Ngày rong chơi ở 'miền cổ tích' Trà Ổ
Đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) với hệ sinh thái vùng đầm đa dạng, khung cảnh yên bình đang trở thành điểm đến cho những ai muốn làm mới tâm hồn.
Độc đáo đầm Trà Ổ
Nằm cách Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 50km, đầm Trà Ổ hay còn được gọi là đầm Châu Trúc, đầm Bàu Bàng, là đầm nước ngọt tự nhiên nằm ở phía Đông Bắc của huyện Phù Mỹ.

Thơ mộng đầm Trà Ổ. Ảnh: Nguyễn Sa Huỳnh
Theo tư liệu ghi chép của Mộc bản triều Nguyễn thì đầm Trà Ổ là một trảng cát trắng phau, bằng phẳng. Trên đó, có 2 đầm nước nhỏ, một ở mạn Bắc có tên gọi Bình Hồ Hải Đông và đầm nhỏ kia ở phía Nam có tên là Thủy Cơ. Đầm Trà Ổ khi ấy thông ra biển với của Hà Ra. Dưới triều Nguyễn, đầm Trà Ổ được vua cho đặt trạm để thu thuế hàng năm.

Qua thời gian, đầm Trà Ổ từ một đầm nước lợ thông với biển nay đã trở thành một đầm nước ngọt. Ảnh: Nguyễn Sa Huỳnh
Từ đầm nước mặn ăn thông với biển bằng dòng chảy đưa nước ra cửa Hà Ra, qua thăng trầm của thời gian, dòng chảy bị bồi lấp. Lâu dần, đầm Trà Ổ không còn chung nhịp thở với thủy triều. Cùng với đó, đầm nhận nước từ những sông suối từ trên núi đổ về, thứ nước chưa ngọt nhưng sông, nhưng đã nhạt dần vị muối, tạo ra một hệ sinh thái riêng. Từ đó sản sinh những sản vật đặc sắc, mà trong đó phải nói đến là sản vật chình mun và chình bông, tôm, rạm.

Nhịp sống của cư dân quanh đầm, tô điểm thêm cho khung cảnh bình yên của một vùng quê. Ảnh: Nguyễn Sa Huỳnh
Thêm một điều đặc biệt nữa, cuối năm 2023, đầm Trà Ổ ghi nhận sự xuất hiện của 5 cá thể Cò mỏ thìa. Đây là loại chim đặc hữu cho khu vực Đông Á hiện đang được xếp hạng Nguy cấp (EN) trong Danh lục đỏ của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUNC) cũng như Sách đỏ Việt Nam.

Cò mò thìa - loài chim quý hiếm xuất ở đầm Trà Ổ. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Bình Định), cùng với Cò mỏ thìa, còn có Te mào và Choắt mỏ thẳng đuôi đen cho thấy khu vực đầm Trà Ổ có môi trường sống phù hợp với các loài chim nước. Đây cũng là minh chứng cho sự đa dạng sinh học ở vùng đầm này.
Nhiều trải nghiệm hấp dẫn
Điều hấp dẫn du khách về đầm Trà Ổ bên cạnh sự đa dạng sinh học, sản vật đầm nức tiếng thì phải kể đến sự yên bình thơ mộng của vùng đầm này. Phong cảnh hoang sơ, bình dị, xung quanh đầm là những mảng xanh, là đồng lúa xanh mướt. Nhịp sống của đầm được vẽ từ lao động bình dị của cư dân quanh đầm khi vợ, khi chồng ra đầm buông lưới, thả câu lúc chiều về.

Ven đầm Trà Ổ, người dân trồng thêm hoa. Ảnh: Thu Dịu
Ở giữa đầm là những cù lao nhỏ, người dân tô điểm cho đầm bằng những vườn sao nhái, cúc, sen… để thu hút khách.
"Thời điểm đẹp nhất ở đầm Trà Ổ là lúc đón bình minh lên, mặt trời sóng ánh vàng trên làn nước lặng, một cảm giác bình yên đến khó tả. Ở thị trấn Phù Mỹ, thế nhưng năm nào tôi cũng dành thời gian dạo về đầm Trà Ổ dịp đầu xuân, để được ngắm mây trời, cỏ cây của một vùng nước xanh biếc", chị Nguyễn Như Ý (thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) chia sẻ.

Chị Như Ý trải nghiệm và lưu lại những khoảnh đẹp bên đầm Trà Ổ trong mùa hoa sen, hoa súng nở. Ảnh:NVCC
Người dân quanh đầm Trà Ổ bắt đầu thích ứng với việc du khách tìm đến trải nghiệm. Nhiều người bắt nhịp xu thế bằng việc xây dựng vườn hoa, tiểu cảnh để cho khách check-in. Có doanh nghiệp đầu tư mở tour du lịch khám phá đầm Trà Ổ trong đó tăng thêm trải nghiệm như chèo ghe, bơi thuyền kayak, khám phá làng bí đao khổng lồ…

Du khách tham quan trải nghiệm làng bí đao khổng lồ Chánh Trạch, Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Ảnh: Ngọc Thạch
"Năm 2018, tôi bắt đầu mở tour khám phá vùng đầm Trà Ổ - Mũi Vi Rồng – Làng Bí đao khổng lồ Chánh Trạch. Tour du lịch trải nghiệm này là một điểm nhấn của công ty chúng tôi. Nhiều du khách bày tỏ sự thích thú khi được trải nghiệm các hoạt động vui chơi ở đầm Trà Ổ, thu hoạch bí đao khổng lồ", ông Nguyễn Ngọc Thạch – Giám đốc Công ty TNHH Bình Long Travel (Phù Mỹ), chia sẻ.
Ngày 24/3/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định 888/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng tỉ lệ 1/5.000 khu vực đầm Trà Ổ đến năm 2025. Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, đầm Trà Ổ hiện là đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh, là điển hình cho hệ thống đầm, phá nhiệt đới ven biển miền Trung nằm trên địa bàn 4 xã của huyện Phù Mỹ gồm Mỹ Châu, Mỹ Thắng, Mỹ Đức, Mỹ Lợi.
Một góc đầm Trà Ổ. Ảnh: Thu Dịu
Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch xây dựng huyện Phù Mỹ đến năm 2035 xác định: Khu vực đầm Trà Ổ thuộc vùng hạn chế phát thải, vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt; vùng đất ngập nước quan trọng; hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, khu vui chơi giải trí dưới nước; khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường, dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường. Khu vực được định hướng phát triển theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học đầm nước ngọt Trà Ổ, kết hợp phát triển du lịch sinh thái cao cấp, du lịch cộng đồng trên cơ sở bảo tồn và phát triển cảnh quan tự nhiên, văn hóa khu vực.