Ngày trở lại Trà Leng

Gần 4 năm sau ngày sạt lở kinh hoàng khiến nhiều người chết và mất tích, nhà cửa, làng mạc bị chôn vùi, gần 40 hộ dân ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã dần ổn định cuộc sống tại nơi tái định cư. Nhưng đâu đó vẫn còn khắc khoải nỗi sợ hãi núi đè tự trong tiềm thức.

Trong khu dân cư Bằng La, những ngôi nhà được xây kiên cố, mái tôn đỏ rợp sắc trời. Ảnh: Tiêu Dao

Trong khu dân cư Bằng La, những ngôi nhà được xây kiên cố, mái tôn đỏ rợp sắc trời. Ảnh: Tiêu Dao

Ngậm ngùi trước biến cố

Đã hơn 80 tuổi, hai vợ chồng ông Đề vẫn ở bên nhau trong căn nhà mới xây mấy năm qua. Gần 4 năm trôi qua sau vụ sạt lở kinh hoàng vẫn đau đáu trong lòng ông. Nơi ở cũ cách nhà 4km, cứ mỗi tháng, ông Đề lại về làng cũ làm nương rẫy. Nền nhà cũ, làng cũ cứ níu chân ông. Thương con, nhớ cháu, ông thăm người có mộ, hướng lên rừng cao tưởng nhớ con cháu chưa về. Về làng cũ, ông Đề thường ở lại, ngủ bên mộ các con cháu vài đêm rồi đi. Ở chính ngôi làng cũ mang tên ông, ngọn núi đã sạt và đổ ập về phía làng làm nhiều gia đình ly tán, nhà cửa vùi lấp, đau thương cả vùng núi rừng. Đến nay, vẫn còn 13 người của làng Ông Đề chưa thể tìm thấy sau biến cố.

Và với từng người dân nơi ấy, thảm cảnh sạt lở đất năm 2020 bám víu ký ức những người từng trải khi vụ sạt lở đất núi ở Trà Leng đã chôn vùi hàng chục ngôi nhà nơi sinh sống của hàng chục nhân khẩu địa phương. Ám ảnh, sợ hãi hay mầm sống sinh sôi dựa tất thảy vào ý chí vững chãi ở mỗi người. Những nóc làng miền núi cao này chứa đầy ký ức đau thương của sạt lở núi, kéo theo nhiều người đi mãi. Mất nhà, mất tài sản, mất cha mẹ, anh em, người thân, nỗi đau này quá lớn, tưởng rằng chẳng người dân nào vượt qua được. Nhưng với sự chung tay của chính quyền, rồi cả những mạnh thường quân đã giúp người Trà Leng trụ vững đi tiếp hành trình sống bên rừng thiêng bao đời. Họ, cùng nhiều trợ lực khác, vững chãi tái thiết cuộc sống mới sau thảm họa. Đường từ làng mới đến nơi ở cũ đã được bê tông hóa, đường về hai nơi gần với nhau. Ở khu dân cư Bằng La và căn nhà mới do Nhà nước đầu tư và nhiều đơn vị hỗ trợ, nhiều người làng cũ đã được an ủi, nguôi ngoai hơn.

An cư sau thảm họa

Từ nguồn kinh phí của Nhà nước, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, khu dân cư Bằng La (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) hoàn thành, đón người dân vào đầu năm mới 2021. Khu dân cư Bằng La được xây dựng khang trang, đầy đủ hạ tầng thiết yếu, tiện ích cho 39 gia đình đồng bào an cư. Những căn nhà xây kiên cố, mái tôn vững chãi cùng trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng giúp người dân vượt qua khó khăn sau đau thương. Tất cả 13 hộ dân nóc Ông Đề và 26 hộ dân nóc Tắk Pát cùng vào nơi mới an bình. Bảo đảm an toàn cho dân mùa mưa lũ về sau, huyện Nam Trà My đầu tư 60 tỷ đồng xây dựng kè Bằng La ở hai bên sông Leng. Cuối năm 2023, kè Bằng La hoàn thành, có thể bảo vệ 100 hộ dân trong khu dân cư và vùng lân cận xã Trà Leng.

Người dân được nhiều trợ lực đã vững chãi tái thiết cuộc sống mới sau thảm họa. Ảnh: Tiêu Dao

Người dân được nhiều trợ lực đã vững chãi tái thiết cuộc sống mới sau thảm họa. Ảnh: Tiêu Dao

Trời còn mờ sáng, nhưng tiếng ồn ã, nói cười lẫn trong nhiều ngôi nhà của làng. Những chiếc xe máy dựng ngay cửa, đôi vợ chồng người trẻ đợi nhau. Chiếc xe máy cũ chở người, đùm túm cơm nước, chai nhựa đựng xăng treo lủng lẳng bên hông xe cũng là lúc bà con ở đây bắt đầu ngày mới đi thu hoạch sắn. Chăn nuôi, trồng trọt từ những vườn sắn, quế, cau, thu nhập của bà con ở miền núi này khấm khá hơn. Đang mùa thu hoạch sắn, vợ chồng Đinh Thị Lê và Hồ Văn Hen đi làm từ sớm. Hai vợ chồng đến vườn người quen nhổ sắn, làm đổi công nhờ cậy mươi ngày trước. Về làng mới định cư, vợ chồng Lê quanh năm bận rộn chăm sóc từ 2.000-3.000 gốc sắn, 200 gốc quế, 1.000 gốc keo. “Sắn mới bán, thu được 10 triệu đồng. Con thì 2 đứa, lớp 7. Nhà mình nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, của Nhà nước nên đã không còn nghèo đói nữa!” - Lê nói trong tiếng cười vui.

Cạnh đó, trong căn nhà xây kiên cố với khung, trụ sắt thép, mái tôn vững chãi, vợ chồng Đinh Thị Duyên về ở hồi đầu năm 2021 sau vụ sạt lở. Duyên khoe đã được học nghề đan lát do Hội Nông dân huyện tổ chức. Ban ngày làm rẫy, đêm về Duyên đan giỏ bán trong thôn, xã cũng kiếm thêm tiền được. Trong khu dân cư Bằng La, những ngôi nhà xây kiên cố, những ngôi nhà mái tôn đỏ rợp sắc trời. San sát những ngôi nhà dân là nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, đường bê tông. Người lớn bận bịu, trẻ con cũng tự lo cho mình. Từng nhóm trẻ con mẫu giáo dắt díu nhau lên đầu xóm, nơi có trường và cô giáo đang chờ. Tiếng trẻ con í ới xen lẫn tiếng người lớn, xe máy nổ to giòn trên con dốc cao ra đường lớn.

Sau biến cố thiên tai, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Trà My cùng địa phương tập trung khắc phục, động viên nhau để bà con ổn định tinh thần. Tốc độ đầu tư hạ tầng, khắc phục sau sự cố của huyện, tỉnh rất nhanh. Chỉ sau 4 tháng vừa tìm vị trí an toàn, vừa xây dựng tất cả hạ tầng hoàn thiện. Bà con thấy lãnh đạo các cấp, ngành quyết tâm, nên được tiếp sức an lòng hơn. Về nơi mới, bà con tiếp tục sản xuất, làm ăn chứ không bi quan.

“Nhà nước, địa phương quan tâm hỗ trợ thêm giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ bà con sản xuất lại vườn, rừng nên đời sống ổn định dần. Ba năm qua, huyện tập trung tái cơ cấu sản xuất, phát triển dược liệu, trồng rừng, tạo sinh kế cho người dân dưới tán rừng. Ổn định dân cư, nâng cao mức sống cho người dân vùng thiên tai là mục tiêu để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra” - ông Phan Quốc Cường, nguyên Chủ tịch UBND xã Trà Leng (nay là Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Trà My) bồi hồi kể về công cuộc thay da, đổi thịt, xây dựng phát triển nông thôn mới của chính quyền và nhân dân nơi này.

Tiêu Dao - Trần Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ngay-tro-lai-tra-leng-post474190.html