bộ các chức năng quản lý thuế, tổ chức công tác thu hiệu quả, quản lý chặt chẽ các nguồn thu và nhận diện được nguồn thu mới, nguồn thu tiềm năng, phát hiện kịp thời những khu vực còn thất thu để có giải pháp quản lý, khai thác tăng thu, chống thất thu.
Công tác chuyển đổi số của ngành thuế tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, năm 2024, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chủ động và phối hợp tích cực với các bộ, ban, ngành đã giúp nền kinh tế - xã hội của nước ta có nhiều điểm sáng nổi bật; thể chế tiếp tục được hoàn thiện; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Kết quả này có được phải kể đến sự đóng góp tích cực, chủ động của cán bộ, công chức Tổng cục Thuế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng biểu dương kết quả thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý khi lần đầu tiên vượt mốc 1,7 triệu tỷ đồng. Công tác chuyển đổi số của ngành thuế tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ với việc triển khai các ứng dụng hướng tới người nộp thuế. Cùng với đó, kết quả thu thuế thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh khi đạt 116 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023, với 120 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử.
Song bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, hệ thống chính sách thuế còn những bất cập, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tế, gây ra những khó khăn trong quá trình thực hiện. Hệ thống công nghệ thông tin của ngành Thuế đã được vận hành từ nhiều năm nên cần phải nâng cấp cho phù hợp với thực tế phát triển. Môi trường làm việc, hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ cán bộ quản lý còn chưa đáp ứng yêu cầu...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ ra tình trạng nợ đọng thuế còn lớn, chây ỳ nộp thuế, trốn thuế, mua bán hóa đơn, gian lận hoàn thuế, chuyển giá vẫn còn diễn ra làm giảm tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và tính lành mạnh của môi trường kinh doanh, nhất là các hoạt động kinh doanh liên quan đến sử dụng công nghệ đa quốc gia tại Việt Nam. Nhiều trường hợp chây ỳ hoặc cố tình vi phạm các quy định hiện hành; chưa có sự chuyển biến rõ rệt về tính tuân thủ, tự nguyện, nâng cao trách nhiệm pháp luật về thuế và nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước...
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế
Năm 2025, bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đứng trước những diễn biến khó lường, nhiều khó khăn. Hơn lúc nào hết, ngành thuế đang phải nỗ lực hết sức để đơn giản hóa thủ tục, tăng cường chống thất thu thuế, tạo thuận lợi thương mại ở mức tối đa, bảo đảm an ninh kinh tế. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đề nghị, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế phải nỗ lực hơn nữa, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục bám sát chỉ đạo chung của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính tập trung phối hợp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và lĩnh vực Thuế nói riêng. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là xây dựng nền tảng thuế điện tử để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số, với mục tiêu xây dựng ngành thuế hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trên thế giới.
Tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới và yêu cầu quản lý. Tích cực thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được phê duyệt trong lĩnh vực thuế đảm bảo tiến độ và chất lượng, đặc biệt là công tác hoàn thiện Luật Quản lý thuế và sửa đổi các luật về thuế (thuế thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp...).
Quyết liệt, khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, xây dựng ngành thuế chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa ngành thuế; đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, doanh nghiệp và người dân.
“Quá trình triển khai cần đặc biệt chú trọng công tác phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức và định hướng tư tưởng đối với cán bộ, công chức, người lao động các đơn vị trong toàn ngành để ủng hộ, chia sẻ, chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2025 và 63/63 địa phương phải hoàn thành thu vượt dự toán. Kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành ngân sách. Bên cạnh đó, cần lưu ý đánh giá, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của cả giai đoạn 2021-2025. Rà soát, tham mưu cho Bộ Tài chính xây dựng Kế hoạch cho giai đoạn 2026-2030.
Triển khai đồng bộ các chức năng quản lý thuế, tổ chức công tác thu hiệu quả, quản lý chặt chẽ các nguồn thu. Nhận diện được nguồn thu mới, nguồn thu tiềm năng, phát hiện kịp thời những khu vực còn thất thu, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử để có giải pháp quản lý, khai thác tăng thu, chống thất thu.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh đối tượng quản lý của hệ thống thuế ngày càng tăng, bộ máy ngày càng tinh gọn. Do vậy, cần tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa các nghiệp vụ thuế.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nganh-thue-can-tap-trung-chuyen-doi-so-10296843.html