Ngành Y tế Tiền Giang: Những thành tựu sau 50 năm giải phóng
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ngành Y tế Tiền Giang cùng với cả nước bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước ổn định và phát triển. Vượt qua những năm tháng đầy cam go và thử thách, ngành Y tế Tiền Giang đang ngày càng phát triển toàn diện, đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.VƯỢT QUA CAM GO THỬ THÁCH
Vào tháng 4-1976, Ty Y tế Tiền Giang được thành lập. Trong những năm tháng đầu sau giải phóng, ngành Y tế Tiền Giang đối mặt với vô vàn khó khăn từ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men cho đến nhân lực.

Bác sĩ Lưu Thị Bạch, Phó Trưởng Ty Y tế Tiền Giang (sau này là Phó Giám đốc Sở Y tế) nhớ lại: “Hồi mới giải phóng, toàn tỉnh có chưa đầy 20 bác sĩ, cán bộ y tế chủ yếu là y sĩ và y tá; khoảng 50% xã trong tỉnh có trạm y tế. Về trang thiết bị y tế, chỉ có 1 bộ dụng cụ đại phẫu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa có nhiều chuyên khoa sâu và trong thời kỳ đó, bệnh viện chỉ có thể thực hiện được những loại phẫu thuật đơn giản”.
Những thiếu thốn về trang thiết bị, về chế độ, chính sách không làm nản lòng đội ngũ thầy thuốc. Đó là những năm tháng mà ngành Y tế Tiền Giang vượt qua khó khăn để đi lên, đạt được những thành quả rất đáng tự hào. Với những nỗ lực vì sức khỏe nhân dân, hệ thống mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và đi vào hoạt động có hiệu quả. Đến năm 1985, toàn ngành Y tế tỉnh có 4.729 cán bộ y tế; trong đó, có 102 bác sĩ, 50 dược sĩ đại học, phần nào đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Chặng đường đầu tiên của ngành Y tế Tiền Giang với bao khó khăn, đi từ không đến có, từ khó đến dễ, từ ít đến nhiều. Cùng với các ngành chức năng, ngành Y tế Tiền Giang đã đề xướng nhiều phong trào chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tỉnh thực hiện mạnh công tác tiêm chủng các bệnh dịch tả, dịch hạch, đậu mùa, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và phòng chống bệnh sốt rết, lao. Nhờ vậy mà khi xảy ra trận dịch tả tại 83 xã, phường vào tháng 4-1980, Tiền Giang đã dập tắt dịch trong vòng 40 ngày. Tiền Giang trở thành lá cờ đầu cả nước trong phong trào “5 dứt điểm”, “trồng và sử dụng thuốc Nam”, “Đông Nam y kết hợp”, “3 công trình vệ sinh”…
BƯỚC VÀO HÀNH TRÌNH HỘI NHẬP
Kế thừa thành quả của giai đoạn trước, sau ngày đất nước đổi mới, ngành Y tế Tiền Giang đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn và từng bước đi lên theo đà phát triển của y học cả nước và thế giới. Hiện tại, ngành Y tế tỉnh Tiền Giang đã có sự phát triển mạnh mẽ, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đang triển khai trên 30 loại kỹ thuật hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Do xác định được phương châm đa dạng hóa các hoạt động, xã hội hóa công tác y tế nên công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã tiến một bước dài, bao gồm hệ thống cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân, hướng đến việc phục vụ nhân dân với chất lượng ngày càng cao, hiệu quả và công bằng.
Từ năm 1986 đến năm 2015 được xem là giai đoạn đột phá của ngành Y tế. Đầu tư nguồn lực từ ngân sách và các dự án quốc tế đem lại hiệu quả phát triển vững chắc, vượt bậc. Trong đó, nổi bật là việc thành lập mới, nâng cấp các cơ sở y tế cũ với đầu tư trang thiết bị y tế và nhân lực tương xứng. Năm 1993, Tiền Giang ra đời 2 doanh nghiệp nhà nước là Công ty Vật tư y tế Tiền Giang và Công ty Dược phẩm Dược liệu Cai Lậy.
Năm 1994, tỉnh chuyển bệnh viện thuộc Trung tâm Y tế huyện Cai Lậy thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy. Năm 1995, Trung tâm Y tế huyện Tân Phước được thành lập… Từ năm 2000 trở về sau, Tiền Giang ra mắt nhiều cơ sở y tế; trong đó, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Lao và Phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phụ sản là 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh đầu tiên trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ra đời. Cùng với đó là nhiều trung tâm chuyên môn ra đời đáp ứng sự phát triển đa dạng của ngành Y tế.
Về đào tạo, tỉnh liên kết với các trường y để đào tạo trình độ bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa, thạc sĩ, tiến sĩ cho trên 700 người. Đến năm 2015, toàn tỉnh có 4.069 giường bệnh (19 giường/vạn dân), 90,1% trạm y tế có bác sĩ.
Nhân lực y tế đã từng bước lớn mạnh, tăng dần về số lượng, nâng lên về chất lượng, trình độ và năng lực. Số cán bộ, viên chức y tế toàn tỉnh lên đến gần 5.300 người; trong đó, có 4 tiến sĩ; 60 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp 2; 387 thạc sĩ, bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa cấp 1; gần 490 bác sĩ và dược sĩ đại học. Toàn tỉnh có 11 bệnh viện, 2 chi cục và 10 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, 11 trung tâm y tế, 11 phòng y tế, 13 phòng khám thuộc trung tâm y tế và 173 trạm y tế tuyến xã.
Từ năm 1987, các bác sĩ, dược sĩ được hành nghề ngoài giờ tại nhà; công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em được xã hội hóa. Đến năm 1989, có 89,20% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 6 loại vắc xin. Năm 1990, ngành thực hiện các chương trình phòng chống tiêu chảy, chống suy dinh dưỡng, chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp (ARI), thanh toán bệnh phong (cùi), phòng chống hoa liễu, phòng chống lao cấp 2, phòng chống mắt hột, vitamin A chống mù lòa, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, chăm sóc sức khỏe ban đầu (RAS/86/064). Năm 1995, tỉnh thực hiện Nghị định 95 của Chính phủ về thu một phần viện phí, thêm chương trình phòng chống bướu cổ “toàn dân dùng i-ốt”…
Năm 2002, Tiền Giang thực hiện tốt, đạt các mục tiêu củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và 10 chuẩn quốc gia về y tế xã; bảo hiểm y tế ở tuyến xã; giảm viện phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và người nghèo và đến tháng 7-2005 thì thực hiện miễn viện phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tiền Giang cũng thực hiện hiệu quả phòng chống dịch cúm A (H5N1), SARS Covid 2.
Từ năm 2005, tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và nâng cao sức khỏe; kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm; đầu tư, nâng cấp các cơ sở y tế; trong đó, ưu tiên theo thứ tự củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các trung tâm t tế tuyến huyện...
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã có đột phá, phát triển vững chắc, vượt bậc từ y tế tỉnh đến huyện, xã; y tế công lập và y tế tư nhân; đáp ứng nhu cầu y tế có chất lượng, gần dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đều thực hiện đạt chỉ tiêu; khống chế, không có dịch lớn và bệnh dịch mới xảy ra. Công tác khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao chất lượng…
PHÁT TRIỂN Y TẾ CHUYÊN SÂU VÀ HIỆN ĐẠI
Từ năm 2016 đến nay, ngành Y tế Tiền Giang bước vào giai đoạn phát triển chuyên sâu, hiện đại với những thành tựu rất đáng trân trọng. Hiện nay, ngành Y tế Tiền Giang có trên 5.800 nhân lực; trong đó, có 1 giáo sư và 12 tiến sĩ, cùng với hàng ngàn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 1 và bác sĩ chuyên khoa cấp 2.
Tỉnh đạt tỷ lệ 7,84 bác sĩ và 1,8 dược sĩ trên 1 vạn dân. Tiền Giang đẩy mạnh xã hội hóa trong ngành Y tế, không phân biệt y tế công, tư. Toàn tỉnh hiện có 3 bệnh viện tư nhân với 191 giường bệnh và hơn 40 phòng khám đa khoa tư nhân. Hệ thống tiêm chủng dịch vụ phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu nhân dân.
Cùng với sự phát triển về số lượng cơ sở khám, chữa bệnh, Tiền Giang đầu tư phát triển ngành theo hướng chuyên sâu, hiện đại. Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang có quy mô 1.000 giường, có thể thực hiện nhiều kỹ thuật hiện đại trong khám và chữa bệnh, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong và ngoài tỉnh.
Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho biết: Bệnh viện tiếp nhận và làm chủ các kỹ thuật y tế chuyên sâu trong hợp tác giữa tỉnh với y tế tuyến trên tại TP. Hồ Chí Minh. Nhiều kỹ thuật hiện đại xưa chỉ thực hiện được ở bệnh viện tuyến trên thì nhiều năm nay đã thực hiện hiệu quả tại bệnh viện tỉnh.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đang thực hiện khoảng 30 kỹ thuật hiện đại. Việc áp dụng kỹ thuật hiện đại này đã đem lại lợi ích rất lớn về hiệu quả điều trị cũng như tiết kiệm chi phí điều trị cho bệnh nhân tỉnh nhà”.
Song song đó, bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế đã được các bệnh viện thực hiện tốt và ngày càng đạt những chỉ số cao, đánh giá được thực trạng chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Năm 2024, 100% các bệnh viện trong ngành Y tế tỉnh Tiền Giang đều đạt tiêu chí chất lượng bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế, 100% các cơ sở y tế đảm bảo tốt tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống Covid-19 và các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Thích ứng với xu thế chuyển đổi số, Tiền Giang đã triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác y tế.
Nhìn lại hành trình phát triển của ngành Y tế tỉnh Tiền Giang với những thành tựu vượt bậc rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, hiện nay ngành Y tế tỉnh cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về nhân lực, vế xu hướng bệnh tật, về dịch bệnh mới nổi chưa có tiền lệ…
Trước những cơ hội và thách thức đặt ra, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho rằng, để phát triển, ngành Y tế phải biết nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức. Vì thế, ngành Y tế tỉnh Tiền Giang đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực.
Cụ thể là đào tạo các bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu; đào tạo thường xuyên, liên tục cho các đối tượng còn lại. Cùng với đó là triển khai các kỹ thuật mới theo đề án hợp tác với TP. Hồ Chí Minh; tạo môi trường làm việc thoải mái, chế độ đào tạo, bổ nhiệm minh bạch rõ ràng; xây dựng chính sách hỗ trợ và thu hút nguồn nhân lực về tỉnh. Đồng thời, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan. Ngành Y tế cũng tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ theo xu hướng chung của Việt Nam hiện nay.