Tôi là Đinh Thu Trang, 23 tuổi. Tháng 6/2018, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Trung ương, tôi về công tác tại trường Mầm non Thực hành Hoa Thủy Tiên, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.
Đều đặn 7h mỗi ngày, tôi có mặt ở lớp A4 do mình chủ nhiệm. Là người giữ chìa khóa, tôi thường có mặt sớm hơn mọi người. Thay sang quần áo đồng phục của giáo viên, tôi bắt đầu công việc ngày mới.
Việc đầu tiên là đi lấy nước đun sôi về lớp. Vì trường không dùng nước đóng bình, mỗi sớm, nhà bếp lại chuẩn bị nước sôi và nước đun sôi để nguội cho học sinh dùng.
Vừa phát sữa cho các con, tôi vừa trò chuyện để hỏi Bư, Bobby hay Phú… những câu chuyện về bữa sáng, về trên đường đi học của lũ trẻ có gì.
A4 là lớp quốc tế. Mỗi ngày, lớp có một tiếng học tiếng Anh do giáo viên nước ngoài giảng dạy. Tôi thường cùng trẻ giao lưu ôn luyện để kích thích hứng thú cho các em.
Từ việc thi năng khiếu vào trường, về đây thực tập rồi trở thành giáo viên, tôi thường nói về một chữ “duyên”. Chắc hẳn bên cạnh những đứa nhỏ chính là công việc phù hợp nhất với tôi.
Mọi giáo viên đến với công việc mầm non đều xuất phát từ việc yêu thương trẻ nhỏ. Tôi cũng vậy. Tôi yêu sự hồn nhiên, trong trẻo trong đôi mắt của chúng. Và những cái ôm, hôn chẳng khi nào thiếu.
Gần tới 20/11, tôi cùng các giáo viên và học sinh chuẩn bị tiết mục văn nghệ, mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
Tôi trở lại lớp học vào đúng giờ cơm trưa. Thời gian đầu, tôi mất khá nhiều thời gian để làm quen với việc cho trẻ ăn. Mỗi trẻ đều có một tính cách riêng. Các cô thường phải ngồi ngay cạnh động viên để các con tập ăn một cách tự lập nhất.
11h30 là thời gian nghỉ trưa của trẻ. Để ổn định chỗ nằm, tôi thường đọc cho các con nghe một câu chuyện về kỹ năng sống hay những điều tốt đẹp… Tới khi trẻ đã nằm im ngon giấc, tôi và các chị đồng nghiệp mới bắt đầu dùng bữa.
Tôi tranh thủ chợp mắt trên phòng gác mái của lớp. Các giáo viên khác cũng thay phiên nhau nghỉ trưa. Vì học trò còn nhỏ, chúng tôi phải đảm bảo luôn có người thức trông trẻ.
Là một trong 3 trường mầm non thực hành của Cao đẳng Sư phạm trung ương tại Hà Nội, chúng tôi luôn muốn kết hợp cả việc giảng dạy giữa truyền thống với hiện đại. Việc tổ chức chơi những trò dân gian: rồng rắn lên mây, cá sấu lên bờ… sẽ làm trẻ hứng thú rất nhiều sau những giờ học.
Gần 17h, phụ huynh bắt đầu đến lớp đón trẻ.
Những học sinh chưa có bố mẹ tới đón sẽ được xuống ngồi tại lớp đón muộn. Là giáo viên trẻ, chưa có gia đình riêng nên tôi thường xung phong đảm nhận công việc trông lớp đón muộn.
Trong lúc chờ phụ huynh đón, tôi thường cùng các con xem phim hoạt hình, chơi trò chơi... hoặc lắng nghe những tâm sự ngây ngô của các em.
Trả hết học sinh, tôi đi lên phòng học lớp mình, kiểm tra phòng học, đóng cửa sổ, tắt hết điện rồi khóa cửa phòng.
Hôm nay, do một phụ huynh đến muộn, tôi ở lại trường đến gần 19h. Tôi an tâm đi về khi cả trường đã không còn ai.
Hà Nội đón cơn mưa lớn. Quãng đường 15 km từ trường về nhà phải mất gần 40 phút để di chuyển do tắc đường.
Về tới nhà, bố mẹ và bà nội vẫn đang đợi cơm. Lúc này đã gần 20h. Ngày nào đi làm về, mâm cơm cũng đợi sẵn. Đó là điều khiến tôi hạnh phúc và quên hết những mệt mỏi của ngày dài làm việc.
Tôi dành 30 phút cuối ngày để đọc sách về kỹ năng sống, tiếp thu thêm cách xử lý các tình huống, đặc biệt khi giao tiếp với cha mẹ học sinh. Thỉnh thoảng, mẹ sẽ qua phòng hỏi han về công việc, không quên trêu tôi: “Con gái lớn rồi, làm việc ít thôi còn lấy chồng con ạ”.
Hôm nay, trước lúc ngủ, tôi nhận được tin nhắn cảm ơn từ phụ huynh, chị ấy vui mừng khi thấy con mình đã “trưởng thành” thêm được một chút. Những câu chuyện ấy luôn khiến tôi luôn cảm thấy hạnh phúc, yêu đời. Rồi cứ vậy, tôi chìm vào giấc ngủ ngon lành.
Thạch Thảo - Nguyễn Sương