Ngành xây dựng Nhật tồn đọng các dự án hơn 100 tỷ USD vì thiếu lao động

Theo tờ báo Nikkei Asia, tình trạng tồn đọng các dự án xây dựng nhà máy và công trình thương mại tại Nhật ngày càng trở nên trầm trọng...

Ảnh minh họa: Nikkei Asia

Ảnh minh họa: Nikkei Asia

Tại các nhà thầu xây dựng, khối lượng công việc theo hợp đồng chưa được bắt đầu triển khai hoặc chưa hoàn thành tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại là hơn 15 nghìn tỷ yên (103 tỷ USD).

THIẾU LAO ĐỘNG TRẦM TRỌNG

Là một trụ cột của nhu cầu nội địa, ngành xây dựng đóng góp khoảng 5% vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật Bản và chiếm gần 1/3 chi phí vốn. Theo giới phân tích, nếu ngành này không đẩy nhanh tiến độ các dự án, đầu tư tư nhân và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng công có thể bị đình trệ, kéo tụt tăng trưởng kinh tế. Một nguyên nhân chính của tình trạng trì trệ này là thiếu lao động.

Một trong những công ty đang đối mặt tình trạng đình trệ dự án xây dựng là Aeon Mall. "Đại gia" bán lẻ này đã hoãn kế hoạch khai trương một trung tâm mua sắm tại Date, tỉnh Fukushima, phía Bắc Tokyo, từ cuối năm 2024 đến nửa cuối năm 2026, do không thể đảm bảo đủ công nhân hoàn thành đúng tiến độ xây dựng.

“Thách thức tại đây không chỉ nằm ở số lượng công nhân xây dựng hạn chế mà còn ở việc họ sống rải rác trên một khu vực địa lý rộng lớn”, một giám đốc của công ty cho biết.

Tình trạng tương tự xảy ra trên khắp Nhật Bản. Tính tới tháng 3, lượng đơn hàng tồn đọng của các công ty xây dựng lên tới 15,3 nghìn tỷ USD - theo số liệu thống kê từ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản. Ngoài vấn đề lao động, một nguyên nhân khác là giá cả tăng lên các mức cao nhất kể từ tháng 4/2011.

Vào đầu những năm 1990, lượng đơn hàng tồn đọng cũng tăng vọt ngay trước giai đoạn trì trệ kinh tế kéo dài nhiều năm sau đó. Khi đó, tình trạng tồn đọng cũng chủ yếu do thiếu hụt lao động, chứ không phải do nhu cầu tăng cao.

Theo một khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tính tới năm 2024, ngành xây dựng nước này có 4,77 triệu công nhân, giảm 6% so với một thập kỷ trước. Trong đó, 800.000 người ở độ tuổi từ 65 tuổi trở lên, chiếm tỷ lệ gần 20%. Tỷ lệ này tăng 5 điểm phần trăm so với 10 năm trước.

Nhu cầu cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia tăng trong xã hội Nhật cũng khiến ngành xây dựng nước này gặp khó khăn trong việc giữ chân lao động. Từ tháng 4/2024, các quy định giới hạn giờ làm thêm của công nhân xây dựng ở mới 45 tiếng/tháng và 360 tiếng/năm có hiệu lực.

Do đó, trong cả năm 2024, giờ làm việc trung bình của người lao động trong ngành này đã giảm 32,3 tiếng/người so với năm trước. Mức giảm này cao gấp hơn 2 lần so với mức giảm bình quân 14,3 tiếng của tất cả các ngành nghề tại Nhật trong năm ngoái.

THIẾU ĐẦU TƯ VÀO CHUYỂN ĐỔI SỐ, TĂNG NĂNG SUẤT

Trong bối cảnh này, cuộc cạnh tranh giành lao động trong ngành xây dựng Nhật ngày càng căng thẳng. Tại Hokkaido, nơi nhà sản xuất chất bán dẫn Nhật Bản Rapidus đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip tiên tiến, số lượng công nhân xây dựng được tuyển dụng tại các nhà thầu có quy mô từ 10 lao động trở lên là khoảng 130.000 người trong năm 2023, tăng 23% so với năm trước. Mức lương cơ bản trung bình tại khu vực là khoảng 326.000 yên/tháng, tăng 30.000 yên - cao hơn so với mức tăng bình quân 14.000 yên toàn quốc.

Các công ty xây dựng cũng đang thắt chặt tiêu chí chọn dự án mới, trong đó xem xét kỹ hơn biên lợi nhuận. Năm 2024, đơn giá xây dựng bình quân khởi điểm cho các tòa nhà công nghiệp tư nhân ở Nhật đã tăng 18% so với năm trước, lên 300.000 yên/m2.

“Chúng tôi hiện đánh giá rất kỹ lưỡng các dự án, chú trọng vào tiềm năng lợi nhuận và tiến độ hoàn thành dự kiến”, giám đốc một công ty xây dựng lớn ở Nhật chia sẻ với tờ Nikkei Asia.

Do không thể tìm đủ lao động hoặc giành được các dự án có biên lợi nhuận tốt, nhiều công ty xây dựng nhỏ đã buộc phải ngừng hoạt động.

Tình trạng trì trệ trong ngành xây dựng Nhật Bản càng trầm trọng hơn do yếu tố đặc thù của ngành, đó là thâm dụng lao động..

“Ngành xây dựng Nhật khá chậm chạp trong việc ứng dụng công nghệ, chủ yếu bởi ngành này đang nằm dưới sự thống trị của các công ty quy mô nhỏ”, nhà kinh tế cấp cao Takayuki Sueyoshi tại Viện nghiên cứu Daiwa tại Tokyo, nhận định. “Mức đầu tư vào việc tiết kệm lao động và phần mềm tăng hiệu suất công việc của các công ty xây dựng Nhật chỉ bằng khoảng 1/5 so với các doanh nghiệp quy mô tương tự ở Anh và Pháp”.

Theo các nhà phân tích, với vai trò quan trọng của ngành xây dựng với nền kinh tế Nhật, việc nâng cao năng lực quản lý khối lượng công việc của nhà thầu xây dựng cần được đặt làm một ưu tiên hàng đầu.

Nếu tình trạng thiếu lao động vẫn tiếp diễn, ngành này cần nhanh chóng thúc đẩy quá trình số hóa và triển khai các biện pháp khác nhằm tăng năng suất lao động. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng với nền kinh tế Nhật Bản trong dài hạn.

Hoài Thu

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nganh-xay-dung-nhat-ton-dong-cac-du-an-hon-100-ty-usd-vi-thieu-lao-dong.htm