Ngày càng nhiều trường hợp người bệnh trẻ tuổi mắc bệnh lao
Việt Nam nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Đây cũng là căn bệnh có nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Theo chuyên gia, người trẻ hay chủ quan, khi mắc bệnh không chỉ ảnh hưởng sức khỏe cá nhân mà còn là nguồn lây lan cho cộng đồng, tạo gánh nặng cho xã hội.
Thời gian vừa qua, Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức - Bệnh viện Trung ương quân đội 108 gặp nhiều trường hợp người bệnh trẻ tuổi mắc "lao phổi". Điển hình gần đây, khoa tiếp nhận một chàng trai 20 tuổi trong tình trạng mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút cân nhanh, sốt về chiều, ra mồ hôi trộm về đêm, ho có đờm…
Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 1 tháng bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn kéo dài và trở nặng dần lên. Bệnh nhân lo lắng vì thấy không đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ khi đã chuẩn bị hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Bản thân và gia đình hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh.
Sau khi được tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị lao phổi mới AFB dương tính, lao PCR dương tính có tổn thương thâm nhiễm phá hủy hang. May mắn phát hiện sớm, nên qua gần 3 tuần điều trị tích cực theo phác đồ: chống lao, kháng sinh, long đờm, khí dung, nâng đỡ thể trạng… bệnh nhân ổn định, hết sốt, không còn mệt mỏi, ăn uống ngon miệng, được ra viện, uống thuốc theo đơn.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Viết Sáng - Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức - Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, lý do khiến nhiều người trẻ hiện nay mắc bệnh lao có thể do:
- Môi trường làm việc không đảm bảo (tập trung đông người trong một không gian hẹp, kín, nhiệt độ ẩm thấp) là điều kiện thuận lợi làm vi khuẩn lao phát triển và lây lan mạnh.
- Lối sống, ăn uống, vận động không khoa học (ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên thức khuya, làm việc quá sức, hút thuốc lá, uống rượu bia…) làm sức khỏe giảm sút, sức đề kháng yếu khiến vi khuẩn lao dễ tấn công và gây bệnh.
- Do lây nhiễm do tiếp xúc với nguồn bệnh: Cứ một người bị bệnh lao phổi có ho khạc vi khuẩn ra môi trường có thể lây cho 5-10 người khác, nhất là trong các quần thể dân cư nhỏ như gia đình, lớp học, nhà máy, trại tập trung… trước khi người bệnh được điều trị.
Lao là căn bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng và khó kiểm soát
Theo bác sĩ Sáng, bệnh lao phổi là căn bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra cực kỳ nguy hiểm. Vi khuẩn lao từ các hạt nước bọt li ti hoặc trong các hạt bụi nhỏ dễ dàng bị hít vào phổi, xuống tận phế nang và gây bệnh tại phổi. Đây là căn bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng và khó kiểm soát.
Triệu chứng lâm sàng thường gặp của lao phổi thường là: Ho và khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, ho ra máu, đau ngực, khó thở, sốt nhẹ về chiều, vã mồ hôi trộm, sút cân, mệt mỏi, chán ăn.
Việt Nam nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Lao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng tới kinh tế xã hội. Hiện nay, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh lao và giảm gánh nặng do tác hại của bệnh lao gây ra cho gia đình và xã hội.
Bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, thời gian nào của cuộc đời. Đặc biệt, bệnh dễ xuất hiện ở những người có nguy cơ cao, suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, nhiễm HIV/AIDS, xơ gan, ung thư, nghiện rượu, điều trị các thuốc ức chế miễn dịch… và người tiếp xúc gần, thường xuyên với người mắc bệnh lao.
Tỷ lệ mắc bệnh lao ở thành thị đông dân cao hơn ở nông thôn và miền núi. Tuy nhiên, theo bác sĩ, bệnh lao hoàn toàn có thể chữa trị được nếu phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ điều trị.
Cách phòng tránh bệnh lao - một trong số 10 bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu
Theo thống kê của Tổ chức y tế Thế giới, lao là một trong số 10 bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu. Để phòng tránh bệnh lao, mỗi người cần thực hiện các biện pháp sau:
- Trẻ em cần tiêm vacxin phòng bệnh lao trong vòng 1 tháng đầu sau sinh.
- Đeo khẩu trang đúng cách khi đến nơi đông người, làm việc trong môi trường nhiều khói bụi.
- Che miệng khi hắt hơi.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn để tăng cường sức đề kháng.
- Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện ho, hắt hơi.
- Không giao tiếp trực tiếp và sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người mắc lao phổi.
- Kiểm tra, thăm khám kịp thời tại các cơ sở y tế khi có các triệu chứng mắc bệnh Lao phổi.