Ngành y tế quyết liệt đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, thời gian qua, ngành y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cũng như chuyển đổi số vào hoạt động khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế tích cực triển khai áp dụng thí điểm

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế liên quan đến việc khám, chữa bệnh từ xa và hồ sơ sức khỏe điện tử.

Đại biểu Trần Khánh Thu nêu, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân. Tuy nhiên, hiện nay chưa có căn cứ để triển khai khám, chữa bệnh từ xa tại trạm y tế. Kết cấu giá trị dịch vụ y tế chưa có cấu phần chi phí công nghệ thông tin nên nguồn lực để dành cho việc còn hạn chế. Đại biểu chất vấn, Bộ Y tế có giải pháp gì để thực hiện tháo gỡ những khó khăn trên?

Giải trình, làm rõ ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, việc áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý ngành y tế là một đòi hỏi rất cấp bách để tăng cường công tác quản lý, giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Vì vậy, trong thời gian qua, ngành y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cũng như chuyển đổi số.

Với mô hình "bệnh viện chị - em" giữa BVĐK Xanh-pôn và BV Ba Vì (Hà Nội) đã áp dụng công nghệ thông tin trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân một cách hiệu quả. Ảnh: Lê Bảo.

Với mô hình "bệnh viện chị - em" giữa BVĐK Xanh-pôn và BV Ba Vì (Hà Nội) đã áp dụng công nghệ thông tin trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân một cách hiệu quả. Ảnh: Lê Bảo.

Liên quan đến việc triển khai hồ sơ điện tử và Đề án khám, chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế cũng đã có các quyết định liên quan đến việc phê duyệt Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 và Kế hoạch thúc đẩy phát triển sử dụng các nền tảng số y tế được thực hiện đến năm 2025.

"Thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực triển khai và đã áp dụng thí điểm. Ví dụ, tại BV Trường Đại học Y Hà Nội là một đơn vị triển khai thực hiện Đề án hết sức hiệu quả", Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.

Bên cạnh đó, liên quan đến hồ sơ điện tử, Bộ trưởng thông tin, tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã có nội dung liên quan đến thành phần công nghệ thông tin nằm trong chi phí quản lý của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo lộ trình, Chính phủ đang triển khai xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Số hóa hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

Tại Điều 80 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) về "Khám bệnh, chữa bệnh từ xa và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa" quy định, khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa người hành nghề với người bệnh được thực hiện như sau:

Khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa người hành nghề với người bệnh phải thực hiện theo phạm vi hành nghề của người hành nghề; việc chữa bệnh từ xa phải theo danh mục bệnh, tình trạng bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; Người hành nghề phải chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc của mình.

Hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện như sau: Người hành nghề trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được hỗ trợ phải chịu trách nhiệm về kết quả khám bệnh, chữa bệnh của mình;

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được hỗ trợ phải chi trả chi phí hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hỗ trợ theo mức thỏa thuận giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.Chính phủ quy định chi tiết về khám bệnh, chữa bệnh từ xa và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Việc đẩy mạnh công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh đã tạo điều kiện cho bệnh viện, bệnh nhân.

Việc đẩy mạnh công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh đã tạo điều kiện cho bệnh viện, bệnh nhân.

Theo kế hoạch hành động của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký ban hành, mục tiêu mà ngành y tế đặt ra là: 100% hệ thống thông tin y tế được đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo hồ sơ cấp độ an toàn thông tin được phê duyệt và trước khi đưa vào sử dụng, khai thác. 100% các dịch bệnh truyền nhiễm và các ca bệnh truyền nhiễm được quản lý trên nền tảng số y tế.

100% các trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc được cấp chứng nhận đăng ký lưu hành tại Việt Nam được quản lý theo mã định danh duy nhất thống nhất với định danh hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Ứng dụng thành công các công nghệ số: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), kết nối vạn vật y tế (IoMT), chuỗi khối (Blockchain), … trong các hoạt động y tế.

Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trong đó 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số, trong đó: 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm trên nền tảng số.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nganh-y-te-quyet-liet-dua-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-vao-kham-chua-benh-1692312092319291.htm