Ngày 27 tháng 7 và sự tri ân các Anh hùng liệt sĩ, một giá trị giáo dục sâu sắc
Ngày 27 tháng 7 hàng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Theo Quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1947, ngày 27/7 được lấy làm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Từ đó đến nay, ngày này trở thành biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và đạo lý truyền thống ngàn đời 'Uống nước nhớ nguồn', 'Ăn quả nhớ người trồng cây' của nhân dân ta.
Suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ, oanh liệt, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trong hành trình gian khổ đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, để cho đất nước trường tồn, non sông liền một dải.

Đoàn Cán bộ Nhà trường tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho các hộ gia đình chính sách tại xã Yên Xuân, TP Hà Nội nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025). Ảnh Tư liệu
Ngày 27/7 không chỉ là một dịp để tưởng niệm, mà còn là ngày nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau về công lao trời biển của những người đã hy sinh vì đất nước. Nó là mạch nguồn truyền thống để giáo dục lòng yêu nước, trách nhiệm với Tổ quốc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho đạo lý tri ân các anh hùng liệt sĩ trong chế độ mới. Ngay từ năm 1946, sau Cách mạng Tháng Tám, Bác đã dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, gia đình liệt sĩ. Với tấm lòng bao dung, nhân ái, Người nói: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Năm 1947, trong bối cảnh kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn khó khăn, với tầm nhìn chiến lược và lòng nhân văn sâu sắc, Bác đã chỉ đạo tổ chức Ngày Thương binh Liệt sĩ toàn quốc vào 27/7 và viết thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Thương binh là người đã hy sinh một phần xương máu của mình vì Tổ quốc, vì nhân dân. Họ là những người con yêu quý của dân tộc. Vì vậy, tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ họ”.
Tư tưởng tri ân thương binh, liệt sĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành giá trị cốt lõi trong truyền thống đạo lý của đất nước, đồng thời là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta xây dựng chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đến các gia đình chính sách, người có công.
Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là đỉnh cao của tinh thần yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những chiến công bất diệt đó đã làm nên truyền thống "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", tô thắm lá cờ vinh quang của dân tộc.
Trong thời đại mới thời đại hòa bình, hội nhập và phát triển, sự tri ân không chỉ là lời tưởng niệm, những vòng hoa, ngọn nến, mà còn phải được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể: giữ gìn nền độc lập mà bao thế hệ đã đổ máu giành lấy, ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước và tri ân các anh hùng liệt sĩ cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết trong các nhà trường, đặc biệt là các trường quân đội nơi đào tạo những người mang sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc.
Trường Sĩ quan Lục quân 1 tiền thân là Trường Quân chính kháng Nhật được thành lập ngày 15/4/1945 tại chiến khu Tân Trào. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo thành lập nhằm chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhà trường đã đào tạo hàng vạn sĩ quan cho Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có nhiều người là tướng lĩnh cao cấp, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến và công cuộc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, nhiều cán bộ, học viên của nhà trường đã lên đường ra trận, chiến đấu anh dũng, lập nên nhiều chiến công oanh liệt, không ít người trong số đó đã anh dũng hy sinh, hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc. Ngọn lửa truyền thống ấy, được hun đúc từ máu xương, trí tuệ và lòng trung hiếu, đã trở thành niềm tự hào thiêng liêng và là động lực để các thế hệ học viên tiếp bước cha anh.
Hằng năm, vào dịp tháng 7 tháng tri ân Trường Sĩ quan Lục quân 1 luôn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ. Có thể kể đến như: Tổ chức mít tinh, tọa đàm, sinh hoạt chính trị chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” gắn với giáo dục truyền thống cách mạng; Tổ chức cho cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ trong khuôn viên nhà trường và khu vực đóng quân; Triển khai các chương trình đền ơn đáp nghĩa như thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng tại địa phương…,thông qua các hoạt động tri ân đó, học viên không chỉ được bồi đắp về đạo lý làm người, mà còn được thắp sáng tinh thần chiến đấu, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, người quân nhân cách mạng. Đó là nền tảng để họ tiếp nối sứ mệnh thiêng liêng mà lớp người đi trước để lại.
Từ mái trường anh hùng này, nhiều thế hệ học viên đã noi gương anh hùng liệt sĩ, hăng say học tập, rèn luyện, đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Nhiều học viên tham gia nghiên cứu khoa học, đạt giải cao cấp Bộ Quốc phòng; nhiều người tốt nghiệp loại giỏi, trở thành cán bộ gương mẫu ở các đơn vị chiến đấu.
Học viên của Trường Sĩ quan Lục quân 1 hôm nay không chỉ giỏi chuyên môn, vững chính trị, mà còn là những người biết sống nhân ái, sống có trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân vì cộng đồng. Họ coi việc tri ân liệt sĩ là sứ mệnh thiêng liêng, là lẽ sống cao đẹp của người lính Cụ Hồ.
Trong bối cảnh mới khi đất nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng tinh thần tri ân càng cần được phát huy mạnh mẽ. Giáo dục truyền thống, đặc biệt là truyền thống đền ơn đáp nghĩa, phải gắn với xây dựng nhân cách, bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu của người sĩ quan trẻ trong thời đại số.
Trường Sĩ quan Lục quân 1 ngày nay đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giảng dạy, huấn luyện, quản lý, nhưng luôn giữ vững “gốc rễ” truyền thống cách mạng. Việc tri ân liệt sĩ không chỉ là công tác thường niên mà đã trở thành dòng chảy xuyên suốt trong mọi hoạt động giáo dục của nhà trường, là nội dung tích hợp trong mỗi giờ học chính trị, trong mỗi buổi sinh hoạt đoàn, trong từng hành động cụ thể của người học viên sĩ quan.
Ngày 27 tháng 7 là Ngày Thương binh Liệt sĩ là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, của đạo lý truyền thống và của niềm tự hào dân tộc. Việc tri ân các anh hùng liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim mỗi người dân Việt Nam. Trường Sĩ quan Lục quân 1, với bề dày truyền thống anh hùng, luôn giữ trọn lời thề trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với lý tưởng cách mạng. Mỗi học viên nơi đây những người sĩ quan tương lai mang trong tim ngọn lửa tri ân, khát vọng cống hiến, quyết tâm bảo vệ và xây dựng đất nước trong thời đại mới. Đó chính là cách thiết thực và cao quý nhất để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ những người đã “vị quốc vong thân”, làm rạng rỡ non sông đất Việt.