Ngày thứ bảy vì dân ở Di Linh
Kế hoạch khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm tập trung năm nhóm vấn đề gây bức xúc dư luận thuộc trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Di Linh (Lâm Ðồng), đã được giải trình sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.
Những khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ qua các cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân. Sự đi trước làm gương của người đứng đầu đã có tác dụng rõ rệt, tạo được niềm tin với người dân. Di Linh đã có nhiều sáng kiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các giải pháp về xây dựng Ðảng.
Ngày cuối tuần không nghỉ
Hơn 80 người dân xã Hòa Trung hôm đó như được cởi lòng bởi những bế tắc bấy lâu đã được giải tỏa tại hội nghị tiếp công dân, chuyên đề về đất đai, do đồng chí Ðặng Ðức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh chủ trì. Hàng chục lượt ý kiến của bà con được tiếp thu, phân loại. Ý kiến nào có thể giải quyết được tại chỗ, đồng chí Phó Chủ tịch chỉ đạo thực hiện ngay. Trường hợp nào cần làm rõ, bổ sung thêm, đại diện cơ quan chuyên môn giải thích và hướng dẫn bà con làm lại. Sau sáu ngày, UBND huyện đã có thông báo kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch gửi tất cả các phòng, ban, đơn vị liên quan và các ban nhân dân trong xã Hòa Trung. Thông báo chỉ đạo rõ hướng giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể như bà Nguyễn Thị Hiền, thôn 5, đề nghị được xem xét giải quyết cho đo đạc tách thửa đất để lập thủ tục chuyển nhượng; ông Nguyễn Văn Lết, thôn 4, bức xúc vì nhiều lần liên hệ làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) thửa đất 7.440 m2 mà gia đình khai phá từ năm 1994, đều bị Phòng Tài nguyên - Môi trường của huyện trả về với lý do đo sai diện tích (cán bộ địa chính xã đo đạc)... Một số trường hợp khác thuộc diện chưa được cấp GCNQSD đất, do UBND xã Hòa Trung và các xã giáp ranh chưa phân định được địa giới hành chính; hoặc nhóm ý kiến đề nghị được cấp GCNQSD đất tại khu vực 150 ha sình sậy... đều được chỉ dẫn cụ thể để người dân hiểu và dễ thực hiện.
Tại buổi tiếp công dân xã Tân Lâm vừa qua, ông Tạ Văn Sự ở thôn 6 thắc mắc, ông và một số gia đình trong thôn có đất đã canh tác lâu năm, được đo đạc bản đồ địa chính, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp GCNQSD đất? Sau khi nghe giải trình của đại diện UBND xã, đồng chí Nguyễn Canh, Chủ tịch UBND huyện thay mặt Hội đồng tiếp công dân, ghi nhận ý kiến và giải thích: Diện tích đất các hộ đang canh tác, sản xuất thuộc khu vực đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Ðồng phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại ba loại rừng giai đoạn 2008-2020, nhưng hiện nay chưa có quyết định cho chuyển mục đích sử dụng sang sản xuất nông nghiệp, cho nên chưa thể giải quyết cấp GCNQSD đất được. Tiếp đó, đồng chí Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo UBND xã Tân Lâm phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, tổng hợp các trường hợp tương tự, để UBND huyện xin ý kiến cấp tỉnh cho chủ trương giải quyết. Dù chưa được đáp ứng đúng nhu cầu, nhưng nghe người đứng đầu chính quyền cấp huyện giải thích thỏa đáng, mọi người đều yên tâm, tiếp tục sản xuất.
Ðó là hai trong số các cuộc đối thoại trong "Ngày thứ bảy vì dân" được thực hiện nhiều tháng qua ở Di Linh. Theo quy định, mỗi thứ bảy hằng tuần, huyện tổ chức đoàn công tác do một đồng chí cán bộ chủ chốt dẫn đầu, xuống địa phương, đơn vị - nơi có đơn, thư khiếu kiện, bức xúc hoặc nảy sinh vướng mắc để lắng nghe, xem xét giải quyết. Mỗi buổi tiếp xúc là một cuộc làm việc theo chuyên đề nhằm tập trung giải đáp, giải quyết dứt điểm từng nội dung. Thời gian qua, "Ngày thứ bảy vì dân" đã góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc trong việc tái định canh cho người dân có đất lòng hồ Thủy điện Ðồng Nai 2; thúc đẩy việc chi trả tiền đền bù, hỗ trợ các hộ dân trong diện có đất thu hồi trong dự án này; giải quyết thỏa đáng quyền lợi của các bên liên quan dự án Khu Liên hợp thể thao của huyện và khu chợ trung tâm thị trấn Di Linh; rà soát và kiến nghị thu hồi các dự án không hiệu quả hoặc chậm triển khai của một số doanh nghiệp liên quan đến rừng và đất rừng, lấy đất giao cho các hộ dân thiếu đất sản xuất...
Theo Bí thư Huyện ủy Lù Chấn Lìn, Di Linh có nhiều "cái nhất" so các đơn vị cùng cấp trong tỉnh: Ðơn vị hành chính nhiều nhất; số người dân tộc thiểu số đông nhất; diện tích cà-phê lớn nhất, diện tích rừng che phủ cao nhất... Ngoài ra huyện Di Linh là vùng có 80% số dân theo các tôn giáo khác nhau, có hai tuyến quốc lộ chạy qua, hai nhà máy thủy điện Ðồng Nai 2 và Ðồng Nai 3... Ðó là các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển, kinh tế - xã hội; đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các "điểm nóng" về an ninh chính trị, trật tự xã hội. Sáng kiến "Ngày thứ bảy vì dân" vừa là giải pháp thực tế rèn luyện cán bộ có tác phong quần chúng, gần dân hơn, vừa chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để có biện pháp giải quyết thấu đáo những mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở.
Vai trò người đứng đầu
Hội nghị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Di Linh hồi cuối năm 2012, đã xác định rõ những khuyết điểm, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, vai trò người đứng đầu, cá nhân phụ trách ở một số địa phương, lĩnh vực còn hạn chế, không rõ nét, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm, khiến dư luận bức xúc, nhân dân thiếu tin tưởng. Tiếp thu ý kiến góp ý của các tập thể, cá nhân, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giải trình chi tiết về sự chậm trễ trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng liên quan năm công trình trọng điểm trên địa bàn; 10 dự án đầu tư không hiệu quả hoặc chậm tiến độ trong lĩnh vực lâm nghiệp; tình trạng khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép... Ðó cũng là các nội dung quan trọng trong kế hoạch khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Di Linh. Kế hoạch được đề ra với phương châm người đứng đầu phải nêu gương, làm trước, nhất quán trong lời nói và việc làm; không hứa suông, nói suông.
Chúng tôi khá ấn tượng với bản kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm của Bí thư Huyện ủy Lù Chấn Lìn. Tự soi rọi lại mình theo các nội dung Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), đồng chí đã chỉ ra chín khuyết điểm, hạn chế của bản thân khi đảm nhiệm vai trò người đứng đầu và đề ra lộ trình khắc phục, sửa chữa một cách khá cụ thể. Với vai trò Bí thư Huyện ủy, đồng chí tự nhận bản thân chưa chỉ đạo việc tìm giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài ở hai đảng bộ xã Ðinh Lạc và Ðinh Trang Hòa một cách quyết liệt. Ðây cũng là nhiệm vụ đồng chí nêu quyết tâm khắc phục triệt để trong năm 2013. Và ngay từ đầu năm, Bí thư Huyện ủy đã trực tiếp chỉ đạo, xem xét những sai phạm, yếu kém tại hai đảng bộ xã nói trên. Cách chức đảng ủy viên đối với Bí thư Ðảng ủy xã Ðinh Lạc do sử dụng bằng cấp giả và Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Ðinh Trang Hòa do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ. Công tác kiện toàn tổ chức tại hai đơn vị này được tổ chức công khai, dân chủ trước toàn Ðảng bộ xã. Cơ sở tự đề cử cán bộ tại chỗ, sau đó bỏ phiếu kín, chọn người có số phiếu tín nhiệm hơn 50%, trên cơ sở đó Huyện ủy làm quy trình bổ nhiệm cán bộ. Theo đánh giá bước đầu, công tác nhân sự đã tạo tiền đề cho sự ổn định và phát triển của hai xã nói trên.
Trao đổi ý kiến với một số cán bộ ở đây, chúng tôi được biết, mặc dù gia đình ở cách nơi làm việc khoảng 80 cây số, nhưng thứ bảy hằng tuần, đồng chí Bí thư Huyện ủy thường xuyên ở lại, cùng cán bộ chủ chốt của huyện dẫn đầu các đoàn công tác xuống đối thoại trực tiếp với nhân dân. Năm 2010, thu ngân sách toàn huyện không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, khi tổ chức đánh giá đảng viên cuối năm, cả hai đồng chí Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện đều tự nhận mức hoàn thành nhiệm vụ. Và tương tự với các ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách xã, nếu xã mình phụ trách không đạt các chỉ tiêu đề ra, hoặc tổ chức đảng ở đó yếu kém, cũng sẽ không thể nhận mức hoàn thành xuất sắc. Sự gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã có sức lan tỏa, góp phần chấn chỉnh nền nếp, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ ở Di Linh, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Năm 2012, Di Linh tiếp tục thực hiện giải quyết theo cơ chế một cửa đối với 12 thủ tục tại cấp huyện và 33 thủ tục cấp xã theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000; giải quyết một cửa liên thông đối với lĩnh vực đất đai, mở hộp thư thoại cung cấp 13 thủ tục hành chính khác. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ tiếp nhận đạt hơn 93%, trong đó giải quyết đúng hạn là 85%. Khắc phục tình trạng sách nhiễu, phiền hà của một bộ phận cán bộ địa chính xã, thị trấn và văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, năm 2012, Huyện ủy chỉ đạo điều chuyển 30% số cán bộ địa chính xã, thị trấn, số còn lại thực hiện trong sáu tháng đầu năm 2013; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa các biểu hiện vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức. Từ sau kiểm điểm, không phát sinh thêm trường hợp vi phạm mới.
- Căn cứ nào để khẳng định niềm tin của quần chúng nhân dân? Chúng tôi đặt câu hỏi.
Thay câu trả lời, đồng chí Bí thư Huyện ủy đưa chúng tôi xem một số bức thư cảm ơn của người dân, và chia sẻ, từ khi mở các hội nghị tiếp công dân, đơn, thư gửi trực tiếp tới lãnh đạo huyện ngày càng nhiều. Bởi lẽ, người dân tin tưởng rằng khi đơn, thư tới được tay lãnh đạo huyện là bức xúc, thắc mắc của họ sẽ có hướng giải quyết.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, và mọi công việc đều lấy dân làm gốc, Huyện ủy Di Linh đã chọn hướng đi đúng và cách làm sáng tạo, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cùng các giải pháp về xây dựng Ðảng.
Bài và ảnh: TIỂU PHƯƠNG
Sau nhiều lần đối thoại với người dân, những vướng mắc chung quanh dự án xây dựng chợ trung tâm Di Linh đang từng bước được tháo gỡ.
Theo
Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/21270202-.html