Ngày của Cha là ngày nào, nguồn gốc và ý nghĩa?

Ngày của Cha (Father's day) là ngày con cái bày tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn đối với người cha của mình, thường được tổ chức vào Chủ nhật thứ 3 của tháng 6.

Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày của Cha

Ngày của Cha thường được biết đến nhiều ở các nước phương Tây. Tuy nhiên hiện nay, ở Việt Nam, ngày này cũng được nhiều người quan tâm.

Năm 2023, Ngày của Cha rơi vào Chủ nhật 18/6/2023. Ngày của Cha xuất phát từ sự kiện diễn ra tại FaFairmont, bang Tây Virginia, Mỹ, vào ngày 5/7/1908. Đây là sự kiện được tổ chức bởi bà Grace Golden Clayton với mong muốn vinh danh cuộc đời của những người cha qua đời vài tháng trước trong thảm họa Monongah Mining vào ngày 6/12/1907.

Đến năm 1966, Tổng thống Mỹ khi đó là Lyndon Johnson đã quyết định chính chức chọn ngày Chủ nhật thứ 3 trong tháng 6 hàng năm là Ngày của Cha trên toàn nước Mỹ. Ngày của Cha đã được tổ chức kỷ niệm hàng năm kể từ khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon ký luật công nhận Ngày của Cha có giá trị là một ngày lễ chính thống vĩnh viễn vào năm 1972.

Đây là ngày để con cái thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn đối với người cha của mình. Trong những năm gần đây, Ngày của Cha đã trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam.

Hoạt động ăn mừng Ngày của Cha trên thế giới

Tại Ý, các em nhỏ thường đọc thơ và tham gia diễn kịch, tự tay chuẩn bị những món quà nhỏ cho người cha, để thể hiện lòng hiếu thảo. Hoạt động này thường diễn ra tại trường học.

Ảnh minh họa: Pexels

Ảnh minh họa: Pexels

Tại Đức, các nhóm nam giới thường tổ chức một chuyến đi bộ đường dài, kéo xe chở các món ăn truyền thống của địa phương đi khắp vùng, tặng cho những người cha. Ngoài ra, nhiều gia đình tổ chức các kì nghỉ riêng, giúp tình cảm gia đình, cha con thêm gắn bó.

Tại Nhật, những người con trong gia đình thường mua quà là áo, cà vạt, thắt lưng... để bày tỏ tình cảm với cha của mình.

Tại Việt Nam, Ngày của Cha cũng dần được nhiều bạn trẻ đón nhận. Ngày này, con cái thường mua quà tặng cha, hoặc tổ chức các bữa ăn gia đình, tăng thêm tình cảm.

Tú Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngay-cua-cha-la-ngay-nao-nguon-goc-va-y-nghia-2154393.html