Quốc hội tranh luận sôi nổi về dạy thêm, học thêm
Tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 6.5, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Nhà giáo. Trong đó, vấn đề dạy thêm, học thêm đã trở thành chủ đề nhận được nhiều đóng góp thẳng thắn từ các đại biểu.
Có cần thiết phải học thêm?
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) ủng hộ tinh thần dự thảo luật nhằm nâng cao vị thế và quyền lợi của nhà giáo. Tuy nhiên, bà đặc biệt lưu ý đến nội dung liên quan đến dạy thêm, học thêm ngoài giờ chính khóa.

Toàn cảnh phiên họp
Theo bà Ngọc, việc đưa quy định cụ thể vào Điều 7 của dự thảo nhằm phân biệt rõ giữa dạy chính khóa và dạy thêm sẽ giúp tăng tính minh bạch, gắn với đạo đức nghề nghiệp. Song, bà cũng cảnh báo nguy cơ chồng chéo pháp lý khi nội dung này đã được quy định tại Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm – học thêm.
“Nếu đưa điều khoản này vào luật, không chỉ mâu thuẫn với các văn bản hiện hành mà còn có thể khiến định hướng nghề nghiệp của nhà giáo bị lệch chuẩn,” bà nói.
Đại biểu Ngọc đề xuất bổ sung quy định cụ thể về hoạt động dạy học ngoài giờ như: “bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, dạy học bổ trợ... khi đảm bảo đúng mục tiêu giáo dục, không vụ lợi, đúng pháp luật” – xem như một phần nghề nghiệp chính đáng của giáo viên.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu một vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm: Liệu học sinh có thực sự cần học thêm nếu chương trình giáo dục đủ hợp lý?
“Tại sao học sinh phải học thêm nếu chương trình và phương pháp giảng dạy trên lớp đã đủ để các em hiểu bài?” – ông đặt câu hỏi. Từ đó, ông đề nghị Bộ Giáo dục cần rà soát lại chương trình và lượng kiến thức hiện hành để đảm bảo sự phù hợp, tránh gây áp lực học tập không cần thiết.

Đại biểu Tô Văn Tám góp ý cho dự thảo Luật
Đại biểu Tám cũng bày tỏ lo ngại rằng quy định "cấm ép buộc học thêm dưới mọi hình thức" trong dự thảo luật có thể bị hiểu ngầm là cho phép dạy thêm hợp pháp – một vấn đề dễ gây tranh cãi nếu không được làm rõ.
Học thêm, nhu cầu xã hội hay hệ quả tiêu cực?
Từ góc nhìn khác, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giáo viên trong vấn đề học thêm. Theo bà, nhiều học sinh và phụ huynh chủ động tìm đến các lớp học thêm như một nhu cầu chính đáng để nâng cao kiến thức – từ học tiếng Anh, nhạc, mỹ thuật đến các môn văn hóa.
“Học thêm không hoàn toàn do giáo viên ép buộc. Chúng ta là phụ huynh cũng thấy con em mình tự nguyện học thêm để phát triển toàn diện,” bà phát biểu.
Bà Thu cho rằng nếu giáo viên có năng lực và mong muốn tăng thu nhập sau giờ dạy chính khóa thì đó là điều cần được tôn trọng, miễn sao không ép buộc và không trục lợi.

Đại biểu Trần Khánh Thu trong phiên thảo luận ngày 6.5
Tuy vậy, đại biểu cũng đề xuất siết chặt quản lý, chuyển hoạt động dạy thêm thành loại hình dịch vụ chính thống, công khai, hạn chế tiêu cực. Đặc biệt, nên sửa đổi quy định trong dự thảo luật từ “ép buộc học thêm dưới mọi hình thức” thành “cấm dạy thêm trái quy định của pháp luật” để sát thực tế hơn.
Theo bà Thu, việc hạn chế học thêm nhiều năm qua không đạt hiệu quả do không xử lý được căn nguyên áp lực từ chương trình học. Học sinh – đặc biệt bậc tiểu học – vẫn phải học thêm do chương trình nặng, trong khi giáo viên thì bị ràng buộc, thiếu cơ chế để dạy thêm minh bạch.
Từ thực tiễn này, bà đề nghị cần luật hóa việc cấm dạy thêm tự phát, đồng thời giao Chính phủ hoặc Bộ GD-ĐT xây dựng một bộ quy chế riêng, công khai và có tính đặc thù, tránh lạm dụng, lãng phí.
Vấn đề dạy thêm, học thêm đã và đang là thực trạng nhức nhối, đặt ra nhiều thách thức cho ngành giáo dục. Những ý kiến đóng góp tại buổi thảo luận của Quốc hội ngày 6.5 không chỉ thể hiện trách nhiệm lập pháp mà còn gợi mở hướng xây dựng một hành lang pháp lý thực tiễn, công bằng và nhân văn hơn cho nghề giáo.
Luật Nhà giáo sắp tới vì thế cần đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi nhà giáo, nhu cầu học sinh và mục tiêu phát triển bền vững của giáo dục quốc gia.