Ngành Y tế TP.HCM phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19
'Năm 2023, dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh lưu hành nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ (Mpox)… tiếp tục được kiểm soát tốt trên địa bàn' - đây là thông tin được ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đưa ra tại Hội nghị Triển khai công tác y tế năm 2024 do Bộ Y tế vừa tổ chức.
Theo đó, từ kết quả hoạt động năm 2023 đã khẳng định, đại dịch COVID-19 không làm sụp đổ hệ thống y tế TP.HCM mà ngược lại ngành đã đứng vững và gần như phục hồi tất cả hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân như giai đoạn trước dịch. Số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú tăng 11% so với năm 2022 và tăng 6% so với năm 2020, trong đó số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoại trú tăng 17% so với năm 2022 và tăng 7% so với năm 2020. Đồng thời, số lượt điều trị nội trú cũng tăng 4,1% và số lượt nội trú có thẻ bảo hiểm y tế tăng 9,1% so với năm 2022.
Năm 2023, dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh lưu hành nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ (Mpox)… tiếp tục được kiểm soát tốt trên địa bàn. Ngành Y tế đã chủ động tham mưu triển khai kịp thời nhiều giải pháp, giúp kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để xảy ra tình trạng "dịch chồng dịch". Đặc biệt, điều đáng ghi nhận chính là ngành Y tế đã chủ động phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại TPHCM (OUCRU) xác định các tác nhân gây dịch bệnh (bằng phương pháp giải mã gene), giúp chủ động hơn trong công tác kiểm soát dịch bệnh và điều trị người bệnh hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng được ngành Y tế TP.HCM chú trọng đẩy mạnh hơn, mạng lưới y tế cơ sở được tiếp tục củng cố và phát triển. Hiện nay, tổng số trạm y tế được cải tạo cơ sở hạ tầng để chuyển đổi hoạt động theo mô hình nguyên lý y học gia đình đến nay là 55 trạm. Ngành Y tế tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP.HCM để tăng cường nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, chủ động triển khai hiệu quả việc đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Không chỉ vậy, ngành còn phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triển khai Chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm bằng gói can thiệp thiết yếu tại 43 trạm y tế phường xã thuộc 10 trung tâm y tế quận, huyện…
Đặc biệt, một hoạt động nổi bật nữa trong năm 2023 của y tế TP.HCM đó là triển khai thí điểm khám sức khỏe tầm soát bệnh ở người cao tuổi tại hơn 70 phường, xã, thị trấn thuộc 22 quận, huyện theo mô hình mới. Kết quả bước đầu đã nhận diện được mô hình sức khỏe của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn Thành phố.
Năm qua, nhiều công trình xây dựng, cải tạo nâng cấp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Thành phố hoàn thành, đưa vào sử dụng hiệu quả, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện và tạo tiền đề cho việc phát triển y tế chuyên sâu như các cơ sở mới của Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Trãi…
Ngoài ra, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã chủ động đầu tư nguồn lực, không ngừng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước trong khu vực như đào tạo phẫu thuật viên robot theo chuẩn quốc tế tại Bệnh viện Bình Dân; thực hiện thông tim xuyên tử cung cứu sống một bào thai bị dị tật tim của Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Từ Dũ .... Ngành Y tế cũng đang chủ động xây dựng và tham mưu Đề án phát triển y tế chuyên sâu giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo để sớm đưa TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 31-NQ/TW, hình thành các cụm y tế chuyên sâu của thành phố.
Bên cạnh công tác chuyên môn, công tác quản lý chất lượng nhằm hướng đến sự hài lòng của người bệnh vẫn luôn là một trong những hoạt động nổi bật của ngành y tế TP.HCM. Tại Diễn đàn chất lượng Quốc gia lần V hưởng ứng Lễ kỷ niệm 70 năm hệ thống khám, chữa bệnh Việt Nam và 15 năm thành lập Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế vừa qua, ngành Y tế Thành phố đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cho hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện. Đây là sự ghi nhận của Bộ Y tế đối với nỗ lực trong nhiều năm qua của ngành Y tế Thành phố trong việc không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, bước vào sau giai đoạn phục hồi, từ năm 2024, ngành Y tế thành phố sẽ phải đối mặt những khó khăn, thách thức xuất phát từ thực tiễn trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân Thành phố. Đó là làm sao để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, quản lý sức khỏe người dân thuộc nhóm nguy cơ.
Cùng với đó, phải củng cố hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở y tế hướng đến mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Tiếp tục có các giải pháp thiết thực giúp các bệnh viện công lập tự chủ bền vững, chủ động phát hiện và ngăn chặn hoạt động khám chữa bệnh không phép và các hành vi vi phạm về quảng cáo liên quan đến y tế…
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành Y tế TP.HCM, UBND TP.HCM đã thống nhất với 10 nhóm hoạt động trọng tâm cần được triển khai hiệu quả trong năm 2024, cụ thể như sau:
1. Khởi động chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao từ y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu.
2. Triển khai Chương trình quản lý sức khỏe người dân thuộc nhóm nguy cơ.
3. Củng cố các điều kiện cần để triển khai hiệu quả chuyển đổi số của ngành Y tế.
4. Vận dụng Nghị quyết số 98 xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế.
5. Triển khai hiệu quả hoạt động đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15.
6. Tham mưu các cơ chế, chính sách giúp các bệnh viện công lập tự chủ bền vững.
7. Đưa 3 bệnh viện cửa ngõ đi vào hoạt động hiệu quả trong năm 2024.
8. Cụ thể hóa các hoạt động ưu tiên phát triển y tế vùng.
9. Bổ sung các bộ tiêu chí đánh giá chất lượng trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Thành phố.
10. Tăng cường các giải pháp nhằm ngăn ngừa, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.