Diện mạo phường rộng nhất Hà Nội sau sáp nhập
Phường Hồng Hà được hình thành từ việc sáp nhập toàn bộ hoặc một phần diện tích nhiều khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc 5 quận, diện tích lên đến 16 km2.

Hà Nội thành lập phường Hồng Hà trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường Phúc Tân, Chương Dương (thuộc quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (thuộc quận Ba Đình) và phần lớn diện tích tự nhiên cùng dân số của các phường Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (thuộc quận Tây Hồ), Thanh Lương, Bạch Đằng (thuộc quận Hai Bà Trưng).

Bản đồ phường Hồng Hà tỷ lệ 1: 15000. Ảnh: UBND quận Hoàn Kiếm.

Sau sắp xếp, phường Hồng Hà có diện tích hơn 16 km², trải dài từ cầu Nhật Tân qua cầu Vĩnh Tuy, địa bàn này sẽ có dân số đông nhất với khoảng 126.000 người, đông nhất trong 126 xã, phường của TP. Hà Nội sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Trụ sở của HĐND, UBND phường Hồng Hà sau sắp xếp đặt tại trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) hiện nay, tại địa chỉ số 30 phố Tứ Liên. Các đơn vị hành chính Hồng Hà sẽ có các trụ sở nằm tại các phường Nhật Tân, Tứ Liên (quận Tây Hồ) và Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) hiện nay.

Trục giao thông chính trên địa bàn phường Hồng Hà là tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm. Tuyến đường có thiết kế mặt cắt ngang từ 26,5-31 m. Mặt đường chính rộng 16,5-21 m, thiết kế 4-6 làn xe.

Tuyến đường giúp bảo đảm giao thông kết nối trung tâm Hà Nội với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đồng thời nâng cao năng lực phòng chống lũ của tuyến đê Hữu Hồng, bảo vệ thủ đô.




Phường Hồng Hà mới có 4 cây cầu gồm cầu Nhật Tân, cầu Long Biên, cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy. Đây đều là những cây cầu huyết mạch của thủ đô, giúp kết nối giao thông hai bờ sông Hồng.

Điểm đầu của phường Hồng Hà mới sau sắp xếp nằm tại cầu Nhật Tân (quận Tây Hồ), điểm nhấn là vườn đào Nhật Tân có diện tích 57 ha với khoảng 800 hộ dân gắn bó với nghề trồng đào.

Vườn đào Nhật Tân nổi tiếng với các giống đào được nuôi trồng kỳ công như đào bông tự, đào ta, đào thế, đào bích... thu hút đông đảo khách hàng tới mua sắm mỗi dịp Tết đến. Trước đây, 12 phường khu vực ngoài sông Hồng chịu sự quản lý của 5 quận khác nhau trên cơ sở phân chia địa giới hành chính. Do vậy, sau khi được sáp nhập thành phường Hồng Hà và chịu sự quản lý của một đơn vị hành chính, sẽ tạo thuận lợi cho người dân, cho công tác quản lý điều hành và khai thác triệt để nguồn tài nguyên vốn có để phát triển khu đô thị ven sông này.

Khu dân cư phía sau chợ Long Biên (phường Phúc Xá, Ba Đình) hiện là nơi ở của hàng chục hộ dân ngụ cư. Nhiều năm nay, người dân tại đây phải sinh hoạt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, bao quanh bởi rác thải.

Cỏ dại um tùm, rác thải ngổn ngang và cả những công trình tạm vẫn đang lấn chiếm, khiến khu vực ngoài bãi sông Hồng nhếch nhác, mất mỹ quan. Trong thời gian sắp tới, sau khi sáp nhập, khu vực sông Hồng sẽ thuộc quyền quản lý của phường Hồng Hà, nhiều người dân kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành một đô thị ven sông đáng sống, thu hút du khách, cũng như phát triển được tiềm năng kinh tế của địa bàn.

Những năm gần đây, người dân và chính quyền các phường Phúc Xá, Chương Dương đã nỗ lực chung tay dọn dẹp vệ sinh môi trường, cải tạo đất... quyết tâm biến khu vực bờ và bãi bồi sông Hồng thành điểm sáng về bảo vệ môi trường và nâng cao tiềm năng du lịch nơi đây.




Hàng loạt công trình được cải tạo từ khu đất hoang phế và ngập ngụa rác thải như "bến hoa Phúc Xá", "công viên rừng Chương Dương", "công viên Phúc Tân"... đang dần cải tạo môi trường bãi bồi sông Hồng, tạo sự gắn kết cho cộng đồng người dân nơi đây và thu hút khách du lịch. Có nơi còn trở thành điểm check-in "gây sốt" mạng xã hội.

Chợ Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) hiện nay có diện tích 2,75 ha, thiết kế tối đa 3 tầng cao, quy mô chợ cấp 2. Đây là chợ đầu mối hoa quả, nông sản, thực phẩm lớn nhất Hà Nội. Trước nhu cầu giao thương, buôn bán ngày càng gia tăng, không gian chợ Long Biên và bên ngoài đường Hồng Hà trở nên chật chội, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm giao thương, tình trạng ùn tắc càng trở nên trầm trọng.

Chợ hoa Quảng An nằm ở phường Quảng An, quận Tây Hồ hiện nay là nơi tập hợp hàng trăm loài hoa tươi, phân phối cho các tiểu thương trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Trong năm 2024, Sở Du lịch Hà Nội đã tiến hành khảo sát các quận, huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng sản phẩm du lịch đêm của thành phố, trong đó có chợ hoa Quảng An. Nơi đây vốn nổi tiếng từ lâu và là địa điểm ưa thích của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tới khám phá, chụp ảnh.

Phường Hồng Hà mới có ranh giới phía Đông giáp sông Hồng, phía Tây giáp các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, phía Nam giáp cầu Vĩnh Tuy và phía Bắc giáp cầu Nhật Tân.
Nguồn Znews: https://znews.vn/dien-mao-phuong-rong-nhat-ha-noi-sau-sap-nhap-post1562849.html