Ngày Tết tôi muốn vào viện dưỡng lão ngay khi chứng kiến các con tranh giành nhà của mẹ

Nghe các con tranh luận về chuyện vật chất, tôi như gục ngã không ngờ con mình bất hiếu như vậy.

Tôi năm nay 65 tuổi, chồng mất cách đây gần 10 năm. Từ hồi chồng mất, tôi vất vả lo cho các con ăn học, khôn lớn trưởng thành. Đến nay cả 3 người con của tôi đều có công ăn việc làm ổn định, thu nhập tốt và đã lập gia đình. Nhìn vào ai cũng khen tôi nghị lực, khéo tay khi con cháu ai cũng có ăn học thành tài, gia đình hạnh phúc.

Con trai cả lấy vợ cách nhà tôi 60 cây số và lập nghiệp ở gần nhà vợ, bây giờ có nhà cửa đàng hoàng, đời sống sung túc. Con trai thứ hai cách nhà tôi 7 cây số, hai vợ chồng cũng hay qua lại thăm hỏi, mua quà biếu mẹ. Còn con gái út mới kết hôn cách đây 3 năm, tuy ở xa nhưng vẫn thường xuyên nhắn tin, gọi điện về cho mẹ. Tết nào vợ chồng con út cũng về, năm nay đưa cả cháu ngoại của tôi về nữa.

Ngày Tết dù thiếu vắng đi người chồng tôi hết mực yêu thương, nhưng bù lại là con cháu quây quần, đúng là tôi rất mãn nguyện. Biết các con về ăn Tết nên tôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ chỗ ngủ, cho tới bữa ăn hàng ngày, làm những món con cháu yêu thích. Trước Tết, tôi hồi hộp mong ngóng từng giờ để gặp con cháu, xúc động trước tình cảm mà các con, các cháu dành cho mình.

Bữa cơm ngày Tết ai cũng vui mừng, nói cười vui vẻ… Sau bữa cơm, tôi lên trên tầng chơi với các cháu, còn các con của tôi ngồi chơi dưới phòng khách, cùng ăn bánh kẹo, hoa quả và uống trà, nói chuyện ngày xưa và cuộc sống hiện nay. Thấy các con vui vẻ, đoàn kết như vậy tôi hạnh phúc lắm, chỉ ước mình có được sức khỏe để sống lâu bên con cháu.

Cảm thấy cô đơn khi các con chỉ nghĩ tới lợi ích cá nhân. Ảnh minh họa

Cảm thấy cô đơn khi các con chỉ nghĩ tới lợi ích cá nhân. Ảnh minh họa

Sau hơn 1 giờ chơi với các cháu, tôi trở xuống nhà để lấy xạc điện thoại thì tình cờ nghe được cuộc tranh cãi giữa các con ruột của tôi. Con trai thứ hai của tôi lớn tiếng nói: "Em ở gần mẹ nên có công lớn trong chăm sóc, nên nhà này ít ra em phải được một nửa. Anh cả và em gái út lấy đất đi, sau này thích thì bán đi còn em lấy nhà này chạy qua chạy lại còn thờ cúng nữa".

Tiếng con cả tôi phản đối: "Anh ở xa nhưng thỉnh thoảng vẫn gửi tiền về cho mẹ, anh là con cả trách nhiệm thờ cúng, đâu đến lượt em. Chưa kể, hồi các em đi học, anh vẫn gửi tiền ăn học cho các em, sao không tính luôn đi, giờ đòi phần hơn với anh".

Con gái út của tôi ấm ức với các anh: "Em tuy phận gái, nhưng thời buổi này trai gái như nhau, theo em là khi nào mẹ mất cứ chia đều cho tất cả. Ai cũng có thể thờ cúng, còn việc gia đình tốt nhất làm xong cứ chia tiền theo các nhà là xong, không ai hơn không ai kém".

Tôi quá sốc, về vội phòng nằm khóc. Tôi cứ nghĩ các con tôi có hiếu lắm, đứa nào cũng luôn mồm nói yêu và thương mẹ. Giờ tôi lại chứng kiến màn tranh cãi, phân chia tài sản của bố mẹ, không ai chịu nhường ai vì sợ thiệt. Tôi luôn nuôi dạy các con có hiếu, sống yêu thương, đùm bọc nhau. Vậy mà các con tôi vì lòng tham, thấy nhà của mẹ có giá trị cao là tính đến chuyện sớm chia tài sản.

Tôi buồn và thất vọng lắm, nhưng vẫn cố tỏ ra như không hề nghe thấy những gì các con đã nói. Lúc đó, tôi chỉ muốn mình được tới viện dưỡng lão để sống, không liên quan gì tới con cháu nữa. Còn nhà cửa các con muốn bán, chia nhau thế nào thì tùy, tôi có lương hưu cũng đủ đóng tiền phí của viện dưỡng lão.

Dù các con chỉ tranh cãi miệng với nhau nhưng với tôi quả là nỗi đau khó tả. Các con tôi như vậy, tôi có nên dạy cho các con một bài học, hay là âm thầm chuyển đến viện dưỡng lão sống? Hãy cho tôi lời khuyên!

Hoacuc@...

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ngay-tet-toi-muon-vao-vien-duong-lao-ngay-khi-chung-kien-cac-con-tranh-gianh-nha-cua-me-172250205150755617.htm