Ngày hội non sông của những công dân mới

Sau nhiều năm triển khai khảo sát, hoàn tất các thủ tục pháp lý và thẩm định hồ sơ của hàng nghìn người, trong năm 2019, lần lượt các tỉnh từ Điện Biên đến Kon Tum đã tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với người di dân tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào. Niềm vui đối với các công dân này như được nhân lên gấp bội khi từ nay họ chính thức có quyền công dân, được sinh sống và lao động, sản xuất một cách 'danh chính ngôn thuận' với gia đình, làng bản. Vui hơn cả là giờ đây, họ đã được đại diện cho chính mình, cầm lá phiếu bầu người đại biểu của nhân dân tại nghị trường Quốc hội và HĐND các cấp.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cho công dân đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam đang sinh sống tại địa bàn biên giới huyện Mường Lát và Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: CTV

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cho công dân đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam đang sinh sống tại địa bàn biên giới huyện Mường Lát và Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: CTV

Kỳ 1: Từ hôm nay tôi là người Việt Nam

Những ngày đầu tháng 5, khi gió Lào sầm sập phả đến xơ xác những triền rừng biên giới, chúng tôi theo chân những người lính Biên phòng Kon Tum đến tuyên truyền, vận động về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tại huyện Ngọc Hồi và huyện Đắk Glei. Cờ sao rạng rỡ, tiếng loa phát thanh di động bằng tiếng Việt và ngôn ngữ bản địa vang vang trên những con đường trong các buôn làng. Giai điệu của ca khúc "Ngày hội non sông" rộn ràng: "Vì độc lập tự do, vì Tổ quốc mạnh giàu/ Chúng ta đi bầu chọn người có tài, có đức/ Đem hết sức mình để phục vụ nhân dân" theo bước chân lên rẫy của trai gái Gia Rai, Ba Na, Brâu nơi ngã ba biên giới.

Vui nhất có lẽ là 53 người thuộc diện di dân tự do từ Lào sang sinh sống và kết hôn không giá thú với người Việt Nam, sống định cư lâu dài tại 2 huyện biên giới này chính thức được nhập quốc tịch từ năm 2019. Không giấu được niềm vui khi được nhận quyết định, anh Say Xạ Nạ, sinh năm 1979 tại Lào, hiện trú tại thôn Đắk Ôn, xã Đắk Long, huyện Đắk Glei đã bày tỏ lòng cảm ơn vì sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam cùng chính quyền địa phương đã hỗ trợ làm các thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho anh được nhập quốc tịch Việt Nam. “Từ nay tôi là người Việt Nam rồi, tôi sẽ đàng hoàng tham dự các hoạt động cộng đồng của buôn làng mà không cần phải e dè, mặc cảm nữa” - Say Xạ Nạ phấn khởi nói.

Đến thăm gia đình chị Y Nghin, sinh năm 1970 tại Lào, hiện làm dâu tại thôn Đắk Ba, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, chúng tôi thấy chị đang ngồi bên hiên nhà miệt mài se sợi. Gương mặt chị sáng bừng khi nhắc đến việc mình vừa được cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Kon Tum hướng dẫn làm thẻ căn cước công dân có ảnh và dấu vân tay của mình. Chị chia sẻ rằng, sau khi được nhập quốc tịch, đời sống của bà con người Lào ở Đắk Dục đã có nhiều thay đổi. Gia đình chị cũng như bà con khác được cấp đất, có thẻ bảo hiểm y tế, được quan tâm và hưởng nhiều chế độ, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Chỉ khung dệt đang gần hoàn thiện, màu sắc của những sợi vải đan quyện vào nhau thành những hoa văn sặc sỡ, Y Nghin bảo, chị chuẩn bị trang phục dân tộc để mình và con trai đi bầu cử vào ngày 23-5 tới đây. "20 năm sang Việt Nam làm dâu, tôi và con cứ buồn rầu, lầm lũi như con thú hoang trên rừng, lúc nào cũng thấp thỏm sợ bị đuổi về Lào, phải chia cắt gia đình. Tôi cũng chưa được đi bầu cử lần nào, nhưng năm nay, nhân dân ở đây rất phấn khởi và tự hào vì được nhập quốc tịch và cũng là lần đầu tiên cả thôn được đi bầu cử. Chúng tôi sẽ lựa chọn các cán bộ có năng lực để làm việc cho nhân dân, hướng dẫn nhân dân lao động, sản xuất để phát triển cuộc sống".

Cũng trong năm 2019, theo Quyết định số 1373/QĐ-CTN ngày 14-8-2019 của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam, 44 người Lào cư trú trên địa bàn huyện Mường Lát và 7 người cư trú tại huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng chính thức được nhập quốc tịch.Thượng tá Đỗ Ngọc Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn giới thiệu cho chúng tôi cặp vợ chồng đã có tuổi, hiện đang sống ở bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát. Đó là ông Lam Phon, sinh năm 1959 bén duyên với bà Hà Thị Thiên, sinh năm 1955 kể từ năm 1994. Như những cặp vợ chồng khác, ngày ngày, bà đi làm nương, buôn bán nhỏ, còn ông làm nghề hàn xì nông cụ, khung sắt thép cho người dân trong vùng. Thấm thoát đã 25 năm chung sống, sinh con đẻ cái, cần cù làm ăn trên đất Việt, ông Lam Phon đã coi mình là cư dân lâu năm ở Mường Lát.

Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, được ký tại Hà Nội, ngày 8-7-2013. Người Lào nếu có nguyện vọng và có đủ các điều kiện sau đây thì được xem xét giải quyết cho nhập quốc tịch Việt Nam: Tự nguyện có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam; tự nguyện tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; không vi phạm pháp luật hình sự; có cuộc sống ổn định, có nhà cửa tài sản cố định, có đất canh tác tại nơi đang cư trú; không phải là người đang bị truy nã hoặc đang phải thi hành án theo quy định của pháp luật Việt Nam; có tên gọi Việt Nam.

Cho chúng tôi xem đăng ký kết hôn còn thơm mùi giấy mực, ông Lam Phon bảo: “Cái giấy này xác nhận tôi chính thức được là công dân Việt Nam mang tên Hà Văn Mồn, là chồng hợp pháp của bà Hà Thị Thiên. Có cái giấy này, bà nhà tôi mỗi khi cúng ma cho tổ tiên bên Lào cũng không còn e ngại bởi luật tục nữa. Con trai chúng tôi cũng vui khi bố mẹ đã là “vợ chồng hợp pháp”. Huyện đã hỗ trợ cho chúng tôi có đất sản xuất, có con giống để lập đàn, chúng tôi yên tâm hưởng tuổi già rồi”.

Vui đến chảy nước mắt, ngày nào cũng mang Quyết định của Chủ tịch nước ra ngắm là cảm xúc của bà Kăn Ping, sinh năm 1945 tại Lào, hiện cư trú ở thôn A Bung, xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau mấy chục năm chờ đợi, người phụ nữ đã sống qua hơn 80 mùa măng rừng Trường Sơn đã thỏa tâm nguyện được là người Việt Nam, từ nay, con cháu bà sẽ có giấy khai sinh, làm được hộ khẩu, căn cước công dân để yên tâm sinh sống trên quê hương mới. Kăn Pinh nói tiếng Việt chưa sõi, nên đành nhờ người cháu dịch từ tiếng Pa Cô cho chúng tôi hay, bà già rồi, sức khỏe cũng yếu, nhưng quyết tâm bảo con cháu chở ra khu vực bầu cử để bỏ phiếu, để một lần được đại diện cho chính mình thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.

Là người được thay mặt cho Nhà nước trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho người dân, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, những năm trước đây, khi chưa được nhập quốc tịch Việt Nam, về mặt pháp lý, họ và con cháu của họ chưa được xác định tư cách công dân một cách đầy đủ. Thực trạng này không những làm cho cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, mà còn làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong việc quản lý dân cư tại địa phương, đảm bảo an ninh biên giới giữa hai nước. Với sự tích cực của các cấp, các ngành, hiện số công dân thuộc đối tượng kể trên được nhập quốc tịch Việt Nam cơ bản đã gần hết. Nhờ đó, đã mang lại nhiều thay đổi đáng kể đối với nhân thân, cuộc sống của họ cũng như địa bàn nơi họ cư trú.

Kỳ 2: Biên cương vui ngày hội lớn

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ngay-hoi-non-song-cua-nhung-cong-dan-moi-post439783.html