Ngày 15/2, Bộ GTVT đến hạn báo cáo việc 'chia để tiêu' hơn 38.600 tỷ đồng vốn ngân sách

Trước đó, ngày 11/02, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký quyết định số 74/QĐ-TTg về việc giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022 cho Bộ GTVT.

Dự án cao tốc Bắc Nam, một trong những dự án trọng điểm của ngành Giao thông trong năm nay và những năm tới. Ảnh Internet

Dự án cao tốc Bắc Nam, một trong những dự án trọng điểm của ngành Giao thông trong năm nay và những năm tới. Ảnh Internet

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT phải báo cáo kết quả phân bổ, thông báo kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn về Bộ KĐ&ĐT, Bộ Tài chính trước ngày mai (15/2).

Theo quyết định trước đó, Chính phủ đã giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 -2025 và năm 2022 gồm:

Bổ sung 7.265 tỷ đồng cho Bộ GTVT từ nguồn ngân sách trung ương chưa phân bổ và mức vốn ngân sách trung ương bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam làm chủ đầu tư.

Bổ sung 31.392 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2022 cho Bộ GTVT để bố trí kế hoạch vốn năm 2022 cho 05 dự án đã được Quốc hội cho phép chuyển từ vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước tại Nghị quyết số 63/2022/QH15.

Các dự án gồm: 01 dự án do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam làm chủ đầu tư và 04 dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư.

Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ GTVT về thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022 theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.

Trước đó, ngày 1/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp với các cơ quan đơn vị của Bộ, các Ban Quản lý dự án (QLDA), các chủ đầu tư về triển khai công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Theo ông Thắng, năm 2023, Bộ GTVT đăng ký số vốn 72.000 tỷ đồng nhưng Chính phủ giao thêm cho Bộ này hơn 22.000 tỷ đồng. Như vậy, Bộ GTVT phải giải ngân một số vốn "khổng lồ" hơn 94.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021.

Để giải ngân hết số vốn nêu trên, Bộ trưởng Bộ GTVT nêu 4 nguyên tắc: Một, các dự án mới phải phấn đấu khởi công càng sớm càng tốt.

Hai, công tác giải phóng mặt bằng phải càng nhanh càng tốt. Chủ đầu tư/Ban QLDA phải xác định tư tưởng và hành động một cách quyết liệt, chủ động bám sát, phối hợp, hỗ trợ địa phương để hoàn thành trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất đảm bảo sớm khởi công, tăng tốc thi công dự án.

Ba, việc thi công phải nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Bốn, các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với quy mô gói thầu lớn nên phải thực hiện theo phương châm: "vừa chạy, vừa xếp hàng", tức là có thể triển khai song song nhiều việc.

Minh Anh – Bùi Hân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/ngay-15-2-bo-gtvt-den-han-bao-cao-viec-chia-de-tieu-hon-38600-ty-dong-von-ngan-sach-172230214112101029.htm