Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11): 'Nguồn vốn' phát triển tương lai bền vững
Với bản sắc được tạo dựng trong hơn 4.000 năm lịch sử, di sản văn hóa chính là tài sản vô giá.
Văn hóa không chỉ là nền tảng sống còn, là thương hiệu, căn cước xác lập vị thế của một quốc gia, mà còn là “nguồn vốn” thúc đẩy phát triển tương lai bền vững.
Tài sản giàu có, vô giá từ di sản
Xác định “nguồn vốn” vô tận, di sản văn hóa chính là bệ phóng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đưa Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới theo phương châm chủ đề Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024. Với bản sắc được tạo dựng trong hơn 4.000 năm lịch sử, di sản văn hóa chính là tài sản vô giá và là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Với chủ đề “Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình”, tại Lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024 diễn ra mới đây tại Hà Nội, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL nhấn mạnh, giá trị văn hóa là tài sản vô giá của quốc gia, góp phần làm nên sự phong phú, thống nhất trong đa dạng.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, giá trị văn hóa truyền thống tạo nên sức mạnh kết nối, là một trong những trụ cột quan trọng để xây dựng đất nước phát triển bền vững.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định tầm quan trọng của văn hóa và phát huy vai trò của văn hóa trong điều kiện mới: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển”.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, hiện cả nước đã xếp hạng hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.621 di tích quốc gia, 130 di tích quốc gia đặc biệt, trên tổng số hơn 40.000 di tích, khoảng 7.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó có 534 di sản đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhiều di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh, gồm 9 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể; 9 di sản tư liệu, trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Từ một vài bảo tàng được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, hiện nay hệ thống bảo tàng Việt Nam gồm 127 bảo tàng công lập, 70 bảo tàng ngoài công lập, bảo quản trên 4 triệu hiện vật. Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có 294 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hóa ngày càng được mở rộng, nâng tầm uy tín Việt Nam với cộng đồng quốc tế, như: Công ước năm 1970 về các biện pháp ngăn chặn xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa; Công ước năm 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Công ước năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và Chương trình Ký ức thế giới…
“Chúng ta có quyền tự hào về kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc và tự hào về những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Đó là nguồn động viên to lớn và giúp chúng ta càng thêm yêu và trách nhiệm với di sản văn hóa dân tộc”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho biết.
Bảo tồn không phải “cất đi, giấu kỹ”
Kho tàng di sản văn hóa không những tạo nên sự đa dạng, phong phú và bản sắc của nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mà còn là nhân tố, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Trên phương diện phát triển kinh tế - xã hội, nhiều di sản văn hóa đã trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo, góp phần định vị thương hiệu quốc gia trong thời kỳ hội nhập, đưa hình ảnh Việt Nam lan tỏa rộng rãi hơn đối với bạn bè quốc tế.
Theo số liệu 5 năm (2016 - 2020), tổng số lượng khách du lịch tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 là 14,3 triệu khách, năm 2019 tăng lên khoảng 18,2 triệu khách. Tổng doanh thu từ bán vé tham quan, dịch vụ tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 khoảng 1.776 tỷ đồng, năm 2019 đạt khoảng 2.322 tỷ đồng.
Quần thể danh thắng Tràng An, sau 5 năm được UNESCO ghi danh đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách/năm; Quần thể di tích Cố đô Huế đạt 4,8 triệu lượt khách/năm; Di sản Vịnh Hạ Long nằm trong top 10 kỳ quan hút khách nhất thế giới với 2,6 triệu lượt khách tham quan mỗi năm…
Từng có thời gian, nhiều người sai lầm trong nhận định giữa bảo tồn di sản và phát triển văn hóa. Cho rằng, bảo tồn là phải giữ kín, không được “khoe”, bảo tồn cần tách bạch với kinh tế. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, thực tiễn đã chứng minh quan niệm ấy là sai lầm.
“Chúng ta phát huy giá trị di sản thế nào nếu khư khư giữ kín? Chúng ta sẽ bảo tồn thế nào nếu không có cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như nguồn đầu tư cần thiết do phát triển kinh tế - xã hội đưa lại? Do đó, phải coi việc bảo tồn di sản văn hóa là vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cũng là nhu cầu tự thân của ngành di sản văn hóa”, PGS.TS Đặng Văn Bài cho hay.
Bởi vậy, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển kinh tế từ di sản văn hóa có ý nghĩa khăng khít, đặc biệt khi Đảng và Nhà nước xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên đặc trưng và nguồn vốn từ di sản văn hóa Việt Nam.
Di sản văn hóa không chỉ là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mà còn có giá trị tinh thần lớn lao, góp phần xây dựng môi trường xã hội Việt Nam lành mạnh, văn minh để vươn mình trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, cách đây 79 năm, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL “về bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam”, khẳng định những luận điểm hết sức cơ bản, đặt nền móng và là kim chỉ nam xuyên suốt cho sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa nước nhà. Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử này, ngày 24/2/2005, Thủ tướng đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản văn hóa Việt Nam”.