Ngành thuế, hải quan đẩy mạnh cải cách lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Chiều 16/10, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Thuế - Hải quan 2024 với chủ đề ''Cải cách Thuế - Hải quan vì sự phát triển bền vững của DN'.
Bước tiến lớn trong công tác cải cách hiện đại hóa ngành Tài chính
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Thu Phong - Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, Bộ Tài chính luôn là cơ quan đi đầu về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
“Nhiều năm liền, Bộ Tài chính liên tục nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu bảng xếp hạng về Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Bộ Tài chính đã đạt những bước tiến lớn trong công tác cải cách hiện đại hóa trên mọi lĩnh vực, được người dân, DN và tổ chức đánh giá cao…” - Tổng biên tập Phạm Thu Phong nhấn mạnh.
Ông Phạm Thu Phong cho biết, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị luôn chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa các lĩnh vực và tháo gỡ khó khăn, nhằm đưa chính sách vào cuộc sống.
Ngành Thuế luôn sẵn sàng, đồng hành…
Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, với tinh thần luôn sẵn sàng đồng hành cùng DN và người dân vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế, Tổng cục Thuế đã tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thuế về hỗ trợ, gia hạn, miễn giảm các loại thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN), giảm lệ phí trước bạ và tiền thuê đất đối với DN.
Cùng với đó, hệ thống chính sách thuế đã và đang được cải cách đồng bộ như: Thuế GTGT; Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Thuế TNDN…
Toàn ngành Thuế đã đẩy mạnh cải cách, kiểm soát TTHC trong công tác QLT, theo đó đã hoàn thành chương trình cắt giảm đơn giản hóa TTHC theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ; thực hiện công khai và cập nhật kịp thời TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia, các Trang thông tin điện tử của cơ quan thuế (CQT_ các cấp; thực hiện cung cấp đầy đủ thông tin thuế cho NNT trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và 63 Cục Thuế...
Tổng cục Thuế còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như tổ chức hội nghị đối thoại, tọa đàm dưới nhiều hình thức khác nhau. Các cơ quan thuế tập trung tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (NNT) nhanh chóng, hiệu quả qua các kênh đa dạng, đặc biệt là phương thức điện tử như: Website ngành Thuế, giúp NNT tra cứu thông tin và quy định về thuế, giải đáp thắc mắc; tổ chức hội nghị, đối thoại trực tiếp và trực tuyến; hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế. Hệ thống 479 kênh thông tin thuế điện tử tiếp tục hoạt động ổn định, hỗ trợ kịp thời 24/7 với tỷ lệ hỗ trợ trên 95%.
CQT các cấp tiếp tục duy trì và đẩy mạnh ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế, dịch vụ thuế điện tử với nhiều tiện ích, hỗ trợ NNT thực hiện khai thuế thuận lợi, chính xác. Hiện nay, Tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ kê khai thuế qua mạng đạt 99,95%; tỷ lệ sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đạt 99,2%; tỷ lệ DN thực hiện hoàn thuế điện tử đạt 99%; 100% DN, tổ chức đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Đồng thời, Ngành Thuế tập trung xây dựng đội ngũ công chức thuế ngày càng chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính, đáp ứng yêu cầu QLT hiện đại và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Hải quan tạo thuận lợi thương mại quốc tế
Ông Trần Đức Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết ngành Hải quan đã xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, minh bạch, hiện đại, tuân thủ cải cách thủ tục hành chính và các cam kết quốc tế. Thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa theo chuẩn mực quốc tế, áp dụng phương pháp quản lý rủi ro và hậu kiểm. Công nghệ thông tin được đẩy mạnh với dữ liệu xử lý tập trung, cơ sở vật chất và trang thiết bị ngày càng hiện đại. Mối quan hệ đối tác giữa hải quan và doanh nghiệp ngày càng phát triển và đi vào thực chất.
Qua đó, góp phần quan trọng vào việc tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam; thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế của đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan…
Ngành Hải quan luôn xác định phát triển quan hệ đối tác với doanh nghiệp (DN) và các bên liên quan là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện ở cả 3 cấp: Tổng cục, Cục, Chi cục. Các hoạt động chính bao gồm: cung cấp thông tin, hỗ trợ, tham vấn DN, giám sát thực thi pháp luật, và hợp tác Hải quan-DN. Cơ quan Hải quan tăng cường thông tin, hỗ trợ người dân và DN qua Cổng thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông, đồng thời đẩy mạnh hướng dẫn pháp luật, giải đáp vướng mắc, đào tạo kiến thức, và tổ chức đối thoại, hội thảo.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định, việc triển khai các giải pháp phát triển quan hệ đối tác đã mang lại kết quả tích cực cho cả cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp (DN), giúp xây dựng sự hiểu biết và đồng hành trong thực hiện pháp luật hải quan. Những cải cách, hiện đại hóa trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí cho cả cơ quan Hải quan và DN, được cộng đồng DN và Nhà nước đánh giá cao.
Tại Diễn đàn, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cùng các chuyên gia và DN đã thảo luận về kết quả đạt được, đồng thời đề xuất giải pháp thúc đẩy cải cách ngành Thuế và Hải quan, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ DN phát triển bền vững.