Voi đi tập kết
Trong đội ngũ cán bộ, bộ đội đi tập kết có các 'chiến sĩ Voi' của Liên khu 5 và Tây Nguyên đã lập nhiều thành tích trong công tác vận chuyển lương thực, vũ khí và tải thương phục vụ các chiến dịch Nguyễn Huệ, An Khê (1952), Đông Xuân (1953 - 1954) ở Tây Nguyên.
Xuống tàu
Ngoài các “chiến sĩ Voi” còn có các “chiến sĩ Ngựa” - những chiến sĩ quân bưu, liên lạc trên toàn mặt trận Liên khu 5. Có bảy “đồng đội Voi” được đi tập kết. Trong số này có 3 “đồng chí Voi” đã được tặng Huân chương Chiến công. Bộ đội Cụ Hồ không nỡ để các “đồng đội” đã cùng nhau vào sinh ra tử ở lại trong vùng địch sẽ tiếp quản, cũng không nỡ để “đồng đội” trở lại rừng sâu, không biết nay sống mai chết thế nào. Các “đồng chí Voi” đã được cùng đi tập kết.
Voi được đưa “xuống núi” bằng xe chiến lợi phẩm của quân Pháp. Tại Cảng Quy Nhơn, voi được làm quen với nơi đô thị đông người, tiếng ồn của máy tàu, với môi trường bãi biển, với cát và nước. Sau đó, Voi được cho làm quen để tự lên tàu đổ bộ (tàu há mồm) của người Pháp để ra tàu đậu ngoài khơi.
Do nài voi (quản tượng) là đồng bào dân tộc đều ở lại buôn làng nên việc “chỉ huy” được giao cho một chiến sĩ quân giới tên là Thương. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, ông đã từng là người chăm sóc voi, ngựa của nhà vua trong Đại Nội, Huế, từng điều khiển voi cho Vua Bảo Đại đi săn bắn. Một chú voi trẻ có tên là Dzukoreo. Dzu nghĩa là du kích. Koreo là âm thanh của núi rừng. Trước khi “đi bộ đội” voi đã biết quay phải, quay trái, rồi cả quỳ xuống, co chân, đưa cái này, lấy cái khác bằng vòi theo hiệu lệnh. Khi vào “bộ đội vận tải” được học và biết thêm các động tác “nghiêm!”, “nghỉ!”. Nó còn biết “đằng sau, quay!”.
Dzukoreo được bộ đội ta cho “đi dạo” phố, qua chợ, vào các xưởng máy. Nhưng khi ra biển, cậu lại tỏ ra khá ngập ngừng. Đi sát mép nước, sóng đập vào chân, nó đưa vòi ra đỡ. Hít phải nước biển nó giật mình, lùi lại, quay ngược đi lên. Nhờ anh nài voi luôn tỏ ra thân thiện, khôn khéo và rất kiên trì nên mới “khuất phục” được chú voi lần đầu được đi du lịch biển.
Xuống tàu há mồm, lần đầu tiên phải đi trên sàn sắt, vào một “cái thùng”, không nắp, to tướng, nó chững lại không chịu đi. Lại phải tập làm quen. Voi thận trọng bước từng bước một vừa đi vừa dùng vòi dò thử sàn tàu. Anh nài lại phải năn nỉ, vỗ về và “thưởng” cho nó vài lóng mía hay mấy nải chuối.
Rồi mọi việc cũng qua đi trong sự vui mừng của Ban chỉ huy Đoàn cơ khí vận tải quân sự, do đồng chí Nguyễn Ngọc Vinh, lãnh đạo Sở quân giới Liên khu 5 phụ trách, nơi Dzukoreo được “biên chế” trong đội ngũ tập kết. Nhưng làm sao đưa voi từ tàu đổ bộ lên tàu Kilinski? Có nhiều phương án được đưa ra. Sau cùng, mọi người thống nhất làm cho Dzukoreo một cái lồng sắt, cho cậu vào rồi cẩu lên. Việc chế tạo lồng được giao cho cán bộ, chiến sĩ quân giới đang có mặt trong đội hình tập kết đảm nhận. Lồng làm xong, Dzukoreo đứng trong lồng. Nhưng cẩu không thành công.
“Các đồng chí thủy thủ Ba Lan kết hai chiếc đệm giữ lồng lại, có dây bện dọc bện ngang thành chiếc võng, bên trên có vòng khuy để móc cẩu. Võng được luồn dưới bụng, ngực voi và choàng lên lưng. Khi kéo lên, võng dần áp sát thân voi và từ từ nhấc lên. Một mét… hai mét… năm mét, voi bắt đầu quậy. Vẫn chưa qua lan can mạn tàu. Bốn chân voi vùng vẫy trong không khí. Voi càng lắc, đu đưa càng mạnh, lưới đệm càng siết chặt vào ngực, vào bụng voi. Bị tức thở, voi càng quậy dữ, rồng gấm lên, ỉa đái vung vãi xuống tàu. Tình thế bất lợi, phải hạ xuống. Đưa voi vào. Tính cách khác” (Trích hồi ký của ông Bành Quang Tùng, tùy viên liên lạc tại cảng Quy Nhơn, nguyên cán bộ Quân giới, Sở Quân giới Liên khu 5, trong “Người thợ làm súng”, NXB Đà Nẵng, 1990).
Các cán bộ Sở quân giới Liên khu 5 lại bàn nhau vẫn làm võng lưới nhưng không thắt qua bụng và ngực voi mà cho 4 chân nó đứng trong 4 cái vòng lồng (như kiểu mang bít tất) rồi cẩu lên. Dây thừng đan lồng lưới được tàu Kilinski cho. Lồng lưới do ông Tư Ô đan. Dzukoreo “mặc vào” như mặc một bộ đồ lưới áo liền quần, lại trông giống như chiếc gióng (quang gánh) thắt trên lưng voi. Dzukoreo dần dần quen với “bộ cánh” này.
Vẫn cần phải thử “cẩu” cậu ta. Dzukoreo được đưa đến một cây đa đôi cổ thụ ở ngoại ô Quy Nhơn. Bên trên là một xà ngang với một ba - lăng xích. Mọi người hồi hộp chờ kết quả. Dzukoreo được kéo lên. Một mét, rồi hai mét … anh chàng vẫn đứng yên. Đôi tai ve vẩy, bốn chân bơi nhẹ trong không khí không phản ứng gì. Thành công rồi!
Ngày xuống tàu, Dzukoreo có vẻ ngần ngại. Nài Thước lại vỗ về, voi chậm rãi đi. Bộ đồ lưới áo liền quần đã được nịt sẵn. Nài Thước tiến đến làm động tác móc cẩu. Sĩ quan tàu Kilinski ra lệnh: “Vira! (Kéo!)”. Máy cuốn nhè nhẹ. Voi từ từ được nhấc lên từng mét, từng mét. Chú voi ta bơi nhẹ chân. Chiếc vòi đưa qua đưa lại. “Effest surprises! (Thật kinh ngạc!)” - Một người Pháp kêu lên.
Có 4 “chiến sĩ voi” lên cùng chuyến tàu ra Bắc cùng Đại đoàn 305 (ra Bắc đổi tên là Sư đoàn 305). Trong hồi ký, ông Anatoly Akulinichev, thành viên của Sovfracht đã viết: “Voi được sắp xếp đi trong những chuyến tàu cuối cùng. Chỉ có một sự cố nhỏ khi một con voi kêu rống và rút chân lên làm mất thăng bằng, suýt rơi trở lại xuống sàn tàu trung chuyển”. Trong chuyến tàu cuối, còn thêm 3 “Chiến sĩ Voi” cùng một số ngựa, chim, thú … được “tập kết”. Các chú voi cùng toàn bộ phương tiện quân sự: các loại xe, pháo, vũ khí các loại, sau khi lên tàu ra đến Hải Phòng, được tàu đổ bộ Pháp trung chuyển vào Bến Ninh Giang (Hải Dương) nằm trên sông Luộc, cách cửa biển 70km đường thủy.
Hành trình Voi Việt Nam xuất ngoại
Để tri ân, Chính phủ Việt Nam quyết định tặng cho các tàu của Liên Xô gồm tàu Arkhangelsk và tàu Stavropol, tàu Kilinski của Ba Lan mỗi tàu một con voi, một số ngựa và chim thú các loại. Thuyền trưởng tàu Kilinski là Romuald Cielewicz đã kể lại câu chuyện vận chuyển voi sang Ba Lan ngay sau lúc trở về từ Việt Nam. Đáng nhớ nhất là việc lo thức ăn cho voi.
Thủy thủ đã chuẩn bị cho voi rất nhiều chuối, hy vọng đủ cho voi ăn cho đến khi về tới nơi. Nhưng số chuối đó chỉ đủ voi ăn trong … một tuần. Tàu Kilinski phải ghé Colombo (Sri Lanka) để mua thêm cỏ linh lăng có xuất xứ từ Úc.
Thuyền trưởng R. Cielewicz viết: “Chú voi “thất thường” không chịu ăn. Trong thời gian dừng lại ở kênh đào Suez, người ta đã chất thêm 300kg bắp cải và chú voi phải miễn cưỡng ăn. Cậu ta thường giẫm nát bắp cải hoặc dùng vòi ném vào thủy thủ đoàn. Cuối cùng, tình hình đã được cứu vãn nhờ khoai tây luộc và củ cải đường mua khẩn cấp ở kênh đào Kiel (thuộc Đức, nối Biển Bắc và Biển Baltic). Cả nước Ba Lan chờ đợi chú voi, phấn khích trước thông tin: “Voi “Partizant”, món quà của Việt Nam tại Vườn thú Vacsava” (Báo "Gazeta Zielonogórska", ngày 6/9/1955).
Quà tặng đi cùng voi gồm 7 con trăn, 12 con khỉ, 16 con chim, 2 con cáo, 2 con chồn. Vườn thú Vacsava đã trở nên náo nhiệt khác thường trước quà tặng của nhân dân và chính phủ Việt Nam. Partyzant là loài voi Ấn Độ, sinh năm 1920 tại Campuchia. Partyzant chỉ sống được hai năm tại vườn thú Vacsava. Loài voi châu Á có tuổi thọ trung bình trong tự nhiên là 70 năm. Cái tên “Partyzant” có nghĩa là “du kích”. Nó là con voi Dzukoreo, cũng tên là “du kích” được kể ở trên.
Ngày 27/10/1955 tại cảng Gdand (Ba Lan), trên tàu MS "Kilinski" đã tổ chức lễ trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất cho Thuyền trưởng Romuald Cielewicz và thuyền phó Stanis#aw Szadkowski. Hai sĩ quan khác của tàu được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Hai và 13 thủy thủ được trao Huân chương Lao động Hạng Ba.
Voi ở Vườn Bách thảo Hà Nội
Từ giữa năm 1955, người dân Hà Nội và vùng phụ cận nô nức đến Vườn Bách Thảo để ngắm nhìn các chú voi, chính là “đồng đội” của bộ đội ta từ chiến trường Tây Nguyên theo đoàn quân tập kết ra Bắc.
Hầu như tuần nào, vào ngày chủ nhật, bọn trẻ chúng tôi đều đòi ba má cho đi xem voi. Tôi hỏi ba má: “Mấy con voi nó đeo cái gì ở cổ thế?”. Má tôi trả lời: “Nó đeo Huân chương của Bác Hồ tặng đấy!”. Tôi lơ mơ không hiểu lắm về Huân chương nhưng cũng biết rằng đã là quà của Bác Hồ thì rất quý. Chắc mấy con voi này rất ngoan lại rất giỏi nữa. Tôi cũng muốn được như chúng.
Theo lời kể của chị Chị Siu Pia, nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ Gia Lai - học sinh miền Nam tập kết thì “Có 3 con voi, voi “ông”, voi “bà” và một “voi trẻ” được đặt tên là Nhất - Định - Thắng. Sau này voi “ông” và voi “bà” sinh được một “em bé” nên được gọi là Lợi”.
Hình ảnh các chú voi Tây Nguyên đeo Huân chương, trong một thời gian dài đã để lại nhiều ấn tượng với nhân dân miền Bắc và khách quốc tế khi đến với Hà Nội, nhất là các cháu thiếu nhi.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/voi-di-tap-ket-i748966/