Ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp: Người dân ngỡ ngàng vì thủ tục nhanh, thuận tiện

Ngày 1/7 là một dấu mốc lịch sử của cả nước khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chưa có tiền lệ chính thức vận hành đồng loạt tại 34 tỉnh, thành phố.

Theo ghi nhận của PV Xây dựng, ngay ngày đầu tiên đi vào hoạt động, bộ máy hành chính tại nhiều địa phương đã giải quyết thủ tục cho người dân rất nhanh gọn, nhiều thủ tục được hướng dẫn làm trực tuyến.

Thủ tục đơn giản, nhiều tiện ích mới

Sáng 1/7, chưa đến 7h30, tại phường Cửa Nam, Hà Nội đã rất đông người dân đến làm thủ tục hành chính, chủ yếu liên quan chứng thực giấy tờ, hợp đồng, xác nhận tình trạng nhà đất, tài sản...

Bà Đặng Kim Anh, người dân phường Cửa Nam, Hà Nội bày tỏ hài lòng khi việc giải quyết thủ tục diễn ra nhanh chóng, thuận tiện. Ảnh: Mai Thu.

Bà Đặng Kim Anh, người dân phường Cửa Nam, Hà Nội bày tỏ hài lòng khi việc giải quyết thủ tục diễn ra nhanh chóng, thuận tiện. Ảnh: Mai Thu.

Chỉ sau ít phút đã hoàn thành việc nộp hồ sơ đăng ký đất đai, bà Đặng Kim Anh, người dân phường Cửa Nam bày tỏ: "Trước đây, muốn làm thủ tục, chúng tôi phải đi từ phường lên quận, viết tay rất nhiều loại giấy tờ. Hôm nay, tôi được hướng dẫn đăng ký và kê khai trên hệ thống, vừa đơn giản vừa nhanh chóng. Mô hình chính quyền hai cấp rất thuận tiện cho người dân".

Anh Trần Văn Cường, trú tại phố Nguyễn Văn Cừ, TP Hà Nội dự định ngay trong ngày đầu tiên mô hình chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động, anh sẽ ra phường làm thủ tục xin cấp phép cải tạo xây dựng cho căn nhà gia đình đang sinh sống. Trước đây, thủ tục này do quận Long Biên thực hiện, còn từ ngày 1/7, nhiệm vụ này được phân cấp cho UBND phường Bồ Đề.

Sáng 1/7, trước khi ra UBND phường, anh Cường gọi điện thoại cho "nhân viên AI" hành chính công qua tổng đài 19001009 (bắt đầu hoạt động từ ngày 1/7, phục vụ 24/7).

Trong vòng chưa đầy 2 phút, nhân viên AI hướng dẫn anh đầy đủ từ các giấy tờ phải chuẩn bị; thành phần hồ sơ; trình tự nộp hồ sơ và thời gian nhận kết quả đối với hồ sơ hợp lệ; lệ phí cấp giấy phép…

Đáng nói, nhân viên AI nhắc anh Cường một thông tin quan trọng là từ ngày 9/6, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội đã chính thức triển khai tiếp nhận 100% hồ sơ trực tuyến toàn trình đối với 5 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng tại địa chỉ: ttpvhcc.hanoi.gov.vn.

"Tôi rất bất ngờ. Sau khi nghe nhân viên AI tư vấn xong, tôi quyết định trải nghiệm việc nộp hồ sơ trực tuyến, thay vì ra phường", anh Cường cho biết.

Ngày 30/6, chị Nguyễn Thị Giang, phố Trần Cung đến Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội, Chi nhánh số 6, tại địa chỉ số 1 Vạn Hạnh, Hà Nội làm thủ tục xác nhận về điều kiện nhà ở. Đây là điều cần phải có khi gia đình chị đăng ký mua nhà ở xã hội tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên (từ ngày 1/7 là phường Việt Hưng).

Chị Giang cho biết, theo hướng dẫn của nhân viên tại Trung tâm, chị làm thủ tục nhanh gọn và đã có giấy hẹn trả kết quả vào ngày 14/7. Tuy nhiên, chị cũng tỏ ra tiếc nuối. Nếu làm thủ tục muộn hơn một ngày, chị đã không mất công đi hơn chục cây số làm thủ tục nói trên nữa.

Vượt qua trở ngại ban đầu

Tại Hà Tĩnh, sáng 1/7, ngày đầu tiên triển khai chính quyền mới, các trung tâm phục vụ hành chính công trên địa bàn Hà Tĩnh đã bắt tay ngay vào làm việc. Ghi nhận tại Trung tâm phục vụ Hành chính công xã Lộc Hà, từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã có mặt để thực hiện các thủ tục hành chính, trong đó đông đảo nhất là tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ chuyển đổi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Công dân không còn phải đi xa hay đi lại nhiều lần làm các thủ tục hành chính. Đó là những lợi ích thiết thực khi vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Mai Thu.

Công dân không còn phải đi xa hay đi lại nhiều lần làm các thủ tục hành chính. Đó là những lợi ích thiết thực khi vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Mai Thu.

Chị Nguyễn Thị Hoài Thương (xã Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: "Tôi cùng chồng đến làm thủ tục chuyển đổi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu trước đây phải đi lại nhiều lần giữa các cơ quan cấp huyện thì giờ có thể làm ngay tại xã, vừa nhanh, vừa được hướng dẫn tận tình".

Theo ông Trần Công Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Hành chính công xã Lộc Hà, do hệ thống phân cấp, phân quyền tài khoản trên cổng dịch vụ công trực tuyến chưa hoàn thiện nên còn bị lỗi, việc tiếp nhận một số hồ sơ còn gặp trở ngại.

Ngoài ra, phần lớn cán bộ được điều chuyển từ các xã sau sáp nhập, hiện vẫn đang trong quá trình làm quen với quy trình và phần mềm mới, nên đôi khi còn lúng túng.

Tương tự, đại diện UBND phường Cẩm Thành, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nhiệm vụ cấp phép xây dựng là nhiệm vụ thường xuyên của cấp huyện, thành phố trước đây. Nhưng với chính quyền cấp xã sau sáp nhập, đây là nhiệm vụ rất mới.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, UBND phường giao cho phòng chuyên môn xây dựng, công khai, niêm yết ngay bộ thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng (sau khi có các quy định hướng dẫn của cấp trên).

"Chúng tôi đề xuất cơ quan chuyên môn là Sở Xây dựng tổ chức tập huấn để hướng dẫn chi tiết cụ thể về chuyên môn để đáp ứng nhiệm vụ mới và có sự thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh", vị này đề xuất.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Châu, Chủ tịch UBND phường Bình Hòa, TP.HCM, nhằm đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, phường sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, công chức.

Rà soát quy trình, duy trì hiệu quả xử lý thủ tục

Những ngày qua, Phòng Quản lý vận tải và phương tiện người lái cùng nhiều phòng chuyên môn khác thuộc Sở Xây dựng Quảng Ngãi đã cấp tập triển khai nhiều hạng mục công việc để quy trình giải quyết thủ tục không bị gián đoạn sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh (sáp nhập với tỉnh Kon Tum), vận hành bộ máy mới.

Để công tác giải quyết hồ sơ trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến vận tải đường bộ không bị gián đoạn khi tỉnh Quảng Ngãi mới đi vào hoạt động, phòng đã tham mưu Giám đốc Sở phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Xây dựng) rà soát điều chỉnh phạm vi khai thác dữ liệu của các cán bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc Sở Xây dựng mới.

Đại diện Phòng Quản lý vận tải và phương tiện người lái Quảng Ngãi cũng chia sẻ, một trong những thách thức lớn là thời gian, triển khai các quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng còn rất mới (chưa tới 15 ngày làm việc), cán bộ, công chức chưa được tập huấn, đào tạo để thực hiện các nghiệp vụ mới.

Vì thế, việc tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn cụ thể từ cấp có thẩm quyền là điều cần thiết ở thời điểm này.

Tại tỉnh Gia Lai, ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thời gian chuẩn bị để triển khai thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp diễn ra trong thời gian ngắn nên một số nội dung phân cấp, phân quyền tương đối mới đối với cấp xã.

Tại một số xã vùng sâu, vùng xa, các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin vẫn hạn chế, ảnh hưởng ít nhiều đến việc thực hiện các nhiệm vụ.

Nhiệm vụ cấp xã nặng hơn

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, kể từ ngày 1/7, TP.HCM có 244 thủ tục hành chính về các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng.

Trong đó, nhiều thủ tục hành chính nhất là lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa với 78 thủ tục. Ngược lại, 3 lĩnh vực chỉ có 1 thủ tục hành chính là vật liệu xây dựng, hải quan, hạ tầng kỹ thuật.

Lĩnh vực có nhiều thủ tục hành chính tiếp theo là đường bộ với 53 thủ tục; lĩnh vực hoạt động xây dựng 22 thủ tục; lĩnh vực nhà ở 19 thủ tục; lĩnh vực đường sắt 16 thủ tục; lĩnh vực đăng kiểm 14 thủ tục; lĩnh vực kinh doanh bất động sản 10 thủ tục; còn lại các lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, giám định tư pháp, thí nghiệm chuyên ngành, quản lý chất lượng công trình xây dựng… từ 2 - 6 thủ tục.

Trong 244 thủ tục có 32 thủ tục được thực hiện ở cấp xã, còn lại ở các cơ sở của Sở Xây dựng và Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP hoặc các đơn vị chuyên môn khác.

Tại Hà Nội, ông Hoàng Ngọc Thắng, Phó trưởng Phòng Quản lý kỹ thuật và giám định chất lượng, Sở Xây dựng cho biết, hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã triển khai thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng theo quyết định ủy quyền của thành phố và theo quy trình của Trung tâm Phục vụ Hành chính công phê duyệt, chưa có vướng mắc gì lớn.

Hiện nay, trong số 22 thủ tục của lĩnh vực xây dựng, có 8 thủ tục được phân cấp về cấp xã, phường xử lý liên quan tới giấy phép xây dựng đối với công trình cấp 3, cấp 4 và nhà ở riêng lẻ. Các thủ tục này thực hiện trong thời gian từ 5 - 20 ngày tại trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã.

Bà Lê Thị Kim Huệ, Chủ tịch UBND phường Kim Liên, TP Hà Nội cho biết, sau khi mô hình chính quyền hai cấp chính thức đi vào hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của UBND phường, xã tăng lên.

Trong số những chức năng mới của UBND xã, phường có quản lý hoạt động xây dựng, hồ sơ địa chính… Một trong những chức năng được người dân và doanh nghiệp quan tâm là công tác cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp 3, cấp 4, nhà ở riêng lẻ.

Về hành lang pháp lý, các đồ án quy hoạch phân khu chức năng cơ bản đã được phê duyệt, công bố. Đây là căn cứ quan trọng, cùng với quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, để các bộ phận chuyên môn căn cứ và đối chiếu để chính quyền cấp giấy phép xây dựng nhanh chóng, công khai, minh bạch.

Ngoài ra, UBND cấp xã có thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ trong việc kiểm định, lập quy hoạch và xin ý kiến cộng đồng dân cư về cải tạo, xây dựng lại nhà tập thể, chung cư cũ; công tác kiểm tra chất lượng nghiệm thu công trình xây dựng…

"Bộ Xây dựng đã ban hành danh mục thủ tục hành chính cấp xã trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần sớm triển khai số hóa các đồ án quy hoạch, hồ sơ địa chính bàn giao về chính quyền địa phương; tổ chức tập huấn nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ", bà Huệ kiến nghị.

Nhóm phóng viên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ngay-dau-van-hanh-chinh-quyen-2-cap-nguoi-dan-ngo-ngang-vi-thu-tuc-nhanh-thuan-tien-192250701234314687.htm