Ngày hội khoe sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định

Định kỳ 2 năm 1 lần, Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định luân phiên tổ chức tại các huyện có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Tại ngày hội, đồng bào có cơ hội giao lưu văn hóa; các nghệ nhân, diễn viên trổ tài trình diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm và thi đấu các môn thể thao truyền thống.

Ngày hội góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030.

Đây là tiếng đàn T'rưng của Đoàn văn hóa nghệ thuật huyện Hoài Ân trình diễn tại Ngày hội hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ XVII.

Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ XVII.

Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ XVII.

Người đánh đàn là nghệ nhân Đinh Văn Nhen, 65 tuổi, dân tộc Ba Na, ở xã Bok Tới, huyện Hoài Ân. Ông Nhen đã tiếp nối, giữ gìn cách làm đàn T'rưng hơn 4 thập kỷ qua và ông đã đi nhiều nơi học cách kết hợp giữa đàn T'rưng với các nhạc cụ khác của người Ba Na. Đàn T’rưng của đồng bào Ba Na ở xã Bok Tới, huyện Hoài Ân được làm từ cây Nhơn gồm 16 ống tương đương với 16 âm thanh khác nhau.

Ông Đinh Văn Nhen rất vui khi được tham gia giao lưu, trình diễn nhạc cụ của dân tộc mình tại ngày hội này: “Ngày xưa chỉ hòa tấu đàn Plơng Khơng với đàn T’rưng, còn bữa nay có nhiều loại nhạc cụ nữa. Mình đi học hỏi nhiều nơi để tìm cách hòa tấu mới hơn. Trước đây, đàn Plơng Khơng thường được đồng bào Ba Na đánh trên các rẫy để đuổi chim bảo vệ mùa màng. Trong lễ hội này, đàn T'rưng và đàn Plơng Khơng các loại nhạc cụ để hát, múa giữa làng này với làng khác và giữ lại nét đẹp truyền thống của dân tộc mình”.

Nghệ nhân Đinh Văn Nhen (65 tuổi), người Ba Na ở xã Bok Tới, huyện Hoài Ân đánh đàn T'rưng.

Nghệ nhân Đinh Văn Nhen (65 tuổi), người Ba Na ở xã Bok Tới, huyện Hoài Ân đánh đàn T'rưng.

Đánh cồng chiêng

Đánh cồng chiêng

Tham gia Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ XVII, đoàn văn hóa thể thao Ba Na Kriêm huyện Vĩnh Thạnh có hơn 70 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên. Đa số nghệ nhân, diễn viên, vận động viên có tuổi đời rất trẻ, dưới 30 tuổi chiếm hơn một nửa. Đoàn Vĩnh Thạnh giới thiệu lễ hội dân gian có tên là “Lễ trùng tên” với mong ước những bản làng, người dân trong làng trùng tên nhau sẽ kết nghĩa, gắn bó, đoàn kết với nhau.

Bà Võ Thị Hồng Liên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa -Thông tin, Thể thao huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Lễ trùng tên nhau, lễ này mới so với đợt trước cùng tham gia trong ngày hội. Trung tên nhau ở các làng khác nhau thì mình có thể làm lễ kết nghĩa để nhận diện giống như anh em ruột thịt trong một gia đình. Cái này cũng có từ trước đến giờ rồi nhưng mà mình không có xây dựng các nội dung tham gia trong ngày hội của mình. Tại trong mỗi đợt ngày hội mình chọn một trong các lễ chớ không phải là lễ mới có từ hồi giờ trong dân gian”.

Không gian bếp của đồng bào miền núi Bình Định.

Không gian bếp của đồng bào miền núi Bình Định.

Người dân vùng núi Bình Định sàng lúa để làm cơm mới.

Người dân vùng núi Bình Định sàng lúa để làm cơm mới.

Đồng bào Chăm H’roi ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định có truyền thống văn hóa hình thành từ lâu đời, trong đó có ẩm thực, âm nhạc và trang phục. Tại ngày hội, đàn ông Chăm H’roi mặc quần màu trắng kết hợp với áo gom màu đen, tay ngắn, xẻ nách hai bên, có hoặc không có cúc, cột hai dây màu đỏ trước và sau ngực. Từ đường chỉ đỏ cột vào những sợi dây cườm màu xanh, đỏ, trắng thả xuống gấu áo và mỗi dây cột một đồng xu. Trong khi đó, cô gái Chăm H’roi mặc trong lễ hội là tấm vải thô, trắng trơn, dài ngang gối, không trang trí hoa văn, cổ tròn, tay dài, có hoặc không có khuy cài cúc theo kiểu chui đầu. Dây thắt lưng bắt chéo qua vai được trang trí nhiều họa tiết hoa văn đặc sắc, màu chủ đạo luôn là đỏ tươi và vàng óng. Những trang phục này đã cùng trang phục, âm nhạc, ẩm thực của các dân tộc anh em tạo nên sắc thái riêng của ngày hội.

Năm nay, huyện miền núi Vân Canh đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ XVII. Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, huyện Vân Canh mua sắm các loại nhạc cụ và bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến nay, 28/28 làng/khu phố người đồng bào dân tộc thiểu số, trường nội trú dân tộc huyện, 2 trường bán trú được trang bị bộ cồng chiêng. Mỗi làng, khu phố, đơn vị trường học đều thành lập các Câu lạc bộ cồng chiêng. Huyện xây dựng tổ hợp tác làng dệt thổ cẩm Hà Văn Trên, tổ chức nhiều lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào; tổ chức các lớp học tiếng nói, chữ viết Chăm H’roi cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng bào Ba Na tỉnh Bình Định thu hoạch lúa để làm cơm mới.

Đồng bào Ba Na tỉnh Bình Định thu hoạch lúa để làm cơm mới.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định cho biết, huyện quan tâm giữ gìn nghệ thuật cồng chiêng, múa xoang và hỗ trợ bảo tồn Trống kơ toang, lễ hội cầu mưa, cúng đổ đầu, lễ mừng lúa mới, lễ cưới truyền thống: “Nhân các dịp Ngày đại đoàn kết toàn dân, các dịp khác thì tổ chức các hoạt động, trong đó có cồng chiêng. Huyện tổ chức phục dựng lại một số lễ hội của đồng bào, đặc biệt trong đó có giới trẻ tham gia, hiểu biết được các văn hóa truyền thống của đồng bào mình và duy trì thực hiện tốt hơn”.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 giúp khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện miền núi tỉnh Bình Định. Đây được kỳ vọng là lực đẩy để giúp các địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, tỉnh luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số: “Triển khai nhiều hoạt động, chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Tỉnh triển khai Kế hoạch thực hiện “Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/ngay-hoi-khoe-sac-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-tinh-binh-dinh-post1100094.vov