'Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu' góp phần gắn kết nguồn cội
Với nhiều người con xa quê hương, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, họ luôn đau đáu một nỗi nhớ niềm thương 'Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3'. Nỗi nhớ cội nguồn con Lạc cháu Hồng giờ đây đã nguôi ngoai phần nào nhờ công nghệ thông tin và sự kết nối của Dự án 'Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu'.
Đã gần 20 năm, bà Nguyễn Thị Hạnh (lấy chồng và định cư ở Nga) không được về lại Đền Hùng (Phú Thọ). Bà nhớ thời còn ở trong nước, vào dịp Giỗ Tổ, bà thường cùng gia đình, người thân lên dâng hương ở Đền Hùng. Nơi này là chốn linh thiêng mà một người con xa quê như bà luôn hướng về. Chia sẻ với chúng tôi, bà Hạnh cho biết: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một nét độc đáo trong văn hóa tinh thần của người Việt. Con cháu thể hiện lòng hiếu thuận với tổ tiên, hiếu kính tiền nhân, hướng về cội nguồn, quê hương, đất nước để phấn đấu, đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nét đẹp văn hóa này của dân tộc chính là một triết lý nhân văn sâu sắc, hướng con người tới chân-thiện-mỹ. Cao hơn nữa, đó còn là động lực của tinh thần dân tộc, hướng những người con có chung nguồn cội tạo thành sức mạnh đoàn kết”. Không có điều kiện về dâng hương Quốc tổ vào dịp Quốc lễ mồng 10 tháng 3 âm lịch, bà Hạnh và nhiều đồng bào ở xa Tổ quốc như được an ủi phần nào nhờ Dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”. Tại mỗi địa bàn sinh sống, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, bà con tổ chức lễ dâng hương, tạ ơn Vua Hùng và các bậc tiền nhân, thể hiện sự gắn bó với nguồn cội, với quê hương, Tổ quốc mình.
"Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu" là dự án được hình thành từ năm 2015, do một số nhà khoa học, trí thức, hội đoàn kiều bào sáng lập. Ngày 11-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục triển khai tổ chức "Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu" ở các nước có đông bà con kiều bào sinh sống; đồng thời xây dựng dự án thành đề tài khoa học cấp quốc gia. Mục đích của dự án nhằm tôn vinh giá trị tinh thần của dân tộc Việt trên các phương diện: Văn hóa, xã hội, truyền thống, phong tục, ẩm thực, đặc biệt là văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; định vị giá trị thương hiệu, giá trị văn hóa của người Việt, qua đó bạn bè quốc tế hiểu hơn về con người và những giá trị, thế mạnh của Việt Nam. Sau 6 năm triển khai, dự án đã thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào Việt Nam trên thế giới. Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: “Thực hiện Dự án "Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu" không chỉ khẳng định tinh thần đoàn kết dân tộc, giá trị trường tồn của Di sản tín ngưỡng Hùng Vương mà còn mang ý nghĩa hun đúc lòng tự tôn, tự hào dân tộc, vun đắp giá trị và phẩm hạnh của người Việt, giúp chúng ta tự tin hội nhập với các nền văn hóa trên thế giới”.
Ngoài việc gắn kết cộng đồng người Việt, các hoạt động của dự án diễn ra trong cả năm gắn kết các tổ chức văn hóa, tổ chức truyền thông về hình ảnh đất nước, dân tộc Việt Nam ra cộng đồng người Việt tại nước ngoài và với những nước có người Việt sinh sống; gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài.