Ngất và cách xử trí
Việc sơ cấp cứu tại chỗ một người bị ngất cần có kiến thức y học mang tính thường thức để giúp đỡ những người 'gặp nạn' trước khi đưa đến bệnh viện.
Một số học trò cũng như ai đó đang trong trạng thái tưởng chừng sức khỏe rất bình thường nhưng bỗng nhiên lăn đùng ra ngất xỉu khiến bạn bè và người xung quanh hốt hoảng, bối rối và lo lắng. Những câu hỏi dồn dập thoáng qua trong đầu nhiều người: Tại sao thế nhỉ? Bạn ấy (hay người đó) đang khỏe mạnh mà bây giờ đã không còn biết gì nữa, giống hệt như một người đang… chết? Phải làm sao bây giờ?
Việc sơ cấp cứu tại chỗ một người bị ngất cần có kiến thức y học mang tính thường thức để giúp đỡ những người “gặp nạn” trước khi đưa đến bệnh viện “giao” cho các nhân viên y tế.
Các dấu hiệu nhận biết
Trước hết, mọi người cần biết khái niệm ngất là gì, để trên cơ sở đó có được thái độ hành xử đúng đắn với một trái tim không bị… run lẩy bẩy!
Ngất là trạng thái mất ý thức tạm thời, xảy ra một cách đột ngột trong một bối cảnh nào đó. Bối cảnh gặp người bị ngất thường là do tác động bởi cảm xúc mạnh như giận dữ, tin buồn, hoặc tin quá vui. Ngoài ra, ngất còn gặp trong các trường hợp như làm việc và gắng sức quá mức, bị chấn thương, say nắng, say nóng, môi trường thiếu oxy, mất máu lượng nhiều…
Các biểu hiện của ngất thường gặp ở một người là tự nhiên thấy hoa mắt, chóng mặt, ù tai, choáng váng, hồi hộp, mệt ngực, tim đập nhanh, thở khó, có khi toát mồ hôi, da nhợt nhạt, chân tay lạnh…
Nếu các bác sĩ hoặc những người có chuyên môn khác khám sẽ thấy tuần hoàn và hô hấp “yếu” rõ rệt, đồng tử giãn to. Các trường hợp nặng thì tuần hoàn và hô hấp tạm thời ngừng hoạt động.
Cách sơ cấp cứu người bị ngất
Việc cần làm đầu tiên là những người ra tay cứu giúp ngay lập tức đặt người bị ngất nằm ở một nơi thông thoáng, mát mẻ, đầu đặt thấp để dồn máu mang oxy lên não và nghiêng sang bên để không bị sặc chất nôn. Nới lỏng quần áo và “phụ tùng” khác để cho máu dễ dàng lưu thông, tháo răng giả nếu có.
Các hành động khẩn trương tiếp theo là đắp khăn ướt lên mặt, dùng dầu (các loại dầu xức mũi như dầu Miên, dầu gió, dầu đỏ, dầu Phật Linh hoặc cao sao vàng, cao Hổ trắng…) xoa bóp vào lòng bàn chân, bàn tay để gia tăng độ ấm cho cơ thể và làm kích thích tuần hoàn cho các bộ phận cơ quan nhanh chóng hoạt động trở lại bình thường.
Các động tác thường làm như lấy tay giật tóc mai (nhớ đừng ra tay quá mạnh mà “bay” mất tóc của người bị ngất nhé!). Việc bấm huyệt nhân trung bằng đầu móng ngón tay cái (huyệt nhân trung nằm ở dưới mũi, ngay chính giữa rãnh môi), dùng lông gà sạch ngoáy mũi gây hắt hơi để kích thích hô hấp hoạt động hiệu quả hơn.
Trường hợp không may bị ngất nặng, có ngừng tuần hoàn, hô hấp thì phải xử trí bằng các phương pháp hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực. Điều này đòi hỏi người thực hiện sơ cấp cứu phải được huấn luyện các kỹ năng thực hành. Rất may, hiện tượng ngất nặng rất ít khi xảy ra trong các tình huống thông thường.
Bàn về cách sơ cứu của dân gian
Một biện pháp dân gian mà nhiều người thường áp dụng trong thực tế, nhưng cũng có những người hồ nghi là việc cho bệnh nhân uống một ly nước trà gừng hoặc chí ít là một vài thìa để làm “hồi sinh” người bị… ngất có kết quả gì không?
Về cơ chế mà nói thì việc cho uống nước gừng nhằm mục đích làm “ấm” nội tạng, kích thích sự hoạt động của các hệ tuần hoàn và hệ hô hấp. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là không nên cạy răng một cách thô bạo như các “cụ” ngày xưa từng làm, để không làm “hăng-rết” (hết răng) người bị ngất nhé!
Một điều rất đáng lưu ý nữa là cần phải tránh sặc cho người bị ngất bằng cách cho uống lượng ít. Tốt nhất, cho uống từng muỗng (thìa) nhỏ nếu người bị ngất đang trong trạng thái lơ mơ. Nên nhớ, sặc thức uống sẽ làm phức tạp thêm tình huống cấp cứu người bị ngất. Nhiều khi, sặc dẫn tới sự đe dọa tính mạng người đang gặp nạn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngat-va-cach-xu-tri-post618419.html