Ngày cuối nghỉ lễ: Cửa ngõ thông thoáng, bến xe Hà Nội không đông khách

Kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, các bến xe, nhà ga và sân bay Hà Nội đón một lượng lớn khách từ các tỉnh, thành trở về Thủ đô để chuẩn bị cho tuần làm việc tới.

Xe khách nối đuôi nhau vào trả khách tại Bến xe Giáp Bát. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Xe khách nối đuôi nhau vào trả khách tại Bến xe Giáp Bát. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngày 4/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày, xe khách chở người dân từ các tỉnh, thành nối đuôi nhau trở về Thủ đô. Nhiều tuyến đường xung quanh khu vực cửa ngõ và bến xe thông thoáng và không bị ùn tắc kéo dài.

Bến xe không quá đông khách

Ghi nhận của phóng viên vào lúc 15h45, tại Bến xe Giáp Bát, xe khách từ các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… liên tiếp vào khu vực đỗ xe. Rất nhanh chóng, hành khách xuống và vội vàng lấy đồ đạc phía sau đuôi xe để trở về chỗ ở.

Kéo chiếc hành lý ra khu vực ghế đá ngồi, em Nguyễn Trần Quốc Thắng, quê ở Trực Ninh (tỉnh Nam Định), sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội liền cầm điện thoại gọi người thân ra đón.

Ngay từ đầu giờ chiều, Thắng được bố mẹ chở ra dọc đường Quốc lộ 21 để đón xe khách. Phải qua 2 lần xe chạy qua, cậu sinh viên mới có thể lên xe để về Hà Nội.

“Khu nhà em ở chỉ đón được xe khách từ huyện Giao Thủy, Hải Hậu đi qua. Do ngay từ đầu bến đã đông hành khách nên mỗi dịp nghỉ lễ sẽ rất khó khăn bắt xe khách. Đa phần các xe từ tuyến huyện lên với tần suất ít trong khi các ‘thượng đế’ rất đông nên việc bị ‘nhồi nhét’ là lẽ đương nhiên,” Thắng chia sẻ.

Tuy vậy, nhà xe vẫn lấy đúng giá vé đi thường ngày là 100.000 đồng, dù nhu cầu khách đi đông. Dọc hành trình lên tới Hà Nam, nhiều người đứng đường vẫy nhưng tài xế không vào bắt khách bởi xe 35 chỗ đã chưa tới 45 người.

Các tuyến xe từ huyện Kim Sơn, Nho Quan, Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) hay Hà Trung, Hậu Lộc, Nông Cống, Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) và Đông Hưng, Kiến Xương, Quỳnh Phụ… (tỉnh Thái Bình) mỗi lần trả khách tại bến cũng đông kín hành khách xuống xe.

Ngay lối vào bến, nhân viên của Bến xe Giáp Bát đã hướng dẫn xe đỗ đúng vị trí đồng thời phân làn các xe khác để tránh ùn ứ cục bộ. Hành khách cũng được hướng dẫn đi lối cửa ra theo quy định nhằm tránh xung đột lối vào của xe khách.

Phía ngoài bến ngay tại đường Giải Phóng, lực lượng xe ôm, xe công nghệ đứng chèo kéo hành khách đi, lực lượng công an phường phải rất vất vả để đảm bảo trật tự và phân luồng giao thông.

Tại Bến xe Mỹ Đình, dọc tuyến đường Phạm Hùng dòng xe từ các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang cũng chầm chậm nối đuôi nhau vào bến.

Đại diện Bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình thông tin, do kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, lượng khách đã lên trước vào chiều qua (ngày 3/5) và ngày hôm nay trải dài nhiều khung giờ trong ngày nên không ùn ứ cục bộ. So với ngày thường, lượng khách và số xe về bến không có đột biến.

“Lực lượng nhân viên bến xe đã túc trực tại nhiều vị trí và phối hợp với cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông nhằm duy trì an ninh, trật tự, phân luồng giao thông tại khu vực ngoài và trong bến xe để đảm bảo thuận tiện cho hành khách trở về Thủ đô,” ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc Bến xe Giáp Bát nói.

Đường sắt và hàng không “cõng” lượng khách lớn

Liên quan đến tình hình giao thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ (cửa ngõ phía Nam Thủ đô), ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ cho biết kể từ khi hệ thống thu phí tự động được lắp đặt, tuyến cao tốc này không còn xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài tại trạm thu phí. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc nghiêm trọng, đơn vị sẽ chủ động xả trạm để giải phóng phương tiện, đảm bảo lưu thông thông suốt.

“Hiện tượng ùn chỉ xảy ra tại khu vực đầu tuyến Pháp Vân do mật độ phương tiện cao khiến các xe không thể duy trì tốc độ thiết kế, nhưng toàn tuyến vẫn giữ được trạng thái ổn định,” ông Khôi nhìn nhận.

Với tàu hỏa, trong đợt nghỉ lễ này, đường sắt lập thêm nhiều tàu từ các tỉnh trở về Hà Nội, tập trung chạy các ngày 3-4/5, trong đó riêng tuyến Hải Phòng lập thêm 3 đoàn, ngoài ra còn có tàu Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt cho biết các tàu trở về Thủ đô tuy không đông bằng chiều đi, nhưng tỷ lệ khách rất cao, nhiều chuyến tàu kín chỗ, nhất là tàu Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh.

 Các Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng đều đón lượng hành khách tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Các Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng đều đón lượng hành khách tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ đón lượng hành khách lớn đi và đến.

Ngày 4/5, theo thống kê của Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, sân bay dự kiến phục vụ 108.379 lượt hành khách, trong đó có 64.254 hành khách nội địa và 44.125 hành khách quốc tế.

“So với lịch bay thường lệ, lưu lượng hành khách tăng 22,6%. Trong đó, hành khách quốc tế tăng 13.9%, hành khách nội địa tăng mạnh tới 29,4%. So với cao điểm kỳ nghỉ 30/4-1/5 năm 2024, lượng khách năm nay tăng 25,5%,” lãnh đạo Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài cho hay.

Tại Sân bay Tân Sơn Nhất, theo thống kê của Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, tổng số chuyến bay dự kiến là 729 chuyến (gồm 365 chuyến bay đi và 364 chuyến bay đến).

“Số hành khách dự kiến là 110.729 khách. Trong đó, có 57.194 hành khách đi và khách đến là 62.535 khách. Riêng Nhà ga T3 mới được đưa vào khai thác sẽ đón 51 chuyến bay với 11.537 hành khách,” đại diện Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất thông tin thêm./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ngay-cuoi-nghi-le-cua-ngo-thong-thoang-ben-xe-ha-noi-khong-dong-khach-post1036509.vnp