Ngành xây dựng ưu tiên hoàn thiện thể chế pháp luật
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-BXD về Chương trình hành động của ngành xây dựng nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp của ngành xây dựng để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 là ưu tiên, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-BXD về Chương trình hành động của ngành xây dựng nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Nghị quyết 01.
Việc tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng được Bộ Xây dựng ưu tiên nhằm tiếp tục quán triệt và thể chế hóa kịp thời, chính xác, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Kế hoạch số 11/KH-TW ngày 28/11/2022 thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu toàn ngành thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ, thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023.
Việc xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ năm 2023 lấy trọng tâm là hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết bảo đảm tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sau khi được Chính phủ thông qua chính sách, Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị, Luật Cấp, thoát nước, trình Chính phủ trước ngày 1/11/2023; tổ chức nghiên cứu Luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm.
Thêm một nội dung trong chương trình hành động của Bộ Xây dựng để thực hiện Nghị quyết 01 là đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của ngành xây dựng
Bộ Xây dựng khẳng định sẽ triển khai Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 và tiếp tục thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030; đồng thời, tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng sau khi được phê duyệt; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức và thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
Việc thực hiện thống kê, công bố, cập nhật và công khai thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng dịch vụ công quốc gia về TTHC đảm bảo kịp thời, chính xác và niêm yết TTHC tại Bộ phận Một cửa; rà soát, đánh giá chi phí tuân thủ, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC; đẩy mạnh việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Cùng đó, Bộ sẽ hoàn thành xây dựng Kho dữ liệu dùng chung ngành xây dựng; trục tích hợp chia sẻ dữ liệu Bộ Xây dựng.
Ngoài việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng còn ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam.
Song song với việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bộ cũng có Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cơ quan Bộ Xây dựng giai đoạn 2021-2025.
Bộ Xây dựng đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/05/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và Đề án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; tiếp tục đề xuất thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ cũng nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn.
Đồng thời, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan theo hướng bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, thiếu cụ thể, khó xác định và không dựa trên cơ sở khoa học; rà soát các loại chứng chỉ hành nghề để thu gọn, tránh trùng lặp, tránh lãng phí chi phí của xã hội...
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng cắt giảm danh mục hàng hóa nhóm 2; áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro; bổ sung danh mục mặt hàng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành; thay đổi phương pháp quản lý từ kiểm tra từng lô hàng sang kiểm tra theo mặt hàng. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng miễn kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng doanh nghiệp nhập khẩu số lượng nhỏ để sử dụng nội bộ, nhất là các sản phẩm đã chuẩn hóa cao.../.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-xay-dung-uu-tien-hoan-thien-the-che-phap-luat/279977.html