Ngành Y hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong đào tạo nhân lực
Mặc dù đạt nhiều thành tựu, nhưng các trường đào tạo ngành y vẫn phải đối mặt với thách thức trong đào tạo nhân lực, việc đầu tư cho thiết bị y khoa còn hạn chế.
Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy, cô tại một số cơ sở giáo dục đào tạo ngành y, để lắng nghe những chia sẻ về quá trình giảng dạy, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, cũng như những khó khăn cần tháo gỡ để nâng cao chất lượng đào tạo.
Sinh viên ngành y cần trang bị thêm nhiều kỹ năng trong giai đoạn hội nhập quốc tế
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Đạt - Giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội kiêm Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Năm 2024, lần đầu tiên Trường Đại học Y Hà Nội được xếp vào nhóm từ 801 - 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của tổ chức Times Higher Education. Đây là cột mốc quan trọng cho thấy nhà trường đã và đang đổi mới liên tục về học thuật, cơ cấu tổ chức nhằm thể hiện uy tín mang tầm cỡ quốc tế.
Ngoài ra, vào ngày 26/2/2024, nhà trường kỷ niệm 50 năm hành trình đào tạo bác sĩ nội trú. Sự kiện này rất quan trọng đối với nhà trường nói riêng cũng như ngành y Việt Nam nói chung, nhằm khẳng định vị thế của trường đại học đầu tiên trong cả nước đào tạo đội ngũ bác sĩ nội trú với số lượng lớn.
50 năm qua, Trường Đại học Y Hà Nội đã đào tạo được 5.159 bác sĩ nội trú, trong đó, 40 năm đầu đào tạo được 1.812 bác sĩ nội trú, riêng 9 năm gần đây (2015-2023) là 3.347. Số bác sĩ nội trú được trường đào tạo chiếm 41% số bác sĩ nội trú trong toàn quốc.
Không chỉ vậy, năm 2024, Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa cũng kỷ niệm 10 năm thành lập. Đây là cột mốc đánh dấu sự phát triển và nỗ lực không ngừng của nhà trường trong mở rộng quy mô đào tạo”.

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Đạt - Giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội kiêm Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc đào tạo nhân lực ngành y, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Đạt cho biết, thách thức lớn nhất là thời gian đào tạo kéo dài. Nếu hầu hết chương trình đào tạo đại học các ngành học khác chỉ mất khoảng 3,5 - 4 năm để hoàn thành, riêng với chương trình đào tạo Y khoa có thể lên đến 6 năm. Với các chương trình sau đại học và đào tạo chuyên sâu khác, cần nhiều thời gian hơn nữa. Việc đào tạo dài hạn kéo theo chi phí học tập cao, khiến sinh viên đối mặt với gánh nặng tài chính”.
“Ngoài ra, đào tạo nhân lực y tế còn gắn với sự phát triển của khoa học - công nghệ, đặc biệt với những tiến bộ trong y học hiện đại, đòi hỏi cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn lực tài chính lớn. Chính vì vậy, các cơ sở đào tạo đại học phải liên tục cập nhật chương trình đào tạo cũng như đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, nguồn đầu tư cho đào tạo ngành y vẫn còn hạn chế, do các thiết bị y khoa hiện đại có chi phí khá cao. Đây thực sự là một trong những áp lực rất lớn đối với Trường Đại học Y Hà Nội nói riêng và các trường đào tạo ngành y nói chung.
Bên cạnh đó, quy mô đào tạo bậc đại học và sau đại học của nhà trường được mở rộng, nhưng không đáng kể. Nhà trường cũng phải đối mặt với thách thức trong việc đảm bảo đủ cơ sở thực hành, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên. Mặc dù, đã xây dựng mạng lưới bệnh viện thực hành với sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến Trung ương và nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao” - vị bác sĩ chia sẻ thêm.
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Đạt, hiện nay, đào tạo nhân lực ngành y đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế, sinh viên cần phải trang bị thêm kiến thức, kỹ năng về ngoại ngữ, tin học… để vừa có thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo trong nước, vừa có thể đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của nền y học trên thế giới.

Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội trong một tiết học. Ảnh: NTCC.
Còn nhiều thách thức trong đào tạo nhân lực ngành y
Cùng chia sẻ về công tác đào tạo nhân lực ngành y, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng thông tin, Trường Đại học Y tế Công cộng là trường đại học duy nhất tại Việt Nam đào tạo chuyên sâu về ngành Y tế công cộng. Đây là một trong những ngành quan trọng của lĩnh vực Y tế dự phòng chuyên nghiên cứu, đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ, nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua các biện pháp phòng chống bệnh tật, kiểm soát dịch bệnh, kéo dài tuổi thọ và tăng cường sức khỏe thông qua những nỗ lực có tổ chức của toàn xã hội.
Trong năm 2024, Trường Đại học Y tế Công cộng đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực y tế trong nước và hội nhập quốc tế. Các chương trình đào tạo của nhà trường cũng thu hút được sự quan tâm của xã hội và được nhiều cơ sở đào tạo trong nước tham khảo, học tập. Tỷ lệ sinh viên có việc làm tốt nghiệp sau 12 tháng đều đạt trên 90%, nhiều người học được phân công giữ các vị trí chủ chốt và có nhiều đóng góp cho lĩnh vực y tế địa phương, được cơ quan tuyển dụng đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Y tế Công cộng đạt 0,68 bài báo khoa học quốc tế/giảng viên (vượt tiêu chuẩn quốc gia 0,6 bài/giảng viên) và 1,6 bài báo khoa học trong nước/giảng viên. Nhiều năm qua, trường đều xếp thứ hạng cao về xuất bản quốc tế trong hệ thống các cơ sở đào tạo trên toàn quốc.
"Nhà trường cũng chính thức vận hành Bệnh viện đa khoa Phạm Ngọc Thạch. Đây là cơ sở đào tạo và cung cấp dịch vụ y tế cơ bản theo danh mục bảo hiểm y tế cho hơn 35.000 người dân trong khu vực. Trung tâm xét nghiệm của bệnh viện là đơn vị điều phối hoạt động đào tạo ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học của nhà trường. Tại đây, chuyên cung cấp các dịch vụ xét nghiệm chăm sóc cộng đồng, phòng chống dịch với trang thiết bị hiện đại và vận hành phòng theo chuẩn ISO. Trung tâm xét nghiệm cũng đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao về hoạt động đào tạo, cung cấp dịch vụ xét nghiệm phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống dịch”, thầy Minh cho biết.

Trường Đại học Y tế Công cộng trong một buổi gặp gỡ trao đổi cơ hội hợp tác quốc tế. Ảnh: NTCC.
Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng cũng chia sẻ thêm, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Trong đó, nhận thức của xã hội về vai trò, tầm quan trọng của y tế dự phòng và các ngành khác thuộc khối y học dự phòng đâu đó vẫn còn hạn chế. Vì vậy, chưa có nhiều chính sách đầu tư cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Chế độ đãi ngộ dành cho các cán bộ làm công tác y tế công cộng, y tế dự phòng chưa hấp dẫn, khiến công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế đã bị giảm sút đáng kể trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, việc dừng các nguồn tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) cũng làm ảnh hưởng tới các dự án phát triển y tế công cộng, trong đó có đào tạo về ngành Y tế công cộng.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng. Ảnh: NVCC.
Cùng chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong công tác đào tạo ngành y hiện nay, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Đình Tuyên - Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đề cập: “Thứ nhất, nhiều trường đào tạo ngành y gặp khó khăn trong việc đầu tư vào trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo, đặc biệt với các lĩnh vực thực hành như: phẫu thuật, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm…
Thứ hai, chương trình đào tạo giữa các trường chưa có sự thống nhất, đặc biệt với những lĩnh vực mới, sinh viên thường gặp khó khăn trong cạnh tranh việc làm sau khi tốt nghiệp. Không chỉ vậy, việc thiếu thang đo chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo và chuẩn năng lực của sinh viên khi tốt nghiệp cũng là một yếu tố hạn chế chất lượng đào tạo.
Thứ ba, sự thiếu hụt cơ sở y tế đủ điều kiện tiếp nhận sinh viên thực tập khiến công tác thực hành lâm sàng gặp nhiều trở ngại, sinh viên thiếu cơ hội tiếp cận môi trường thực tế. Bên cạnh đó, cơ chế tự chủ và yêu cầu về kinh phí thực hành tại các cơ sở y tế cũng gây khó khăn cho việc đào tạo thực hành.
Thứ tư, các cơ sở đào tạo phải liên tục nâng cao chất lượng và đổi mới chương trình để tuân thủ quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng thiếu nguồn lực và sự linh hoạt để triển khai”.
Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Đình Tuyên cho biết thêm, để thu hút sinh viên và nâng cao chất lượng đào tạo ngành y, cần có các chính sách hỗ trợ tài chính, chính sách về học bổng và tạo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, cần thúc đẩy các chương trình thực tập tại các cơ sở y tế uy tín, giúp sinh viên áp dụng kiến thức vào thực tế.

Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tổ chức triển khai hoạt động cấp cứu ngoại viện. Ảnh: NTCC.
Cần có thêm các chính sách hỗ trợ
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Đạt, để nâng cao chất lượng đào tạo ngành y cũng như thu hút sinh viên vào ngành học này, cần có thêm những đãi ngộ, chính sách hỗ trợ tài chính cho các bác sĩ tiếp tục học tập chuyên sâu ở bậc sau đại học, đặc biệt là bác sĩ nội trú.
“Ở nhiều nước, bác sĩ nội trú thường được hưởng chế độ đãi ngộ, hỗ trợ tài chính, thậm chí được nhận lương trong thời gian đào tạo. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp giảm bớt áp lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các bác sĩ trong quá trình đào tạo chuyên sâu” - Giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội lý giải.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Đạt cũng bày tỏ, Trường Đại học Y Hà Nội mong muốn nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cơ quan quản lý nhà nước, xã hội đối với chương trình đào tạo y khoa: “Đào tạo ngành y luôn đi kèm với nhiều áp lực như: chi phí đào tạo cao, thời gian học tập kéo dài, sự cập nhật liên tục theo phát triển của y học hiện đại. Vì vậy, sự quan tâm, hỗ trợ từ xã hội cũng như động viên từ cơ quan quản lý nhà nước là điều cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực y tế trong tương lai. Điều này không chỉ giúp người học có thêm cơ hội phát triển mà còn góp phần giảm bớt áp lực trong quá trình học tập.
Trường Đại học Y Hà Nội cũng như nhiều trường đào tạo y khoa trên cả nước luôn tìm kiếm và phát triển những mô hình đào tạo mới nhằm bắt kịp nhu cầu đào tạo nhân lực y tế thế giới. Trong đó, việc xây dựng hệ thống bệnh viện trực thuộc trường đại học là một hướng đi có nhiều tiềm năng. Để triển khai mô hình này hiệu quả, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ về cơ chế, chính sách cũng như nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Việc xây dựng hệ thống bệnh viện thực hành trực thuộc các trường đại học nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như triển khai và ứng dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ hiện đại nhất vào đào tạo, chăm sóc sức khỏe”.

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Ảnh: NVCC.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Minh, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Kế hoạch hành động của Bộ Y tế để thực hiện 2 nghị quyết trên sẽ là cơ hội quan trọng để ngành Y tế công cộng được phát huy thế mạnh của mình về nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học.
Theo đó, Trường Đại học Y tế Công cộng sẽ đầu tư để đổi mới chương trình đào tạo hướng tới chuẩn quốc tế về ngành Y tế công cộng, cũng như đáp ứng nhu cầu thực tiễn; phát triển một số môn học quan trọng như: chuyển đổi số trong y tế, quản lý và phân tích dữ liệu hệ thống y tế… nhằm tăng cường thời lượng thực hành trải nghiệm thực tế của người học.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng có những chính sách hỗ trợ người học về tài chính và dịch vụ chăm sóc người học, đảm bảo chính sách lấy người học làm trung tâm. Đồng thời, đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học, khuyến khích sinh viên làm nghiên cứu với sự hỗ trợ về chuyên môn của các thầy cô có kinh nghiệm.
Đối với sinh viên ngành Y tế công cộng, cần nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của ngành học này. Trong quá trình học tập, cần chủ động trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng chuyên môn và khả năng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm… để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Minh cũng cho rằng, cần có thêm chính sách, cơ chế đãi ngộ với đội ngũ nhân lực làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng. Đồng thời, cần tăng cường nguồn lực tài chính cho đào tạo, nghiên cứu và các can thiệp y tế công cộng.
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Đạt gửi lời chúc đến sinh viên, học viên nhà trường cùng những người đồng nghiệp đang công tác trong ngành y: “Tôi hy vọng, các em sinh viên sẽ vững tin, kiên trì theo đuổi con đường bản thân đã chọn, không ngừng trau dồi kiến thức y khoa, rèn luyện kỹ năng mềm, đặc biệt nâng cao khả năng ngoại ngữ và kỹ năng học thuật để tiếp thu những tri thức mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành y.
Trong tương lai, tôi mong rằng, đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam (nói chung) và những người xuất thân từ Trường Đại học Y Hà Nội (nói riêng) sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển, đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe trên khắp mọi miền đất nước”.