Ngày 10/1: Hội thảo quốc gia về Net Zero cho Tây Nam Bộ

Mục tiêu của Chương trình nghiên cứu cấp quốc gia này nhằm cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước liên quan với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.

GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ - Ảnh: VGP/LS

GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ - Ảnh: VGP/LS

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ sáng 8/1, GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ, Phó Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Nhà nước "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam", mã số KC.16/2430, cho biết: Ngày 10/1, UBND TP. Cần Thơ và Đại học Cần Thơ sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Triển khai Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long".

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, lãnh đạo TP. Cần Thơ, Đại học Cần Thơ, lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia..

Theo đó, mục tiêu nhằm cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước liên quan với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất các mô hình và giải pháp phát triển KT-XH xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, phát triển nguồn nhân lực nhằm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam; nghiên cứu, ứng dụng, giải mã, đổi mới và chuyển giao công nghệ, các giải pháp quản lý và kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực, phục vụ giảm phát thải khí nhà kính, phát triển công nghệ xanh, sạch, tuần hoàn, giảm tiêu thụ, chuyển dịch và chuyển đổi năng lượng, nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thu hồi, tận dụng và lưu trữ carbon.

Cụ thể, sẽ có 8 nội dung nghiên cứu chính, gồm: Nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam; nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn thiết kế, xây dựng, thử nghiệm các mô hình và đề xuất các giải pháp chuyển dịch xã hội, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp nhằm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam; nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất giải pháp, điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm hỗ trợ mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0; phát triển, ừng dụng các giải pháp quản lý - kỹ thuật phục vụ khai thác và tận dụng hiệu quả nguyên/ nhiên liệu sản xuất, các giải pháp kỹ thuật - công nghệ thu hồi, tận dụng và lưu trữ carbon trong các ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, nghiên cứu khoa học, phát triển, giải mã, ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý cho phát triển mô hình hạ tầng giao thông-vận tải-logistics bền vững, giảm phát thải khí nhà kính; nghiên cứu khoa học, phát triển, giải mã, ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý cho mô hình công trình xây dựng, đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, phát thải carbon thấp và bền vững, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong thiết kế, thi công, vận hành và quản lý; nghiên cứu khoa học, phát triển, giải mã, ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý phục vụ phát triển nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu khoa học; phát triển, giải mã, ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý giám sát, phân tích, báo cáo, dự báo và cảnh báo nguy cơ phát thải và kiểm kê khí nhà kính.

Các chỉ tiêu đánh giá đề tài này đặt ra những con số cụ thể, có tính cấp bách và ứng dụng cao như: 80% công nghệ, giải pháp quản lý, quy trình kỹ thuật đóng góp giảm tối thiểu khí nhà kính so với mức phát thải cơ sở trong lĩnh vực áp dụng; 70% công nghệ, sản phẩm tạo ra có tính chất kỹ thuật, chất lượng tương đương với công nghệ, sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; ít nhất 50% số nhiệm vụ có kết quả được ứng dụng trong thực tiễn khi Chương trình kết thúc và hiệu quả được nơi sử dụng xác nhận; 29% số nhiệm vụ được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Đặc biệt, Chương trình này đòi hỏi chỉ tiêu phải có 50% số nhiệm vụ có doanh nghiệp tham gia thực hiện; 30% số nhiệm vụ có nộp đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích) được chấp nhận.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/ngay-10-1-hoi-thao-quoc-gia-ve-net-zero-cho-tay-nam-bo-102250108122726217.htm