Ngày mới trên đồng cỏ bàng Phú Mỹ
Những ngày giáp Tết, không khí lao động tại vùng đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) có phần nhộn nhịp hơn vài tháng trước. Tuy nhiên, nghề làm cỏ bàng ở xã Phú Mỹ đang gặp khó khăn.
Chúng tôi bắt đầu hành trình về vùng đồng cỏ bàng ấp Trà Phọt, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành lúc 4 giờ sáng. Trên chiếc xe máy, chúng tôi đi vào con đường bê tông ngoằn ngoèo, lối dẫn vào sâu trong xóm, ấp.
Anh Tiên Đen, người dân sống tại ấp Trà Phọt, đang cùng mấy người bạn nghề thức sớm lựa cỏ bàng. Trời còn tối mịt, mỗi người đội một chiếc đèn pin trên đầu để có ánh sáng làm việc.
Gia đình anh Tiên Đen chỉ có vài công đất ruộng, thu nhập thấp. Anh nói nghề nhổ cỏ bàng bán giúp anh có thêm thu nhập trong những tháng giáp Tết. Hai người con anh, đứa nhỏ học mẫu giáo, đứa lớn học lớp 6 mấy hôm nay đã đòi cha mua quần áo mới.
“Tôi thường đi nhổ cỏ bàng mỗi ngày, trên những cánh đồng cách đây khoảng 10km. Mỗi ngày, tôi nhổ được gần 10 bó cỏ bàng, mỗi bó tươi nặng khoảng 8kg. Sau khi về nhà, tôi phơi và ép cỏ bàng thành sợi dẹp, sau đó mang đi bán. Khoảng 3-4 ngày, tôi sẽ đi bán cỏ bàng một lần, thu nhập khoảng 800.000 đồng. Đây là số tiền lớn của gia đình tôi”, anh Tiên Đen tâm sự.
Anh Tiên Đen nhớ lại mùa cỏ bàng những tháng giáp Tết của năm trước, ấp Trà Phọt có hàng chục hộ dân nhổ cỏ bàng, lựa cỏ bàng trong đêm tối, không khí lao động nhộn nhịp hơn bây giờ. “Chắc do đầu ra cỏ bàng khó khăn, nên nhiều hộ đã chuyển sang nghề khác”, anh Đen nói.
Cách nhà anh Tiên Đen khoảng 5 phút đi xe máy (ấp Trà Phọt), chúng tôi gặp vợ chồng anh Chanh The đang khuân những bó cỏ bàng khô chất lên xe máy. Khi trời sáng, anh Chanh The điều khiển xe chở hàng sang Campuchia và bán cho người dân ở bên kia biên giới.
“Thông thường, tôi mất khoảng nửa ngày để bán hết xe cỏ bàng này với khoảng 80kg, thu nhập gần 1 triệu đồng. Tuy nhiên, để có được số tiền này, tôi và vợ phải làm việc cật lực trong 3-4 ngày cho các công đoạn như nhổ cỏ bàng, phơi, ép cỏ và di chuyển hàng chục kilomet để bán”, anh Chanh The nói.
Cũng theo anh Chanh The, những ngày giáp Tết, anh không quá vội cho những chuyến hàng của mình. Anh nói rằng thu nhập nhiều thì ai cũng thích, nhưng cách làm của anh là thong thả, phải vừa sức, đủ no để anh và vợ còn cảm nhận được niềm vui trong công việc hàng ngày.
5 giờ sáng, quán cháo nhỏ của ông Tiên Ên (70 tuổi), ngụ ấp Trà Phọt, đã sáng đèn để đón những vị khách đầu tiên. Ông Ên nói mình không có thói quen dùng đồng hồ nhưng không bao giờ dậy muộn. Ông và vợ độ chừng giờ thức dậy khi gà vừa gáy sáng.
Đã lớn tuổi, ông Tiên Ên không còn đủ sức để tham gia nghề trên những cánh đồng cỏ bàng. Nhiều năm nay, ông và vợ mở quán bán cháo. Ông cho biết đa số khách là người làm nghề cỏ bàng. Họ thường đi làm sớm, hay vội vàng, nên ít khi tự nấu cơm mang theo.
Ông Danh Lực, 59 tuổi, ngụ ấp Trà Phọt là vị khách đầu tiên của quán cháo nhà ông Tiên Ên. Ông Lực nói mình đến đây để ăn lót dạ trước chuyến băng đồng nhổ cỏ bàng vào sáng sớm. Vài phút sau, thêm mấy người đàn ông trung niên vào quán. Họ khá vội vã, bữa ăn chỉ vỏn vẹn vài phút.
Trước cửa quán, dăm chiếc xe máy của thực khách đậu tạm ven đường, bên trên chất đầy những bó cỏ bàng khô. Ông Danh Lực cho biết đây là những khách mối của quán cháo, họ làm nghề chở cỏ bàng sang Campuchia để bán. Tất cả đều là người dân ở ấp Trà Phọt, mấy mươi năm gắn bó, mưu sinh ở nơi này.
Chia sẻ chuyện nghề với chúng tôi, anh Lý Văn Ken, ngụ ấp Trà Phọt, nói: “Chuyến hàng này tôi chuẩn bị từ mấy ngày trước. Lát nữa, tôi di chuyển đến khu vực biên giới cách đây khoảng 10km, sau đó trình giấy tờ xin qua Campuchia để bán cỏ bàng khô. Người dân bên đó thường mua nguyên liệu cỏ bàng để tự dệt thảm hoặc làm những sản phẩm khác”.
Đối diện bàn ngồi của anh Ken là những đồng nghiệp lâu năm. Họ cũng ăn sáng vội vã, rồi cùng di chuyển sang Campuchia bán cỏ bàng khô.
“Mọi người hay nói vui rằng, quán là điểm họp chợ đầu tiên của những người làm nghề cỏ bàng ở Trà Phọt. Họ không hẹn trước, nhưng vẫn gặp nhau rất tình cờ ở đây. Bữa ăn sáng vội vàng, nhưng là cầu nối để mọi người trở thành thân quen”, ông Tiên Ên nói.
Rời quán cháo, ông Danh Lực xuống xuồng máy chạy men theo tuyến kênh xẻ dọc vào vùng nội đồng Trà Phọt. Đó là khu vực có những cánh đồng cỏ bàng mênh mông, rộng hàng trăm hecta, là vùng nguyên liệu mấy mươi năm nay cho nghề đan cỏ bàng xã Phú Mỹ.
Đồng cỏ bàng rộng lớn này thuộc vùng lõi Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ (huyện Giang Thành), được UBND tỉnh Kiên Giang quyết định thành lập đầu năm 2016. Khi đó, diện tích vùng lõi của khu bảo tồn rộng 1.066ha.
Đến đồng cỏ, ông Lực khá bất ngờ khi quanh đây chỉ có mỗi mình ông làm việc. “Kể chú nghe, dịp giáp Tết năm trước, cánh đồng này mỗi sáng có hàng chục người nhổ cỏ bàng. Không khí lao động như ngày mùa, vui lắm”, ông Lực nói.
Còn bây giờ, ông Lực nói không tìm ra một người bạn đồng hành làm nghề. Sau một ít phút suy tư, lão nông bắt tay vào việc. Động tác nhổ cỏ của ông nhanh nhẹn, dứt khoát, đều tắp trông rất thích mắt.
Chưa đầy 30 phút, ông Lực thu được một bó cỏ bàng to tướng, nặng khoảng 20kg. Với nhịp độ này, ông làm việc đến trưa, khi trời nắng gắt thì ông gom cỏ bàng xuống xuồng chở về nhà.
“Kết thúc một buổi làm việc trên đồng cỏ bàng, tôi thu nhập khoảng 200.000 đồng từ việc bán hết những gì nhổ được. Gia đình tôi có 4 người con. Cũng nhờ đồng cỏ bàng và làm ruộng, tôi có tiền lo cho gia đình, cho các con ăn học. Tròn 10 năm làm nghề, tôi tìm được niềm vui trong những chuyến băng đồng cỏ của mình”, ông Lực tâm sự.
Đến trưa, khi bắt đầu tính đến việc ra về, ông Lực mới gặp được một bạn nghề “thứ thiệt”. Đó là anh Tiên Sang (37 tuổi), ngụ ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang).
Hai người gặp nhau, cười, nói với nhau mấy câu bằng tiếng Khmer. Anh Sang làm nghề trên đồng cỏ bàng Phú Mỹ từ năm 7 tuổi, đến nay đã được 30 năm.
“Cánh đồng này nơi nào cạn hoặc sâu tôi đều biết. Ngày còn bé, tôi theo cha mẹ ra đồng để vui chơi. Dần dà khi thấy mọi người nhổ cỏ bàng, tôi tập làm theo. Thoắt cái đã mấy mươi năm. Khi đủ trưởng thành, tôi chọn nhổ cỏ bàng bán là nghề chính, để lo cho vợ và các con nhỏ của mình”, anh Sang tâm sự.
“Giáp Tết, không khí lao động không nhộn nhịp như những năm trước. Cánh đồng cỏ bàng mênh mông vắng người làm… là dấu hiệu cho thấy nghề làm cỏ bàng ở xã Phú Mỹ đang chững lại. Cái khó hiện nay là đầu ra cho sản phẩm từ cỏ bàng không ổn định, cung vượt cầu nên giá giảm sâu, nhiều khi không bán được”, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Lê Trung Kiên nói về nghề làm cỏ bàng ở xã.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Lê Trung Kiên, nghề này hiện duy trì ở 3 ấp: Trà Phọt, Kinh Mới và Trần Thệ. Trong đó, ấp Trà Phọt có nhiều người làm nghề cỏ bàng nhất, với trên 200 hộ.
“Nghề đan đệm bàng của xã Phú Mỹ được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là nghề truyền thống cấp tỉnh vào năm 2019. Nghề này có từ rất lâu đời, gắn liền với đời sống người dân địa phương, giúp cải thiện thu nhập bên cạnh nghề trồng lúa”, đồng chí Lê Trung Kiên cho biết.
Theo anh Nguyễn Phong Phú - Giám đốc Công ty Thảo Điền Phú Mỹ, đơn vị chuyên thu mua, sản xuất sản phẩm từ cỏ bàng xã Phú Mỹ, thì nghề làm cỏ bàng ở địa phương đang trải qua giai đoạn khó khăn hiếm thấy.
Cụ thể, trong 2 năm trở lại đây, đầu ra sản phẩm cỏ bàng giảm sâu, số đơn hàng chỉ còn khoảng 30% so với trước. Quý I-2024, Công ty Thảo Điền Phú Mỹ ký kết được đơn hàng thu mua 50.000 sản phẩm làm từ cỏ bàng. Đây được xem là sự khởi sắc, tuy nhiên sau đó không lâu đối tác ngừng mua hàng, tình trạng khó khăn lại tiếp diễn.
“Trong điều kiện khó khăn, công ty vẫn duy trì sản xuất với 8 công nhân làm việc thường xuyên, giảm một nửa so với trước. Ngoài ra, chúng tôi có thu mua của người dân trong xã Phú Mỹ khoảng 5.000 sản phẩm/tuần. Trong khi đó, số sản phẩm làm ra của bà con trong xã này đạt khoảng 20.000 sản phẩm/tuần, cung đã thật sự vượt cầu”, anh Phú chia sẻ.
Bà Thị Dên (68 tuổi), ngụ ấp Trà Phọt, xã Phú Mỹ có hàng chục năm làm nghề đan cỏ bàng. Hiện do đầu ra khó khăn bà Dên ít đan sản phẩm, mà chủ yếu thu mua mánh cỏ bàng của người dân xã Phú Mỹ và bán cho các công ty, đơn vị thu mua.
“Trung bình khoảng 1 tuần, gia đình tôi gom được gần 200 mánh cỏ bàng, mỗi mánh bán ra tôi thu lãi 3.000 đồng. Như vậy, gia đình tôi có thu nhập 600.000 đồng/tuần, chỉ bằng 1/3 so 2 năm trước; tuy nhiên, đây là cách để tôi duy trì sản xuất, có thu nhập”, bà Dên nói. Câu chuyện của bà Dên cũng là câu chuyện của rất nhiều hộ gia đình làm nghề đan đệm cỏ bàng ở xã Phú Mỹ.
Xã Phú Mỹ có Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ thành lập năm 2017, với khoảng 50 thành viên. Hợp tác xã sản xuất các phụ kiện, hoặc sản phẩm như ba lô, túi xách, thảm, quà lưu niệm…
Trong điều kiện đầu ra gặp khó, các thành viên duy trì sản xuất, tìm thêm khách hàng nhỏ lẻ để bán sản phẩm thay vì trông chờ vào những đơn hàng lớn như trước. Hợp tác xã cũng duy trì việc thu mua sản phẩm làm từ cỏ bàng của người dân địa phương.
“Nghề đan đệm cỏ bàng là nghề truyền thống lâu đời của người dân địa phương. Chính quyền sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ người dân duy trì, phát triển nghề. Trước mắt, chúng tôi sẽ tìm thêm phương án kết nối tiêu thụ sản phẩm từ cỏ bàng”, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Trần Trung Kiên nhấn mạnh.